Các lệnh trừng phạt Nga có tác động như kỳ vọng của phương Tây?

Các lệnh trừng phạt Nga liệu có tác động như kỳ vọng của phương Tây?

Các biện pháp trừng phạt lần này nhắm vào trung tâm hệ thống tài chính Nga, đẩy nền kinh tế nước này vào nhiều vòng thử thách, tuy nhiên liệu tác động của chúng có được như sự kỳ vọng của phương Tây?
Các lệnh trừng phạt Nga liệu có tác động như kỳ vọng của phương Tây? ảnh 1Toàn cảnh Hội nghị Thượng đỉnh bất thường EU về chiến dịch quân sự của Nga ở miền Đông Ukraine, tại Brussels, Bỉ ngày 24/2/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Kể từ năm 2014, Mỹ và các đồng minh đã áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt đối với Nga sau sự kiện sáp nhập Crimea và vụ máy bay MH17 của hãng hàng không quốc gia Malaysia bị bắn rơi.

Khi những biện pháp đó vẫn chưa được dỡ bỏ, các nước này lại tiếp tục gia tăng sức ép trừng phạt lên Nga liên quan tới tình hình Ukraine.

Theo giới chức phương Tây, các biện pháp trừng phạt lần này sẽ nhắm vào trung tâm hệ thống tài chính Nga và đẩy nền kinh tế nước này vào nhiều vòng thử thách.

Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát cho rằng khi nhiều nước phương Tây cũng như Mỹ còn một số ngần ngại trong việc áp đặt những lệnh trừng phạt thực sự mạnh mẽ lên kinh tế Nga bởi vẫn còn nỗi lo về ảnh hưởng liên đới lẫn những sự kiện trước đây.

Liệu những lệnh trừng phạt này có mang lại tác động như kỳ vọng của bên áp đặt không? Và kịch bản nào có thể xảy đến với kinh tế Nga trong tương lai?

Trừng phạt tiếp nối trừng phạt

Sau động thái loại một số ngân hàng lớn của Nga khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT hồi cuối tuần trước, Bộ Tài chính Mỹ ngày 28/2 đã công bố các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với "các tài sản quan trọng của Nga."

Theo đó, Mỹ sẽ đóng băng mọi loại tài sản do Ngân hàng trung ương Nga hoặc do người Mỹ nắm giữ tại nước này. Ngoài ra, Bộ Tài chính Mỹ cũng trừng phạt một quỹ tài sản quan trọng của Nga - Quỹ Russian Direct Investment Fund trị giá khoảng 10 tỷ USD cùng Giám đốc điều hành (CEO) Kirill Dmitriev.

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng thông báo đặt những ngân hàng có các mối quan hệ chặt chẽ với Nga, như Ngân hàng Quốc tế Raiffeisen (RBI) của Áo và chi nhánh của ngân hàng VTB của Nga tại châu Âu, dưới sự giám sát chặt chẽ sau khi Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) và các đối tác phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt tài chính sâu rộng đối Nga đồng thời "ngắt" nước này khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT.

Các biện pháp giám sát của ECB gồm yêu cầu các ngân hàng trên báo cáo thanh khoản của họ thường xuyên hơn, đồng thời cập nhật cho đại diện của ECB ở Frankfurt và Vienna về tác động của các lệnh trừng phạt đối với tài sản và hoạt động của họ ở Nga và Ukraine.

Kể từ khi căng thẳng Nga-Ukraine gia tăng, ECB tăng cường giám sát và liên lạc hàng ngày với các ngân hàng này.

Các lệnh trừng phạt ngày càng gia tăng của phương Tây đã làm chao đảo nền kinh tế Nga, đẩy đồng ruble của nước này giảm khoảng 30% so với đồng USD trong ngày 28/2. Hoạt động giao dịch chứng khoán và trái phiếu cũng bị gián đoạn.

Các lệnh trừng phạt Nga liệu có tác động như kỳ vọng của phương Tây? ảnh 2Trụ sở Ngân hàng Trung ương Nga tại Moskva. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong một động thái để hỗ trợ ổn định tài chính và giá cả, bảo vệ các khoản tiết kiệm của người dân, Ngân hàng trung ương Nga đã tăng lãi suất từ 9,5% lên 20%. Ngoài ra, Ngân hàng trung ương và Bộ Tài chính Nga đã yêu cầu các công ty xuất khẩu của nước này bán 80% doanh thu bằng ngoại tệ trên thị trường.

Ngân hàng trung ương Nga cũng cho biết sẽ tăng cường cung cấp tiền mặt cho các máy ATM để đối phó với nhu cầu tăng đột biến. Một công ty con ở châu Âu của Sberbank, ngân hàng lớn nhất của Nga, cho biết họ đã ghi nhận dòng tiền gửi lớn “tháo chạy” trong thời gian rất ngắn.

Lần gần nhất Nga đối mặt với cuộc khủng hoảng tiền mặt lớn là vào năm 2014, khi giá dầu giảm sau các lệnh trừng phạt của phương Tây áp đặt lên Nga liên quan đến vấn đề bán đảo Crimea.

Theo ông Anders Aslund, một nhà kinh tế học thuộc Hội đồng Đại Tây Dương và là tác giả bản một báo cáo về các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Nga, Chính phủ Nga kể từ năm 2014 đã triển khai nhiều biện pháp nhằm bớt phụ thuộc vào nợ nước ngoài cho các khoản chi tiêu.

Song những lệnh trừng phạt từ phương Tây vẫn sẽ khiến đồng ruble mất giá, làm rung chuyển thị trường chứng khoán và đóng băng giao dịch trái phiếu của nước này.

Báo cáo của ông ước tính rằng các lệnh trừng phạt hồi năm 2014 đã làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm của Nga tới 3%. Những lệnh mới có thể gây khó khăn hơn nhiều cho nền kinh tế.

[Nhiều công ty nước ngoài rút khỏi Nga do lo ngại lệnh trừng phạt]

Bà Margarita Balmaceda, một giáo sư ngành ngoại giao và quan hệ quốc tế tại Đại học Seton Hall, cho biết các biện pháp trừng phạt mới do phương Tây áp đặt lên Nga là "chưa từng có và rất nghiêm trọng." Điều này cho thấy Mỹ và các đồng minh đang tỏ ra “mạnh tay” so với phản ứng "trầm lắng" hơn hồi năm 2014.

Những ngần ngại của phương Tây

Dựa trên số liệu về Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) do Ngân hàng Thế giới (WB) tổng hợp, Nga là nền kinh tế lớn thứ 11 trên thế giới với GDP khoảng 1.500 tỷ USD. Quy mô nền kinh tế này nhỏ hơn khoảng 25% so với Italy và 20% so với Canada - hai quốc gia có dân số ít hơn Nga.

Dù vậy, giới quan sát cho rằng các nước EU và Mỹ vẫn có sự miễn cưỡng khi không áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế mạnh tay như đã từng làm với các quốc gia khác.

Lý do cho điều này rất đơn giản: Dầu mỏ và khí đốt tự nhiên.

Nga là nước xuất khẩu khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới, cũng là một trong những nhà xuất khẩu dầu hàng đầu. Một số chuyên gia cho rằng việc cắt giảm xuất khẩu có thể làm tăng giá các mặt hàng đó lên tới 50%, cao hơn nhiều so với mức tăng đột biến ở mức một con số trong những tuần qua.

Các lệnh trừng phạt Nga liệu có tác động như kỳ vọng của phương Tây? ảnh 3Một giếng dầu ở Dyurtyuli, CH Bashkortostan, LB Nga. (Ảnh: Getty Images/TTXVN)

Ông Josh Lipsky, Giám đốc Trung tâm Địa kinh tế học thuộc Hội đồng Đại Tây Dương, cho biết Nga không phải Triều Tiên, Venezuela hay Iran. Nguồn năng lượng xuất khẩu của Nga đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với thị trường năng lượng thế giới.

Các biện pháp trừng phạt Nga đến nay vẫn tránh đụng tới ngành năng lượng của nước này. Ông Lipsky lập luận rằng nếu phương Tây cấm xuất khẩu năng lượng của Nga, điều đó sẽ làm tăng giá năng lượng theo hướng có lợi cho nền kinh tế Nga hơn là làm tổn hại.

Nga sẽ tìm thấy những người mua khác, chẳng hạn như Trung Quốc. Khi đó, Nga sẽ thu về nhiều tiền hơn chứ không phải ít hơn.

Theo ông Lipsky, lệnh cấm xuất khẩu năng lượng sẽ là một biện pháp cực đoan và rất mạnh tay. Nhưng vấn đề là liệu nó có thực sự mang lại hiệu quả mong muốn?

Chia sẻ quan điểm trên, ông Gary Clyde Hufauer, thành viên cấp cao tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, lưu ý hiện các nước châu Âu phụ thuộc rất nhiều vào dầu mỏ và khí đốt tự nhiên của Nga.

Bên cạnh đó, Nga cũng sở hữu nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên khác, bao gồm gỗ xẻ và các khoáng sản như titan. Hiện Nga là nhà sản xuất titan lớn thứ hai thế giới và nguồn cung từ nước này rất quan trọng cho sản xuất máy bay.

CEO Dave Calhoun của Boeing thừa nhận hoạt động của hãng có thể gặp khó khăn nếu nguồn cung titan từ Nga bị cắt đứt.

Còn đối với Mỹ, các biện pháp trừng phạt đối với một số thực thể của Nga trong những năm gần đây đã dẫn tới nhiều hậu quả khó lường, khiến giới chức Mỹ phải đắn đo suy nghĩ.

Như vào tháng 4/2018, Bộ Tài chính Mỹ đã đưa doanh nhân Oleg Deripaska và sáu nhà tài phiệt khác vào danh sách thuộc quốc gia bị chỉ định trừng phạt đặc biệt (SDN).

Đáng chú ý ở đây là ông Deripaska sở hữu Rusal, nhà sản xuất nhôm lớn thứ hai thế giới và các lệnh trừng phạt từ Mỹ đã khiến giá nhôm toàn cầu tăng vọt. Bộ Tài chính Mỹ sau đó đã phải dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với các công ty chủ chốt của ông vào tháng 12 cùng năm.

Kịch bản nào cho kinh tế Nga?

Tuy nhiên, dù có sự thận trọng nhất định, các nước phương Tây chắc chắn vẫn sẽ áp đặt nhiều lệnh trừng phạt lên Nga, gây tác động không nhỏ đến nền kinh tế và đời sống của người dân nước này.

Những lệnh trừng phạt được công bố vào tuần trước đã đẩy đồng nội tệ của Nga xuống mức thấp kỷ lục so với đồng USD. Giới chuyên gia kinh tế và phân tích cho rằng việc đồng ruble mất giá mạnh sẽ làm giảm mức sống của người dân Nga.

Giáo sư Balmaceda cho biết những biện pháp trừng phạt không chỉ nhằm vào giới thượng lưu của Nga, mà cả những gia đình trung lưu chi tiêu phần lớn thu nhập của họ cho các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm và quần áo, đồng thời phụ thuộc vào các sản phẩm được nhập khẩu và định giá không chính thức bằng đồng USD.

Giáo sư Balmaceda nhận định mức độ thiệt hại kinh tế của Nga sẽ phụ thuộc một phần vào phản ứng từ các nhà tài phiệt nước này trong những ngày tới.

Liệu những tài phiệt này có thể gây áp lực để Chính phủ Nga hạn chế và rút lại các hành động quân sự nếu các doanh nghiệp của họ trong nhiều lĩnh vực như dầu mỏ, khí đốt tự nhiên và nhôm chịu ảnh hưởng nặng nề và lâu dài bởi các lệnh trừng phạt.

Chính phủ Nga sẽ phải can thiệp để hỗ trợ các ngành công nghiệp, ngân hàng và các khu vực kinh tế chịu tác động. Nhưng nếu không có quyền tiếp cận với các đồng tiền như USD hay euro, nước này có thể phải in thêm đồng ruble. Giới kinh tế cảnh báo rằng động thái đó có thể nhanh chóng trở thành tình trạng siêu lạm phát.

Khi đề cập tới thời hạn của các lệnh trừng phạt chống lại Nga, ông Lipsky và ông Hufauer đều tin rằng phương Tây sẽ duy trì chúng trong nhiều năm, mặc dù không nhất thiết kéo dài nhiều thập kỷ như cách Mỹ trừng phạt Triều Tiên và Cuba.

Tuy nhiên, các lệnh trừng phạt được thực thi càng lâu, thì nền kinh tế Nga càng có nhiều thiệt hại và đối mặt nhiều rủi ro./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục