Bất chấp khủng hoảng, kinh tế Nga vẫn có những điểm sáng

Bất chấp những rủi ro về chính trị, nhiều nhà quản lý quỹ vẫn thấy cơ hội kinh doanh ở Nga như tỷ lệ nợ công thấp, lợi suất trái phiếu hấp dẫn, nhu cầu tiêu dùng không bị ảnh hưởng nhiều.

Tại Hội nghị thượng đỉnh về Triển vọng Đầu tư toàn cầu (GIOS) do hãng tin Reuters tổ chức vào tuần trước tại ba địa điểm là New York (Mỹ), London (Anh quốc) và Singapore, một số nhà quản lý quỹ đã nêu ra những điểm sáng trên bầu trời kinh tế ảm đạm của nước Nga, đồng thời cho biết họ vẫn thấy có cơ hội kinh doanh ở nước này, bất chấp những rủi ro về chính trị.

Các lệnh trừng phạt và cô lập kinh tế của phương Tây nhằm vào những cá nhân và doanh nghiệp của Nga, cùng với sự lao dốc của giá năng lượng và đồng ruble, đã khiến kinh tế nước này “chao đảo.”

Đặc biệt, trái phiếu chính phủ, thị trường chứng khoán và tiền tệ là những lĩnh vực sa sút tồi tệ nhất.

Tuy vậy, các chuyên gia quản lý quỹ tham gia GIOS lại nhận định cổ phiếu của nước Nga là một trong những cổ phiếu có giá bán rẻ nhất trên thế giới nếu so sánh với lợi nhuận có thể thu về trong tương lai.

Cụ thể, trái phiếu chính phủ Nga kỳ hạn một năm, tuy tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, song có mức lợi suất khá “hấp dẫn” 10%, nhất là khi thị trường tiền tệ được ổn định trở lại.

Bà Anne Richards, Giám đốc mảng Đầu tư (CIO) của Aberdeen Asset Management, nói tại London rằng các nhà đầu tư cần xem xét mô hình hoạt động của doanh nghiệp một cách kỹ càng để đánh giá liệu doanh nghiệp đó có thể vượt qua cuộc khủng hoảng chính trị hay không.

Ví dụ, căng thẳng giữa Nga và Ukraine cũng như các lệnh trừng phạt nhắm vào Moskva sẽ không thể gây ảnh hưởng quá nhiều đến nhu cầu của người dân Nga đối với các mặt hàng thiết yếu như bột giặt, dầu gội, bia...

Andrew Wilson, CIO thuộc Goldman Sachs Asset Management tại châu Âu, nhận định rằng rủi ro và lợi nhuận có được từ việc đầu tư vào tài sản được định giá bằng đồng ruble hiện là “cân bằng hơn so với ba tháng trước,” do Moskva được kỳ vọng sẽ không có thêm động thái làm trầm trọng thêm căng thẳng với Ukraine và phương Tây.

Bên cạnh đó, các nhà đầu tư trái phiếu sẽ hào hứng trước việc Nga là một trong những quốc gia có tỷ lệ nợ công thấp nhất thế giới, chỉ tương đương 10% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), cùng quỹ dự trữ ngoại tệ trị giá hàng trăm tỷ USD là một trong những lý do khiến Nga trở nên “cuốn hút” hơn.

Greg Peters, một nhà quản lý quỹ thuộc Prudential Fixed Income, cho biết các nhà quản lý quỹ vẫn rất quan tâm đến kinh tế Nga do nước này có tỷ lệ nợ thấp.

Ngoài ra, lợi suất của trái phiếu có mệnh giá bằng đồng USD do Nga phát hành là cao hơn nhiều so với Brazil hay Thổ Nhĩ Kỳ - hai nước có xếp hạng tín dụng thấp hơn Nga, trong khi tỷ lệ nợ công lại cao hơn nhiều.

Có vẻ như giới đầu tư vẫn chưa hoàn toàn mất niềm tin vào nền kinh tế Xứ sở Bạch dương.

Tuy nhiên, câu hỏi lớn nhất được đặt ra, nhất là với những nhà quản lý bảo thủ, đó là liệu cuộc khủng hoảng giữa Nga và phương Tây có tiếp tục leo thang và kéo theo các biện pháp trừng phạt gia tăng hay không./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục