Mặc dù được hưởng ưu đãi từ các Hiệp định thương mại tự do, tuy nhiên xuất khẩu tôm của Việt Nam sang thị trường Hàn Quốc cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức liên quan đến vấn đề rào cản kỹ thuật.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Hàn Quốc là thị trường nhập khẩu tôm đứng thứ 12 trên thế giới. Nhập khẩu tôm vào Hàn Quốc tăng trưởng ổn định qua các năm, chiếm tỷ trọng khoảng 2% tổng nhập khẩu tôm toàn cầu.
Trong vòng 10 năm gần đây (trừ năm 2015), xuất khẩu tôm Việt Nam sang Hàn Quốc liên tục tăng trưởng dương, với kim ngạch xuất khẩu năm sau cao hơn năm trước.
Hàn Quốc hiện đứng thứ 5 về nhập khẩu tôm của Việt Nam, chiếm 11,6% tổng giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam. Trong 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm sang Hàn Quốc đạt 190,4 triệu USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2017.
Trên thị trường Hàn Quốc, Việt Nam phải cạnh tranh về giá với tôm Trung Quốc, Ấn Độ và Ecuador. Tuy nhiên, Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế so với các nguồn cung đối thủ khác như Trung Quốc, Ấn Độ, Ecuador và Thái Lan.
Với nhu cầu ổn định, giá xuất khẩu cao, lại được ưu đãi thuế nhờ Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Hàn Quốc và Hiệp định VKFTA, Hàn Quốc được coi là thị trường thay thế tiềm năng và có nhiều cơ hội tăng trưởng cho các doanh nghiệp xuất khẩu tôm trong bối cảnh xuất khẩu sang các thị trường chính gặp nhiều khó khăn.
[Những thách thức đối với tôm Việt Nam khi xuất khẩu sang Mỹ]
Cũng theo VASEP, kể từ khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Hàn Quốc (VKFTA), có hiệu lực (20/12/2015), xuất khẩu tôm của Việt Nam vào thị trường Hàn Quốc ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực. Tuy vậy, thách thức mà Hàn Quốc dành cho tôm Việt Nam là sự siết chặt hơn về vấn đề chất lượng.
Cụ thể, từ tháng 3/2017, Hàn Quốc đã ban hành quy định kiểm dịch thủy sản mới. Trong đó, có quy định chế độ gia nhiệt bắt buộc đối với sản phẩm tôm hấp để được cấp chứng thư vệ sinh thủy sản xuất khẩu vào thị trường Hàn Quốc.
Với quy định trên, nhiều công ty thủy sản Việt Nam đã không đáp ứng được điều kiện băng chuyền hấp. Kể cả trong trường hợp băng chuyền có chạy được thì sản phẩm sau gia nhiệt cũng bị ảnh hưởng rất lớn về cảm quan nên khách hàng không chấp nhận. Thêm vào đó, điều này sẽ khiến chi phí sản xuất của doanh nghiệp tăng cao, dẫn đến giá bán sẽ tăng lên, ảnh hưởng tới hoạt động bán hàng.
Trước tình hình này, Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản, VASEP và các doanh nghiệp thủy sản đã họp bàn và dự kiến sẽ phối hợp thử nghiệm các chế độ gia nhiệt trên sản phẩm tôm để có bằng chứng chứng minh với Hàn Quốc là các chế độ gia nhiệt trong thời gian ngắn hơn vẫn có thể đảm bảo an toàn dịch bệnh.
Trên thực tế, các Hiệp đinh Thương mại tự do đang mang lại nhiều cơ hội xuất khẩu cho các bên tham gia, nhất là những ưu đãi về thuế nhập khẩu. Tuy nhiên, để bảo vệ hàng hóa trong nước, các quốc gia cũng tăng cường các hàng rào kỹ thuật với mục tiêu bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, phát triển bền vững...
Không chỉ có VKFTA, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam với Liên minh Châu Âu (EVFTA) cũng đang trong giai đoạn chuẩn bị có hiệu lực.
Theo cam kết, sau khi Hiệp định có hiệu lực, hàng hóa Việt Nam trong đó có mặt hàng tôm sẽ được hưởng thuế ưu đãi đặc biệt. Đây là một trong những FTA được dự báo mang lại nhiều cơ hội và thách thức cho ngành tôm xuất khẩu trong thời gian tới.
Để tận dụng các cơ hội về thuế do các FTA mang lại, các chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu tôm cần chủ động hơn nữa trong việc kiểm soát chặt chẽ các chỉ tiêu chất lượng và cập nhật các thủ tục, yêu cầu của thị trường. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng cần sự đồng hành của cơ quan nhà nước để đáp ứng đầy đủ yêu cầu và giữ vững các thị trường trên./.