Áp dụng các biện pháp phòng chống COVID-19 phù hợp với từng địa phương

Bình Dương và Sóc Trắng nới lỏng việc hạn chế các hoạt động thiết yếu liên quan đến người dân, doanh nghiệp nhưng vẫn kiểm soát chặt và tiếp tục dừng các hoạt động, sự kiện có tập trung đông người.
Lực lượng thanh niên tình nguyện thuộc Đoàn trường Đại học Thủ Dầu Một, Bình Dương, tham gia phát miễn phí rau xanh cho bà con vùng cách ly. (Ảnh: Chí Tưởng/TTXVN)
Lực lượng thanh niên tình nguyện thuộc Đoàn trường Đại học Thủ Dầu Một, Bình Dương, tham gia phát miễn phí rau xanh cho bà con vùng cách ly. (Ảnh: Chí Tưởng/TTXVN)

Ngày 26/2, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương ban hành công văn về việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới. Theo đó, tỉnh cho phép mở cửa trở lại các cơ sở kinh doanh thương mại dịch vụ (bán buôn, bán lẻ, khách sạn, cơ sở lưu trú, nhà hàng, quán ăn...), khu tập luyện thể thao, khu di tích, danh lam thắng cảnh được hoạt động trở lại từ ngày 27/2.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương yêu cầu các địa phương thực hiện nới lỏng việc hạn chế các hoạt động thiết yếu liên quan đến người dân, doanh nghiệp để tạo điều kiện phát triển các hoạt động kinh tế, lưu thông hàng hóa, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ... của địa phương, đảm bảo an sinh xã hội, an ninh trật tự.

Tuy nhiên, tại Bình Dương vẫn kiểm soát chặt chẽ và tiếp tục dừng các hoạt động, sự kiện có tập trung đông người chưa cần thiết; chưa mở cửa các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu như quán bar, phòng gym, cơ sở làm đẹp, mátxa, karaoke, vũ trường.

Phó Chủ tịch Ủy Ban nhân dân tỉnh Bình Dương Nguyễn Lộc Hà cho biết, sau 20 ngày trên địa bàn tỉnh không xuất hiện ca mắc mới nhưng Ban Chỉ đạo phòng chống, dịch COVID-19 tỉnh vẫn tập trung chỉ đạo thực hiện nhiều biện pháp chủ động phòng dịch; khuyến khích họp, hội nghị trực tuyến và tăng cường ứng dụng hệ thống công nghệ thông tin để trao đổi, làm việc trực tuyến.

Song song đó, tỉnh yêu cầu các cấp, ngành tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trong công tác phòng, chống dịch; tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, thông tin đến từng người dân những nội dung cụ thể, thiết thực, hình thức phù hợp, hiệu quả để nêu cao tính chủ động, tinh thần trách nhiệm trong nhân dân nhằm bảo vệ mình và bảo vệ cộng đồng; đồng thời, tích cực ủng hộ, hỗ trợ các lực lượng chức năng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Bên cạnh đó, các cấp, ngành tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định này và xử lý thật nghiêm các trường hợp không chấp hành, vi phạm, đưa tin xuyên tạc, không đúng sự thật; không được quá áp đặt các biện pháp quản lý hành chính hạn chế các hoạt động thiết yếu liên quan đến người dân làm kìm hãm các hoạt động kinh tế-xã hội của địa phương.

[Thực hiện nghiêm thông điệp 5K ngay cả khi có vắcxin]

Ngoài ra, tỉnh yêu cầu ngành Y tế phối hợp với các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện công tác kiểm soát dịch bệnh theo chỉ đạo của Trung ương, Thủ tướng Chính phủ và của Bộ Y tế trên tinh thần bốn tại chỗ; chủ động trong các hoạt động phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn với phương châm sức khỏe và tính mạng của con người là trên hết; thực hiện tốt thông điệp 5K "Khẩu trang-Khử khuấn-Khoảng cách-Không tụ tập-Khai báo y tế" trên địa bàn tỉnh.

Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nhưng đang từng bước được khống chế, ngày 26/2, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu có Công văn số 317/Ủy ban Nhân dân-VX về việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 phù hợp với từng địa phương.

Áp dụng các biện pháp phòng chống COVID-19 phù hợp với từng địa phương ảnh 1 Lực lượng chức năng làm nhiệm vụ tại chốt phòng dịch. (Ảnh: Trung Hiếu/TTXVN)

Theo đó, để tiếp tục thực hiện chiến dịch phòng, chống dịch hiệu quả cùng với phát triển kinh tế-xã hội, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Sóc Trăng yêu cầu các sở, ngành, cơ quan, đơn vị chủ động quyết định áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 phù hợp với điều kiện địa phương, không “ngăn sống cấm chợ,” hạn chế đến mức thấp nhất các tác động tiêu cực đến hoạt động lưu thông hàng hóa, sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân, từng bước dỡ bỏ những biện pháp phòng, chống dịch không còn phù hợp để đưa các hoạt động trở lại bình thường như khi chưa có dịch.

Thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo thông điệp 5K của Bộ Y tế, đặc biệt là đeo khẩu trang nơi công cộng, không tụ tập đông người khi không cần thiết; thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch tại công sở, cơ quan, nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, cơ sở giáo dục đào tạo.

Tiếp tục rà soát chặt chẽ, triệt để, thực hiện truy vết thần tốc, xét nghiệm trên diện rộng đối với các đối tượng có nguy cơ, các trường hợp tiếp xúc gần với người bệnh, người nhập cảnh trái phép; bố trí nguồn lực cho việc xét nghiệm chủ động đối với người làm việc tại các địa điểm có nguy cơ cao như bệnh viện, khu cách ly tập trung.

Lực lượng Công an phối hợp với Bộ Chỉ huy quân sự, Bộ đội Biên phòng và các địa phương tăng cường rà soát người dân từ địa phương khác đến lưu trú trên địa bàn. Đặc biệt, là các trường hợp nhập cảnh trái phép qua đường biên giới và các đối tượng về từ vùng đang có dịch trong dịp Tết Thanh minh, Tết Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer trong tháng tư.

Ngành Y tế ngoài việc tiếp tục duy trì chế độ thường trực phòng, chống dịch cần khẩn trương xây dựng kế hoạch tiếp nhận, bảo quản, phân phối và triển khai tiêm phòng vắc xin phòng, chống dịch COVID-19 cho các đối tượng ưu tiên được tiêm trước theo Nghị quyết của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Y tế.

Cũng theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Sóc Trăng, đến ngày 25/2, toàn tỉnh có 45/45 trường hợp F1 đã được cách ly tập trung ít nhất 14 ngày và đã lấy mẫu xét nghiệm ít nhất 2 lần và đều âm tính.

Toàn tỉnh cũng có 461 trường hợp F2 đã kết thúc thời gian theo dõi sức khỏe tại nhà và nơi cư trú. Như vậy, đến nay, tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã được khống chế, chưa có trường hợp nào dương tính./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục