Vốn bảo trì đường sắt: Tiền đã có nhưng vẫn nợ lương công nhân

Đời sống của hàng chục nghìn cán bộ, công nhân viên đường sắt đang gặp khó khăn khi tiền thanh toán lương vẫn chưa được trả trong suốt bốn tháng do vướng mắc trong phân bổ kinh phí bảo trì.
Vốn bảo trì đường sắt: Tiền đã có nhưng vẫn nợ lương công nhân ảnh 1Công nhân gác chắn đường sắt đang có mức thu nhập thấp. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Do những vướng mắc trong phân bổ vốn ngân sách để bảo trì đường sắt, hàng nghìn cán bộ, công nhân viên đang bị chậm trả lương; các đơn vị trực thuộc ngành đường sắt gặp khó khăn, không thể kéo dài lâu khi đang phải tạm vay, ứng tiền để thực hiện các công việc duy tu, bảo dưỡng.

“Giật gấu, vá vai”

Tiếng chuông vang lên rộn rã từng hồi, đèn tín hiệu bên ngoài nhấp nháy liên tục, chị Nguyễn Thị Kim Thanh, công nhân gác chắn Km44+280 ga Đồng Văn, cung chắn khu vực 1 (Công ty cổ phần Đường sắt Hà Ninh) vội vã cùng 2 chị em trong gác chắn chạy ra kéo barie để đảm bảo cho tàu chạy qua.

Có thâm niên trong nghề hơn 10 năm, chị Thanh thuộc vanh vách mỗi mác tàu, giờ từng chuyến tàu Bắc-Nam chạy qua tỉnh Hà Nam. Những ngày dịch bệnh COVID-19, tần suất chạy tàu cũng giảm và thưa thớt hơn trước nhiều do lượng khách đi ít và ngành đã tạm dừng nhiều đôi tàu.

“Dịch COVID-19 đã khiến nhiều lao động trong ngành đường sắt khó khăn do kết quả sản xuất kinh doanh của đơn vị giảm. Mức thu nhập bình quân mỗi nhân viên vào khoảng 5 triệu đồng/tháng. Đây là mức thu nhập thấp so với mặt bằng xã hội hiện nay. Trong khi đó, công việc ngành đường sắt có đặc thù đảm bảo an toàn chạy tàu, nếu sơ sảy do lỗi chủ quan từ cá nhân thì dễ đi tù,” chị Thanh nói.

Ấy vậy, từ đầu năm 2021 đến nay, những nhân viên gác chắn và bảo trì như chị Thanh đều chỉ được tạm ứng lương vỏn vẹn khoảng 2 triệu đồng/tháng do công ty chủ quản nợ lương.

“Tháng trước, khi vừa nhận được tiền lương tạm ứng thì 2 cháu xin tiền để đóng học cũng không đủ. Nhiều khi bữa cơm gia đình chỉ vài thanh đậu phụ, hạt lạc và món rau luộc. Nhìn các con ăn mà nước mắt cứ chảy lã chã. Cũng may các cháu không đau ốm, chứ nếu vào viện chỉ còn cách vay mượn anh em, xóm làng,” chị Thanh nói.

Cũng rơi vào tình cảnh tương tự, chị Đào Thị Bích Liên làm việc tại gác chắn Km87+630 tỉnh Nam Định (Công ty cổ phần Đường sắt Hà Ninh) cho biết thực trạng công ty nợ lương cán bộ, công nhân viên giống hệt như năm trước khi nguồn kinh phí về vốn bảo trì đường sắt đang gặp vướng mắc về pháp lý.

[Không được giao vốn bảo trì, đường sắt lo ngại phải dừng chạy tàu]

Có chồng làm bên đơn vị duy tu đường sắt, thế nhưng vài tháng qua, mức lương tạm ứng anh nhận được cũng chỉ 2,2 triệu đồng (hơn chị 400.000 đồng). Với thu nhập chung của cả gia đình, chị phải chi tiêu chắt chiu lắm mới đủ ăn.

“Ngoài giờ làm, nếu có công việc gì thêm thu nhập thì vợ chồng đều làm thêm để kiếm tiền nhằm trang trải chi phí, trong bối cảnh chờ công ty hoàn trả tiền lượng nợ,” chị Liên nói.

Là đơn vị có khoảng 600 lao động, chịu trách nhiệm duy tu, bảo dưỡng, gác chắn đoạn đường sắt dài khoảng 130km, từ Thường Tín (Hà Nội) tới Thanh Hóa, ông Đậu Văn Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đường sắt Hà Ninh, thừa nhận do chưa ký được hợp đồng bảo trì năm 2021 với VNR, đơn vị chưa có cơ sở tính toán sản lượng, doanh thu, lương, tiền tạm ứng trả lương cho người lao động.

Theo ông Long, từ tháng Một đến nay, công ty phải đi vay ngân hàng để ứng lương cho người lao động, mỗi tháng khoảng 5 tỷ đồng. Hoạt động bảo trì cố gắng ở mức duy trì an toàn chạy tàu, sử dụng vật tư dự phòng, cắt chỗ này vá chỗ kia, sửa chữa lớn vẫn phải đợi.

“Giờ đơn vị cố gắng duy trì và đợi các bộ, ngành, Tổng công ty giải quyết, cũng chưa biết khi nào được ký hợp đồng. Tình trạng này nếu kéo dài, không được giải quyết, chúng tôi cũng chưa biết lấy tiền đâu để duy tu đường, trả lương cho cán bộ, công nhân viên,” ông Long bộc bạch.

Có tiền nhưng chưa thể giao vốn

Theo ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), từ nguồn vốn bảo trì hàng năm, đơn vị này sẽ chi cho công tác bảo dưỡng thường xuyên, chiếm đến 90-92% tổng nguồn vốn. Khoảng 8-10% nguồn vốn còn lại để giải quyết các công việc như sửa chữa định kỳ, kiểm định, khắc phục hậu quả bão lũ và sửa chữa đột xuất…

Trong số vốn chi cho công tác bảo dưỡng thường xuyên, 69% để chi trả lương cho người lao động. Trong đó, lương cho hệ tuần đường, tuần cầu, tuần hầm, gác chắn chiếm đến 48% với bình quân khoảng 5,5-6 triệu đồng/tháng tùy vào bậc thợ (bao gồm các khoản đóng bảo hiểm… theo quy định); 52% còn lại dành cho công nhân duy tu mức lương dao động từ 6-6,5 triệu/tháng tùy vào bậc thợ.

Vốn bảo trì đường sắt: Tiền đã có nhưng vẫn nợ lương công nhân ảnh 2Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn khi không được giao dự toán ngân sách cho bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Tuy nhiên, bảo trì đường sắt là sản phẩm công ích, Nhà nước đặt hàng thực hiện, trong khi đó kinh phí từ nguồn ngân sách cấp cho công tác duy tu, bảo đảm an toàn chỉ đáp ứng khoảng 40% nhu cầu. Vì thế, lương người lao động nằm trong gói ngân sách này cũng bị thấp theo.

[Bộ GTVT 'sốt ruột' trước vướng mắc về giao vốn bảo trì đường sắt]

Theo ông Minh, những vướng mắc về nguốn vốn bảo trì đường sắt nằm ở mấu chốt vẫn là câu hỏi giao vốn cho ai? Thời điểm trước khi VNR chưa chuyển về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, việc giao dự toán ngân sách hằng năm cho Tổng công ty được Bộ Giao thông Vận tải giao về trước tháng 12. Sau khi được giao dự toán, VNR sẽ đặt hàng dịch vụ công ích với 20 công ty trực thuộc để bảo đảm an toàn chạy tàu gồm các hoạt động tuần đường, gác chắn, duy tu, bảo trì, sửa chữa nhỏ…

Tuy nhiên, sau khi VNR chuyển về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Giao thông Vận tải không thể giao dự toán ngân sách theo cơ chế nêu trên do vướng Điều 49, Luật Ngân sách Nhà nước về phân bổ và giao dự toán ngân sách Nhà nước.

“Dù nguồn vốn này phân bổ cho Cục Đường sắt Việt Nam hay Tổng công ty Đường sắt, VNR cũng rất mong muốn Chính phủ sớm có giải pháp tháo gỡ để phân bổ nguồn vốn sớm, nhằm đảm bảo duy tu, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt cũng như đời sống của nhân viên,” ông Minh cho hay.

Được biết, Bộ Giao thông Vận tải đã công bố số liệu giao dự toán chi 2.800 tỷ vốn bảo trì đường sắt từ ngân sách năm 2021 nhưng đến nay số vốn này vẫn chưa thể sử dụng để tiến hành ký hợp đồng đặt hàng với các doanh nghiệp bảo trì bởi vướng mắc các quy định pháp lý./.

Theo báo cáo của VNR, Tổng công ty được giao quản lý và khai thác, bảo trì toàn bộ hệ thống đường sắt quốc gia gồm 15 tuyến đường sắt, qua 34 tỉnh thành có tổng chiều dài 3.143km; 297 nhà ga và khu ga. Bên cạnh đó, VNR phải đảm bảo an toàn 652 điểm gác chắn đường ngang, 380 đường ngang cảnh báo tự động, 486 đường ngang biển báo, hơn 4.000 lối đi dân tự mở.

Để quản lý hệ thống đó, đường sắt có 11.315 người, trong đó có 1.241 lao động tuần cầu, tuần đường, tuần hầm; 6.278 lao động thực hiện công việc bảo trì đường sắt; 2.881 lao động gác chắn đường ngang, hầm, cầu và 915 lao động gián tiếp.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục