Việt Nam-Thái Lan trao đổi kinh nghiệm về hệ thống nhãn xanh

Hội đồng các nước Đông Nam Á chuyên sản xuất nhựa vinyl phối hợp với Nhóm nghiên cứu thuộc Tổng cục Môi trường tổ chức trao đổi kinh nghiệm về hệ thống nhãn xanh giữa Việt Nam và Thái Lan.

Chiều 16/3, tại Hà Nội, Hội đồng các nước Đông Nam Á chuyên sản xuất nhựa vinyl phối hợp với Nhóm nghiên cứu thuộc Tổng cục Môi trường tổ chức trao đổi kinh nghiệm về hệ thống nhãn xanh giữa Việt Nam và Thái Lan.

Hoạt động này nằm trong chương trình tuyên truyền cho nhãn xanh Việt Nam và chương trình nhãn sinh thái hướng tới mục tiêu liên tục cải thiện và duy trì chất lượng môi trường sống, thông qua việc giảm thiểu sử dụng và tiêu dùng năng lượng, vật liệu cũng như các loại chất thải được sinh ra trong quá trình sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng những sản phẩm, dịch vụ tiêu dùng phục vụ đời sống.

Bà Nguyễn Thu Hà, đại diện nhóm nghiên cứu thuộc Tổng cục Môi trường, cho biết chương trình nhằm khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp sản xuất và thiết kế sản phẩm theo hướng giảm các tác động có hại tới tài nguyên và môi trường trong suốt quá trình khai thác nguyên liệu, sản xuất, bao gói, vận chuyển, tiêu thụ và thải bỏ sản phẩm... Qua đó, tạo lập thị trường bền vững cho sản phẩm thân thiện với môi trường thông qua các cơ chế ưu đãi cho tổ chức, cá nhân sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu và tiêu dùng.

Điều quan trọng là các doanh nghiệp có sản phẩm đủ điều kiện được dán nhãn xanh sẽ được các cơ quan sử dụng ngân sách Nhà nước ưu tiên mua, nhất là để phục vụ nhu cầu mua sắm công.

Những doanh nghiệp xuất khẩu các sản phẩm có dán nhãn xanh sẽ được miễn thuế xuất khẩu và được ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp. Đồng thời, các sản phẩm dán nhãn xanh sẽ được hỗ trợ giá.

Hiện nay, Việt Nam có tới 14 tiêu chí và nhóm sản phẩm được gợi ý dán nhãn xanh. Tuy nhiên, hiện đang có ba đơn vị hội tụ đủ điều kiện và được chứng nhận sản phẩm nhãn xanh là Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang, Công ty Sơn Jotun Việt Nam, Công ty Fuji Xerox Việt Nam.

Theo ông Sirithan Pairoj-Boroboon, đại diện tư vấn nhóm nghiên cứu nhãn xanh thuộc Học viện Môi trường Thái Lan, mục tiêu hướng tới của Chương trình nhãn xanh Thái Lan có ý nghĩa tương tự như ở Việt Nam. Tuy nhiên, việc triển khai theo nhiều cấp bậc khác nhau.

Từ năm 1997-2014, Thái Lan đã gia tăng từ 14 tiêu chí lên 97 tiêu chí nhãn xanh. Năm 2015, dự kiến sẽ tăng lên 103 tiêu chí để xét chuẩn dán nhãn.

Hiện có 27 nhóm ngành sản phẩm của 82 công ty tại Thái Lan đủ điều kiện và được chứng nhận sản phẩm nhãn xanh. Toàn bộ quá trình chuẩn bị hồ sơ, nộp phí đăng ký chứng nhận tại Thái Lan hiện do doanh nghiệp tự đảm nhiệm.

Ông Phùng Hà, nguyên Cục trưởng, Cục Hóa chất, Bộ Công Thương, cho hay xu thế chung trên thế giới là hướng tới các sản phẩm thân thiện, giảm thiểu tác hại đối với môi trường. Người ta thường quan tâm cả vòng đời của sản phẩm từ chọn nguyên liệu tới công nghệ sản xuất, vận chuyển, đóng gói và tiêu hủy.

Sản phẩm xanh được áp dụng phổ biến ở nhiều nước tiên tiến trên thế giới, tuy còn khá mới mẻ ở Việt Nam. Khái niệm sản phẩm xanh chưa được phổ cập và chưa được nhiều doanh nghiệp biết đến là do nhiều nguyên nhân.

Hội thảo này là cơ hội tốt để cung cấp các thông tin hữu ích tới doanh nghiệp, đồng thời tạo cầu nối quan trọng để các doanh nghiệp hướng tới việc sản xuất, thiết kế và giới thiệu ra thị trường những sản phẩm xanh, mang nhãn xanh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục