Campuchia muốn có thêm các hiệp định thương mại tự do song phương

Phó Thủ tướng Campuchia cho biết UAE, Ấn Độ, Nhật Bản, Liên minh kinh tế Á-Âu, Canada và các nước Mỹ Latinh là những đối tác nằm trong kế hoạch đàm phán FTA song phương của quốc gia Đông Nam Á này.
Campuchia muốn có thêm các hiệp định thương mại tự do song phương ảnh 1Ảnh minh họa. (Ảnh: THX/TTXVN)

Campuchia đang thúc đẩy việc thiết lập thêm nhiều hiệp định thương mại tự do song phương (FTA) với các đối tác thương mại quan trọng để mở rộng thị trường xuất khẩu của quốc gia Đông Nam Á này.

Ấn Độ, Nhật Bản, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Canada, các nước Mỹ Latinh và Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU) là những đối tác nằm trong kế hoạch đàm phán FTA song phương của Campuchia - Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Campuchia Aun Pornmoniroth cho biết.

Đầu tuần này, Phó Thủ tướng Aun Pornmoniroth đã đề nghị Bộ Thương mại Campuchia tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tới các thị trường hiện có, cũng như mở rộng thêm những thị trường mới.

Ông Aun Pornmoniroth cho rằng Bộ Thương mại Campuchia cần tiến hành tham vấn mở rộng với các bên liên quan về lợi ích từ các hiệp định thương mại song phương.

Phó Thủ tướng Campuchia khẳng định nước này sẵn sàng thoát khỏi danh sách “Các nước kém phát triển” (LDC), trên cơ sở nghiên cứu những thách thức và giải pháp phù hợp với bối cảnh mất đi các cơ chế ưu đãi thương mại.

Ông Aun Pornmoniroth đồng thời kêu gọi xem xét kỹ hơn những tác động của việc thoát khỏi danh sách này đối với quá trình đàm phán trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các cơ chế khu vực của Campuchia, đặc biệt là chuẩn bị để sẵn sàng đàm phán cơ chế ưu đãi thuế quan phổ cập (GPS) mới

Đó là những việc cần làm nhằm duy trì thị phần, cũng như duy trì, cân đối sản xuất và sức hấp dẫn đầu tư vào Campuchia sau khi nước này thoát khỏi LDC.

[Campuchia xây dựng cảng biển đa năng lớn thứ ba tại Đông Nam Á]

Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Campuchia kêu gọi Bộ Thương mại nước này tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan nhằm tận dụng các thỏa thuận thương mại tự do mà Campuchia đã có, đặc biệt là các thỏa thuận với Trung Quốc và Hàn Quốc, cũng như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) - một thỏa thuận thương mại lớn của khu vực, gồm 15 quốc gia trong khu vực Thái Bình Dương.

Cùng với RCEP, các hiệp định thương mại tự do song phương đã mở rộng thị trường cho các mặt hàng của Campuchia - theo người phát ngôn Bộ Thương mại Campuchia Penn Sovicheat.

Việc Campuchia có hiệp định thương mại tự do song phương với nhiều nước đang phát triển là một tín hiệu tích cực cho nền kinh tế và hàng hóa nước này, ông nhấn mạnh.

Campuchia hiện có hai hiệp định thương mại tự do song phương với Trung Quốc và Hàn Quốc, lần lượt có hiệu lực từ tháng Một và tháng 12 năm ngoái.

Cuối năm 2022, quan chức Bộ Thương mại Campuchia nhận định cuộc khủng hoảng COVID-19 khiến nền kinh tế nước này tăng trưởng chậm do nhu cầu bên ngoài sụt giảm mạnh, nhất là các hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ như du lịch, lữ hành và hàng không dân dụng; lĩnh vực công nghiệp cũng bị ảnh hưởng do đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tháng 12 vừa qua, Campuchia đã tái khởi động hoạt động hội chợ triển lãm trong bối cảnh các cơ quan chức năng ở quốc gia Đông Nam Á này đang đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối đầu tư, xuất khẩu nông sản, nhằm đẩy nhanh đà phục hồi phát triển kinh tế-xã hội.

Campuchia muốn có thêm các hiệp định thương mại tự do song phương ảnh 2Campuchia sẽ đầu tư hơn nữa vào phát triển nguồn nhân lực, công nghệ kỹ thuật số... để duy trì tăng trưởng kinh tế trong dài hạn. (Nguồn: bh)

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Xúc tiến Thương mại-Bộ Thương mại Campuchia Tan Yuvaroat cho biết để tạo điều kiện thuận lợi và tăng hiệu quả xuất khẩu của các nhà sản xuất và doanh nghiệp xuất khẩu, Chính phủ Hoàng gia Campuchia đã thành lập Ban Chuyên trách nghiên cứu tối ưu hóa lợi ích của các hiệp định thương mại tự do, trước mắt là đối với thị trường Trung Quốc.

Campuchia đã xác định 10 mặt hàng nông sản tiềm năng để đẩy mạnh sản xuất phục vụ xuất khẩu, bao gồm lúa gạo, sắn (khoai mỳ), chuối, nhãn Peilin, xoài, hạt điều, thịt, mủ cao su, dứa (khóm) và hồ tiêu.

Trước đó, hồi tháng 10 năm ngoái, phát biểu khai mạc Hội nghị Triển vọng Campuchia 2022, Thủ tướng Samdech Techo Hun Sen cho biết việc đạt mục tiêu về phục hồi và phát triển bền vững, bao trùm đòi hỏi khả năng giải quyết các thách thức toàn cầu phức tạp thông qua hợp tác, đoàn kết và thống nhất.

Thủ tướng Hun Sen cho biết Chính phủ Campuchia sẽ đầu tư hơn nữa vào các lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực, doanh nghiệp vừa và nhỏ, công nghệ kỹ thuật số và phát triển xanh... để duy trì tăng trưởng kinh tế trong dài hạn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục