Bộ Công Thương hỗ trợ quảng bá, kết nối giao dịch xuất khẩu vải thiều

Bộ Công Thương xác định thị trường nội địa là đầu ra quan trọng của quả vải thiều nên đã mở rộng thị trường xuất khẩu, hàng đầu là xuất sang thị trường Trung Quốc cũng như mở rộng ra thế giới.
Bộ Công Thương hỗ trợ quảng bá, kết nối giao dịch xuất khẩu vải thiều ảnh 1Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Đồng Thúy/TTXVN)

Với lợi thế là cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế nông nghiệp của Bắc Giang, mỗi năm sản xuất vải thiều đã thu về khoảng 4.000-4.500 tỷ đồng, chưa tính thêm doanh thu từ các dịch vụ phụ trợ, chiếm từ 25- 28% giá trị ngành trồng trọt của toàn tỉnh. Đến nay, vải thiều Bắc Giang đã được xuất khẩu và tiêu thụ tới hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Tại hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ vải thiều năm 2020 do Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Giang đã phối hợp với Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 6/6 tại Bắc Giang, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, do sản xuất quả vải thiều mang tính mùa vụ cao, sản lượng lớn, thời gian thu hoạch ngắn, trong khi tình hình dịch COVID-19 trên thế giới còn phức tạp.

Do đó, Bộ Công Thương xác định thị trường nội địa là đầu ra quan trọng của quả vải thiều nên đã mở rộng thị trường xuất khẩu, hàng đầu là xuất sang thị trường Trung Quốc cũng như mở rộng dần ra các thị trường khác trên thế giới.

Cũng theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, ngay từ đầu năm nay, trên cơ sở phân tích những tác động từ dịch COVID-19, Bộ Công Thương đã sớm phối hợp Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Giang xây dựng các phương án, kịch bản tiêu thụ vải thiều năm 2020.

Các hoạt động đẩy mạnh tiêu thụ quả vải tại thị trường trong nước được đặc biệt chú trọng để Bắc Giang có thể chủ động ứng phó với kịch bản thị trường xấu nhất.

Cùng với đó, Bộ đẩy mạnh phối hợp, hỗ trợ tỉnh Bắc Giang thực hiện các hoạt động xúc tiến tiêu thụ quả vải ở thị trường xuất khẩu thông qua các hình thức kết nối giao thương trực tuyến như kết nối với các nhà nhập khẩu Trung Quốc, quảng bá trực tuyến tới các đầu mối mua hàng tại Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc...

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định, Bắc Giang là địa phương tiên phong của Việt Nam đã rất năng động tổ chức Hội nghị quốc tế quy mô lớn này với sự tư vấn kỹ thuật của Bộ Công Thương theo phương thức tiếp cận mới (vừa trực tiếp vừa trực tuyến), ứng phó nhanh trong bối cảnh dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp và phù hợp với xu thế thời đại 4.0.

[Đẩy mạnh tiêu thụ vải thiều, Trung Quốc vẫn là thị trường quan trọng]

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định, Bộ Công Thương với vai trò cơ quan điều hành lưu thông hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm và mở rộng thị trường nông sản trong và ngoài nước nhằm hỗ trợ sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững, thời gian qua, Bộ Công Thương đã tích cực cùng các Bộ, ngành, các địa phương, các tổ chức quốc tế, các hiệp hội ngành hàng, ngành nghề và doanh nghiệp triển khai nhiều giải pháp đồng bộ về phát triển thị trường.

Trong số các giải pháp này, Bộ Công Thương đặc biệt chú trọng hoạt động giao thương, kết nối cung cầu, chủ động đưa nông sản Việt Nam vào đa dạng hệ thống phân phối nội địa và quốc tế, gắn kết việc tạo nguồn hàng ổn định thông qua các chương trình lớn của Chính phủ, của Bộ Công Thương để thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển theo quy mô lớn nhằm đem lại lợi ích cho người sản xuất và người tiêu dùng.

Bộ Công Thương hỗ trợ quảng bá, kết nối giao dịch xuất khẩu vải thiều ảnh 2Người dân Bắc Giang thu hoạch vải. (Ảnh: Đồng Thúy/TTXVN)

Ngoài ra, Bộ Công Thương sẽ tích cực phối hợp các cơ quan truyền thông thực hiện phổ biến tuyền truyền rộng rãi tới người tiêu dùng về chất lượng, lợi ích, công dụng trong việc sử dụng quả vải nhằm kích cầu tiêu dùng của nhân dân đồng thời tích cực thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.”

Đồng thời, nhằm đem quả vải Việt Nam vươn xa trên thị trường quốc tế, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và chỉ đạo các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, đặc biệt tại các thị trường quan trọng và mới nổi như Trung Quốc, Singapore, Australia, Nhật Bản... tích cực quảng bá hình ảnh và thúc đẩy kết nối giao dịch xuất khẩu vải thiều.

Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục chỉ đạo hệ thống phân phối căn cứ điều kiện, khả năng của doanh nghiệp chuẩn bị phương án dự trữ, vận chuyển, tiêu thụ quả vải với lượng lớn nhất tất cả hệ thống siêu thị của mình tại ba miền Bắc, Trung, Nam, kể cả phương án bán hàng lưu động, tổ chức các điểm bán hàng dã chiến nhằm gia tăng tối đa khả năng tiếp cận của người tiêu dùng đối với quả vải có chất lượng cao của Bắc Giang và các địa phương khác.

“Bộ Công Thương sẽ chỉ đạo Sở Công Thương Bắc Giang tập trung làm đầu mối kết nối hệ thống phân phối trên địa bàn với các hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất, chế biến quả vải; phối hợp các đơn vị liên quan tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc tiêu thụ quả vải như ứng dụng giao dịch thương mại điện tử, lập địa điểm bán vải quả..." - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói.

Tại hội nghị, nhiều ý kiến đề xuất các doanh nghiệp, thương nhân nên từng bước chuyển từ loại hình xuất khẩu tiểu ngạch biên giới sang loại hình xuất khẩu chính ngạch, tuân thủ đầy đủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn về chất lượng hàng hóa, truy xuất nguồn gốc, an toàn vệ sinh thực phẩm, tem nhãn, quy cách đóng gói.

Các cơ quan chức năng của tỉnh Lào Cai, Lạng Sơn phối hợp với cơ quan chức năng của Trung Quốc tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp, thương nhân xuất khẩu vải thiều; nhất là về thủ tục hành chính, thủ tục kiểm dịch, thông quan, làm thêm giờ... và ưu tiên phân luồng riêng cho xe chở vải thiều xuất khẩu như năm 2018, 2019 vừa qua.

Trong bài chiêu thương và giới thiệu vụ vải thiều năm 2020, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Giang Lại Thanh Sơn nhấn mạnh: Để giữ vững thương hiệu, bảo đảm cao về an toàn thực phẩm, truy xuất được nguồn gốc, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Giang chỉ đạo ổn định quy hoạch 28 nghìn ha vải thiều, sản lượng đạt từ 150-200 nghìn tấn/năm. Riêng năm 2020, sản lượng vải thiều ước đạt 160.000 tấn.

Cùng đó, diện tích vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP 15 nghìn ha, tăng hơn 1,1 nghìn ha so với năm 2019 và hướng tới đạt 100% diện tích. Diện tích vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP là 218 ha, được Mỹ cấp mã số IRADS, cơ quan chức năng Nhật Bản chấp thuận 19 mã vùng trồng; cơ quan chức năng Trung Quốc đã chấp thuận 149 mã vùng trồng và 288 cơ sở đóng gói.

Năm 2020, vụ vải thiều trên địa bàn tỉnh Bắc Giang bắt đầu từ giữa tháng 5 và kết thúc vào cuối tháng 7. Về thị trường tiêu thụ, từ nhiều năm nay, tỉnh luôn chú trọng cả thị trường nội địa và xuất khẩu, đồng thời quan tâm khai thông các thị trường mới, tiềm năng và hiệu quả kinh tế cao.

Đến nay, các đối tác là đại diện các tập đoàn, doanh nghiệp, doanh nhân đã kết nối, ký hợp đồng với các điểm cung ứng trên địa bàn tỉnh và những ngày này vải thiểu sớm đang được tiêu thụ đối với thị trường xuất khẩu.

Để tạo điều kiện cho thương nhân nước ngoài đến kinh doanh, UBND tỉnh Bắc Giang đã liên hệ với các bộ, ngành Trung ương, các địa phương sớm thực hiện các thủ tục nhập cảnh, tiếp đón tại các cửa khẩu và tổ chức địa điểm cách ly theo quy định.

“Với việc chuẩn bị như trên, Bắc Giang đang hướng tới kịch bản khả quan sản lượng vải thiều xuất khẩu đạt khoảng 80 nghìn tấn, chiếm 50% sản lượng, phần còn lại được chế biến, tiêu thụ tại thị trường nội địa,” ông Lại Thanh Sơn nhìn nhận.

Tỉnh Bắc Giang kỳ vọng được đón tiếp nhiều hơn nữa các doanh nghiệp và thương nhân trong nước và nước ngoài đến tham quan, khảo sát, sớm ký kết hợp đồng chính thức với các hợp tác xã, doanh nghiệp cung ứng trên địa bàn tỉnh để ổn định trong thu mua, tiêu thụ vải thiều.

Mặt khác, tỉnh Bắc Giang cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất hỗ trợ người trồng vải, doanh nghiệp, thương nhân trong và ngoài nước trong việc thu hoạch, chế biến và tiêu thụ vải thiều. 

Xung quanh vấn đề này, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Singapore Trần Thu Quỳnh cho biết, thị trường này đang nhập trái vải từ các nước và vùng lãnh thổ Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc). Tuy nhiên chất lượng vải từ các quốc gia và vùng lãnh thổ này kém xa vải thiều Việt Nam.

Singapore dù rất chuộng trái vải Việt Nam vì độ thơm, ngon nhưng hàng năm vẫn chủ yếu nhập vải thiều Việt Nam thông qua các nhà buôn Trung Quốc, lượng nhập trực tiếp từ Việt Nam còn hạn chế.

Theo ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang, năm 2020, Bắc Giang duy trì diện tích trồng vải thiều 28.000 ha; sản lượng ước đạt 160.000 tấn (chiếm phần lớn diện tích và sản lượng vải thiều của Việt Nam); trong đó, diện tích vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đạt 15.000 ha, diện tích vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP là 218 ha, được Mỹ cấp mã số IRADS; Cơ quan chức năng Nhật Bản chấp thuận 19 mã vùng trồng; cơ quan chức năng Trung Quốc chấp thuận 149 mã vùng trồng và 288 cơ sở đóng gói…

Ngày 3/6, chuyên gia của Nhật Bản đã đến Việt Nam để trực tiếp kiểm tra, giám sát kiểm dịch đối với các lô vải tươi xuất khẩu sang thị trường này. Cục Bảo vệ thực vật đã phối hợp với UBND tỉnh Bắc Giang và các cơ quan hữu quan đón chuyên gia theo đúng quy định về phòng chống dịch COVID-19./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục