Xung đột Israel và Palestine tại Bờ Tây có thể bùng nổ bất cứ lúc nào

Nguy cơ khiến các quan chức quân đội lo ngại nhất là có khả năng xảy ra một cuộc xung đột vũ trang cao nhất là vấn đề người Palestine ở Bờ Tây.
Xung đột Israel và Palestine tại Bờ Tây có thể bùng nổ bất cứ lúc nào ảnh 1Người biểu tình Palestine đụng độ với lực lượng an ninh Israel tại Nablus, Bờ Tây. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Theo nhật báo "Haaretz," các cuộc họp cấp cao về an ninh quốc phòng gần đây của chính phủ Israel đều tập trung vào vấn đề hạt nhân Iran và nguy cơ xung đột với lực lượng Hezbollah xung quanh tranh chấp trên biển với Liban.

Tuy nhiên, nguy cơ khiến các quan chức quân đội lo ngại nhất, có khả năng gây ra một cuộc xung đột vũ trang cao nhất là vấn đề người Palestine ở Bờ Tây.

Đầu tháng 8 vừa qua đã xảy ra cuộc giao tranh kéo dài 3 ngày giữa Israel và lực lượng Thánh chiến Hồi giáo Jihad Palestine ở Dải Gaza, khởi nguồn từ một sự việc xảy ra ở Bờ Tây. Với hàng rào bảo vệ kiên cố và hệ thống phòng thủ tên lửa Vòm Sắt, Israel đã không cho Jihad cơ hội gây ra thiệt hại đáng kể nào.

Nhưng Bờ Tây thì khác. Cuộc nổi dậy của người Palestine (intifada) lần thứ hai đầu thập niên 2000, làn sóng khủng bố năm 2014 kéo dài 6 tháng, hay các vụ khủng bố gần đây nhất xảy ra hồi đầu năm nay... đều cho thấy nguy cơ an ninh tại Bờ Tây lớn hơn nhiều.

Thách thức lớn nhất đối với Israel là gần như không thể ngăn chặn các đối tượng khủng bố xâm nhập từ Bờ Tây vào lãnh thổ Israel. Kể từ tháng 5 vừa qua, Quân đội Israel đã tiến hành nhiều cuộc truy quét sau các vụ tấn công sát hại người Do Thái, giúp dập tắt làn sóng khủng bố do người Palestine gây ra.

[LHQ kêu gọi khôi phục thực chất tiến trình hòa bình Trung Đông]

Nhưng thay vào đó, các cuộc va chạm bạo lực đã gia tăng chóng mặt giữa 2 bên ở Bờ Tây, nhất là các thành phố Jenin và Nablus.

Nguyên nhân của tình trạng bạo lực gia tăng là do Chính quyền Palestine (PA) quản lý Bờ Tây ngày càng yếu kém, một số tổ chức mới xuất hiện do hệ thống an ninh không đảm bảo, và sự thụ động của chính quyền Israel cả về mặt ngoại giao và hỗ trợ kinh tế.

Nguy cơ bùng nổ một làn sóng bạo lực mới giữa người Palestine và người Israel, thậm chí một cuộc nổi dậy intifada lần thứ 3, đã được nhắc đến liên tục trong các cuộc họp gần giữa các cơ quan an ninh Israel, bao gồm an ninh nội địa, tình báo quân đội, Quân đội Israel (IDF) và cơ quan phụ trách Bờ Tây của IDF.

Bức tranh chung là tình hình ở Bờ Tây ngày càng xấu đi. Các lực lượng an ninh của PA hiếm khi xuất hiện tại các trại tị nạn, trung tâm thành phố và một số ngôi làng ở miền Bắc Bờ Tây.

Lực lượng Hamas kích động người dân sử dụng bạo lực. IDF tăng cường hoạt động trấn áp, bắt bớ, điều tra và sử dụng thông tin tình báo trong các chiến dịch được mô tả bằng thuật ngữ “làm cỏ.”

Trước đây, các chiến dịch này phát huy hiệu quả, giúp giảm số vụ khủng bố. Tuy nhiên, tình hình hiện nay đang làm dấy lên nỗi lo tạo ra một vòng luẩn quẩn: Hầu hết các vụ bắt bớ không tập trung vào các đối tượng chủ mưu, mà đánh vào các đối tượng trẻ tấn công trực tiếp vào lực lượng an ninh Israel.

Cứ mỗi vụ càn quét có người Palestine thiệt mạng lại như đổ thêm dầu vào ngọn lửa thù hận của giới trẻ Palestine, lôi kéo thêm các thanh thiếu niên gia nhập vòng xoáy bạo lực.

IDF ước tính trong các cuộc bạo lực gần đây tại thành phố Nablus đã có gần 200 thanh thiếu niên Palestine tham gia, con số cao nhất tại Bờ Tây trong nhiều năm qua. Thậm chí, về số lượng chỉ kém năm 2002, thời điểm Israel tiến hành chiến dịch tấn công "Tấm khiên Bảo vệ" - đỉnh điểm của làn sóng kháng chiến intifada lần thứ hai.

Một điểm khác của đợt bạo lực hiện nay là số lượng vũ khí được người dân Bờ Tây mang ra sử dụng. Mặc dù quân đội Palestine không tham gia chiến đấu như lần intifada thứ hai, nhưng số lượng súng máy xuất hiện trên đường phố Bờ Tây lần này nhiều hơn hẳn. Đây là kết quả của tình trạng buôn lậu vũ khí nhiều năm từ Jordan, cộng thêm số súng đạn trộm cắp được từ lãnh thổ Israel và các đơn vị của IDF.

Các cơ quan tình báo Israel không thể dự báo có hay không và khi nào tình hình Bờ Tây sẽ bùng phát thành một cuộc tấn công quy mô lớn. Một báo cáo chiến lược do Tình báo Quân đội Israel đưa ra cách đây 6 năm đã dự đoán về một cuộc nổi dậy, dù cuộc nổi dậy vẫn chưa diễn ra nhưng giai đoạn vừa qua đã chứng kiến một không khí bất mãn gia tăng mạnh mẽ ở Bờ Tây.

Khu vực Núi Đền ở Jerusalem cũng cần được nhắc đến. Cuộc xung đột vũ trang với Hamas ở Dải Gaza hồi năm ngoái khởi nguồn từ các vụ bạo lực ở Jerusalem trong tháng Ramadan, khi mâu thuẫn dâng cao đỉnh điểm liên quan đến va chạm tôn giáo và quản lý quanh Đền Al-Aqsa.

Sau hơn 1 năm, tranh chấp tại khu vực này, cộng thêm một vài lý do khác, đã thổi bùng thành cuộc giao tranh 3 ngày giữa Israel và lực lượng thánh chiến Jihad Palestine ở Gaza hồi tháng 8 vừa qua.

Không chỉ tháng Ramadan, các tháng còn lại trong năm cũng đối mặt với nguy cơ xung đột do hiện trạng ở Đông Jerusalem liên tục xấu đi và ngả theo hướng có lợi cho người Do Thái, khiến người Hồi giáo tức giận.

Người Do Thái giáo ngày càng không cảm thấy việc đến Núi Đền cầu nguyện là một điều cấm kị, trong khi chính quyền và cảnh sát cho phép quá nhiều người Do Thái vào đền. Quốc vương Jordan, quốc gia trung gian được giao quyền quản lý Núi Đền, đã nhiều lần bày tỏ sự không hài lòng với cách hành xử của phía Israel, nhưng chính phủ Israel vẫn thờ ơ.

Thay vào đó, họ cho phép các giáo sỹ và tổ chức tôn giáo Do Thái tới thăm Núi Đền và đưa ra các quy định mới không thể chấp nhận với người Jordan và người Palestine.

Chính phủ Israel hiểu rõ nguy cơ này, nhưng sức ép từ phe cánh hữu, nhất là từ cựu Thủ tướng Benjamin Netanyahu, khiến họ khó có thể triển khai các biện pháp hỗ trợ PA nâng cao năng lực quản lý, càng không thể nối lại đàm phán hòa bình với Palestine.

Sự đối đầu và cạnh tranh giữa Thủ tướng Yair Lapid và Bộ trưởng Quốc phòng Benny Gantz (chính trị gia duy nhất có mối liên hệ trực tiếp, thường xuyên với lãnh đạo PA) cũng cản trở việc này.

Cần lưu ý một thực tế là khi xảy ra cuộc Intifada lần hai vào tháng 9/2000, có khoảng 200.000 người Israel sinh sống ở Bờ Tây. Hiện nay, con số này đã tăng lên 450.000 người, chưa kể gần 300.000 người khác sống ở các khu định cư ở Jerusalem, thuộc phần đất của Palestine.

Một phần lớn người dân Palestine không có trải nghiệm về cuộc Intifada lần hai, trong đó các hoạt động bạo lực chống lại người Israel chủ yếu là ném đá, thay vì súng đạn. Lần này thì khác.

Các khu định cư của người Do Thái ở Bờ Tây đã mở rộng trong những năm qua và trên thực tế Israel đã sáp nhập nhiều vùng đất tại đây vào lãnh thổ của mình. Một cuộc xung đột mới tại Bờ Tây sẽ đòi hỏi Israel phải nỗ lực lớn hơn nhiều để có thể bảo vệ được các khu định cư và người Do Thái./.

(VIetnam+)

Tin cùng chuyên mục