Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam: TP.HCM phát huy vai trò đầu tàu

Thành phố Hồ Chí Minh có vị trí, vai trò rất quan trọng đối với cả nước và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và là đầu tàu, hạt nhân để tạo động lực cho quá trình phát triển kinh tế-xã hội của các tỉnh
Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam: TP.HCM phát huy vai trò đầu tàu ảnh 1Một góc Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN)

Thành phố Hồ Chí Minh có vị trí, vai trò rất quan trọng đối với cả nước và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và là đầu tàu, hạt nhân để tạo động lực cho quá trình phát triển kinh tế-xã hội của các tỉnh trong vùng.

​Tuy nhiên, để tiếp tục duy trì vai trò này, Thành phố Hồ Chí Minh đang vấp phải nhiều vấn đề nội tại cũng như thiếu những cơ chế, chính sách cần thiết.


Đầu tàu nhưng cơ chế toa tàu

Theo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, tính đến cuối năm 2015, thành phố chiếm hơn 60% tổng GDP và đóng góp 60,5% tổng thu ngân sách Nhà nước toàn vùng; 35% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn vùng và 51% tổng vốn đầu tư phát triển. Thành phố Hồ Chí Minh cũng là nơi tập trung gần 40% tổng số cán bộ khoa học của cả nước, tạo lợi thế so sánh cho vùng; đồng thời, có tác động lan tỏa, cung cấp nguồn nhân lực cho các vùng khác của cả nước.

Các doanh nghiệp của Thành phố Hồ Chí Minh đã đầu tư và hình thành những khu công nghiệp, góp phần giải quyết việc làm cho người dân địa phương và giảm dần xu hướng di dân trong độ tuổi lao động. Tính đến cuối năm 2015, tại các tỉnh Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh đã có 56 doanh nghiệp, nhà đầu tư của Thành phố Hồ Chí Minh triển khai tới 60 dự án, với tổng vốn đầu tư hơn 5.600 tỷ đồng vào các lĩnh vực như xây dựng kết nối hạ tầng giao thông (cầu, đường), xây dựng cơ sở hạ tầng khu công nghiệp, khu dân cư, đầu tư các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, xử lý rác tập trung... góp phần thúc đẩy đầu tư sản xuất, trao đổi, vận tải hàng hóa giữa các doanh nghiệp và vận chuyển hành khách giữa thành phố với các tỉnh trong vùng.

Tại các tỉnh như Long An và Tiền Giang, các doanh nghiệp của Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang triển khai 672 dự án đầu tư, với tổng vốn hơn 100.820 tỷ đồng vào lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp.

Theo ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố rất quan tâm đến phát triển liên kết hợp tác với các địa phương tại vùng Đông Nam Bộ cũng như Đồng bằng sông Cửu Long để hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội.

Tuy có vai trò, vị trí quan trọng như trên, song Thành phố Hồ Chí Minh hiện đang rất thiếu các chính sách, cơ chế để đột phá hơn nữa. Tại các buổi làm việc với lãnh đạo Chính phủ , Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Đinh La Thăng đã nhiều lần nhắc: "Bộ Chính trị, Trung ương coi Thành phố Hồ Chí Minh là đầu tàu về kinh tế nhưng đầu tàu này hiện đang vận hành theo cơ chế của một toa tàu thì làm sao phát triển được?."

Thành phố đề nghị Trung ương tăng cường phân cấp, ủy quyền hơn nữa cho thành phố trên tất cả các lĩnh vực, cả về tài chính công, vấn đề ngân sách, quyết định thu chi, về quy hoạch, kế hoạch nhân sự...


Để là động lực của cả vùng

Theo ông Huỳnh Thế Du, Giám đốc, Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, nếu nhìn Thành phố Hồ Chí Minh trong địa giới hành chính 2.095km2 và sự thiếu gắn kết giữa các địa phương như hiện nay thì khó có khả năng nâng cao năng lực cạnh tranh, cũng như cải thiện vị trí và vai trò động lực của thành phố.

"Đối thủ cạnh tranh của Thành phố Hồ Chí Minh không phải là các địa phương trong vùng, mà là các thành phố trong khu vực. Các địa phương lân cận là một nền tảng rất tốt để có thể mở rộng nguồn lực và tiềm năng, nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh. Do vậy, liên kết vùng là việc cần phải làm ngay," ông Huỳnh Thế Du nhấn mạnh.

Phân tích các lợi thế của Thành phố Hồ Chí Minh trong bối cảnh liên kết vùng, giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Trọng Hoài, Phó Hiệu trưởng, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị cần có một thể chế thúc đẩy Thành phố Hồ Chí Minh trở thành một cực tăng trưởng đảm bảo tính lan tỏa cho các vùng lân cận và cả nước.

Hiện nay, dù Thành phố Hồ Chí Minh giữ vai trò đầu tàu trong cả nước và trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nhưng vẫn phải tuân theo sự quản lý chung tương tự như các tỉnh thành khác.

Cũng theo giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Trọng Hoài, Thành phố Hồ Chí Minh phải giữ vai trò chủ đạo trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và tiên phong trong việc liên kết vùng để nâng cao năng lực cạnh tranh và đảm bảo tính lan tỏa về các thế mạnh như tri thức, chuyển giao công nghệ, đào tạo cho các địa phương. Thành phố Hồ Chí Minh phải được quy hoạch theo hướng quản trị đô thị mở, thông qua hình thành các đô thị vệ tinh của thành phố và kết nối với các đô thị khác của vùng.

Tiến sỹ Nguyễn Văn Sơn, Khoa Kinh tế và Quản lý công (Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh), cho rằng Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm của vùng, do không gian phát triển đã được khai thác gần đi hết giới hạn. Vì thế, cần có chính sách tạo ra sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế hướng mạnh vào các ngành công nghệ cao và ngành dịch vụ giá trị tăng cao, đồng thời là đầu mối giao thương với thị trường toàn cầu.

Gợi mở một số giải pháp cụ thể, tiến sỹ Nguyễn Văn Sơn cho rằng cần chú trọng phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng mềm về công nghệ thông tin, để tạo điều kiện xây dựng sớm các tổ hợp ngành hiện đại ứng dụng công nghệ kỹ thuật số đồng bộ, đảm bảo gắn kết không gian kinh tế dễ dàng hơn giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh, qua đó, sớm hiện đại hóa các cơ sở có sẵn và nhanh chóng hình thành các trung tâm giao dịch hiện đại tại Thành phố Hồ Chí Minh để phục vụ phát triển toàn vùng.

Để phá vỡ rào cản về địa giới hành chính, theo ông Huỳnh Thế Du, sự tham gia của các doanh nghiệp là rất quan trọng. Nhìn chung, thị trường của các doanh nghiệp không bị giới hạn bởi địa giới hành chính, nên họ có động cơ để làm cho thị trường của mình được mở rộng.

Phó Giáo sư, tiến sỹ Đinh Phi Hổ, Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho rằng cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh tham gia vào quá trình đẩy mạnh liên kết kinh tế với khu vực. Doanh nghiệp sẽ hiểu được mình cần phải làm gì trong quá trình tham gia liên kết.

Tuy nhiên, khi thực hiện liên kết, cần có chính sách đặc biệt cụ thể về vốn, mặt bằng, thuế, cơ sở hạ tầng... cho các doanh nghiệp tham gia liên kết. Doanh nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh chắc chắn sẽ sử dụng lợi thế cạnh tranh của mình để đầu tư vào các địa phương trong vùng.

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đồng ý về chủ trương thí điểm tăng cường phân cấp, ủy quyền cho Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về một số lĩnh vực về tài chính, tuyển dụng, quản lý trật tự đô thị, tổ chức bộ máy, xây dựng... Đây được xem là cơ sở, điều kiện thuận lợi, nền tảng vô cùng quan trọng giúp Thành phố Hồ Chí Minh sớm hoàn thành mục tiêu trở thành “thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình" đồng thời sớm chuyển mình trở thành Trung tâm kinh tế, tài chính và khoa học công nghệ hàng đầu khu vực Đông Nam Á.

Đây cũng là tiền đề quan trọng để Thành phố Hồ Chí Minh phát huy vai trò đầu tàu của mình trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam./.

Đón đọc bài cuối: Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam: Cơ chế cho lợi thế

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục