Bộ trưởng Bộ Tài chính: Tiến độ giải ngân vốn nước ngoài đáng báo động

Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam nêu lên, tốc độ giải ngân vốn của Việt Nam đang chậm lại trong 3-4 năm qua và thậm chí chỉ bằng một nửa so với các nước khác.
Bộ trưởng Bộ Tài chính: Tiến độ giải ngân vốn nước ngoài đáng báo động ảnh 1Ảnh minh họa.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã phải cảm thán về tình trạng giải ngân nguồn vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài là "đáng báo động."

Vấn đề đáng lo này được lãnh đạo Bộ Tài chính đưa ra tại "Hội nghị trực tuyến thúc đẩy giải ngân nguồn vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài năm 2019" sáng 26/6.

Tiến độ giải ngân rất chậm

Nói về tiến độ, ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) thống kê, lũy kế giải ngân vốn nước ngoài cho cấp phát đầu tư phát triển trong nửa đầu năm nay mới đạt 2.050 tỷ đồng, đạt 3,42% kế hoạch vốn Quốc hội giao.

[Các khoản vay lại của Chính phủ: Địa phương không biết cách triển khai]

Khoản cho vay lại với chính quyền địa phương cùng thời gian trên cũng chỉ đạt khoảng 216 tỷ đồng, đạt 1,26% kế hoạch. Cho vay lại với doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công là 7.664 tỷ đồng, đạt 29,22% hạn mức giải ngân cho vay lại.

"Tình hình trên cho thấy tiến độ giải ngân trong 6 tháng đầu năm 2019 là rất chậm," ông Trương Hùng Long lên tiếng.

Nhìn lại những con số này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa nhận, tình trạng giải ngân vốn nước ngoài đang ở mức đáng báo động.

Còn ông Eric Sidgwick – Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam thì nêu lên, tốc độ giải ngân vốn của Việt Nam đang chậm lại trong 3-4 năm qua.

"Tốc độ giải ngân trung bình của Việt Nam hiện tại chỉ bằng một nửa giai đoạn trước và bằng một nửa so với các nước nhận tài trợ của chúng tôi. Đây là quan ngại lớn," vị đại diện ADB cho biết.

Việc chậm trễ này, theo ông Eric Sidgwick, sẽ khiến Việt Nam phải trả các khoản chi phí cam kết cao hơn và ảnh hưởng tới uy tín trên trường quốc tế. Chưa kể, hiệu quả của dự án từ đó cũng sẽ bị ảnh hưởng.

"Dù không tác động ngay lập tức nhưng về lâu dài, sự chậm trễ sẽ tác động tới sự tăng trưởng, phát triển của kinh tế Việt Nam," vị này cảnh báo.

Hết thời hạn giải ngân nhưng... chưa được bố trí vốn

Nói về nguyên nhân sự chậm trễ, ông Trương Hùng Long cho rằng, một phần do kế hoạch đầu tư công trung hạn bố trí thiếu so với nhu cầu. Vị này tính toán, hiện có 26 khoản vay với tổng trị giá là hơn 3,4 tỷ USD ký mới từ năm 2016 đến nay, có nhu cầu giải ngân nhưng chưa được đưa vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.

Ông Trương Hùng Long cũng chỉ ra, tới nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới giao kế hoạch bằng 48% kế hoạch vốn Quốc hội giao. Tình trạng này dẫn đến việc rất nhiều bộ, ngành địa phương không có nguồn vốn để giải ngân, trong khi nhu cầu thực hiện các dự án là rất cấp bách.

Vị này lấy ví dụ, có 1 số dự án đã hết thời hạn giải ngân nhưng vẫn được bố trí kế hoạch vốn như: Dự án Xây dựng Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội; Dự án Tăng cường hệ thống y tế tuyến tỉnh - tỉnh Thanh Hóa; Chương trình đào tạo nghề 2008 (Đức).

Từ đó, ông đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với bộ ngành và địa phương rà soát tổng thể việc thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn đến năm 2020 để kịp thời điều chỉnh và phân bổ vốn cho các dự án đang thiếu vốn.

Ở hướng ngược lại, vị Cục trưởng chỉ ra, nhiều trường hợp, các dự án mặc dù được bố trí đủ kế hoạch vốn nhưng công tác triển khai rất chậm. Điều này cho thấy, công tác chuẩn bị dự án còn nhiều bất cập bặc biệt là các vấn đề liên quan đến tư vấn thiết kế dự án, việc triển khai công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư. Ông lấy ví dụ về trường hợp Dự án nâng cấp Quốc lộ 217 vay vốn ADB; Dự án Y tế tuyến tỉnh vốn vay Ngân hàng Tái thiết Đức (KFW).

Về phía nhà tài trợ, ông Eric Sidgwick nêu lên vấn đề, ngay cả một thay đổi nhỏ trong các dự án như bổ sung phạm vi, gia hạn khoản vay trong 6 tháng, thay đổi cơ cấu chi phí, sử dụng các khoản dự phòng,.. cũng phải điều chỉnh chủ trương đầu tư. Trong khi chờ điều chỉnh, các bên không thể bắt đầu bất cứ việc chuẩn bị nào và các hoạt động thanh toán cũng bị tạm dừng.

Do đó, đại diện ADB đề xuất Việt Nam cần đơn giản hóa và giảm số lượng các bước phê duyệt để phân cấp nhiều hơn đến mức tối đa có thể./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục