Căng thẳng Hàn Quốc và Nhật Bản có thể còn kéo dài?

Quan hệ Seoul-Tokyo rơi xuống mức tồi tệ sau quyết định của Tokyo áp dụng các hạn chế xuất khẩu nguyên liệu công nghiệp quan trọng sang Hàn, nên làm tăng thời gian xử lý thủ tục nhập khẩu lên 90 ngày.
Căng thẳng Hàn Quốc và Nhật Bản có thể còn kéo dài? ảnh 1Một module bộ nhớ của Samsung Electronics. (Nguồn: Getty Images)

Theo tờ Korea Herald, căng thẳng trong quan hệ Hàn Quốc-Nhật Bản có thể sẽ tiếp diễn trong một thời gian do cả hai bên không muốn nhượng bộ.

Quan hệ Seoul-Tokyo đã rơi xuống mức tồi tệ sau quyết định của Tokyo áp dụng các hạn chế xuất khẩu nguyên liệu công nghiệp quan trọng sang Hàn Quốc, do đó làm tăng thời gian xử lý thủ tục nhập khẩu lên 90 ngày.

Nhật Bản tuyên bố rằng những thay đổi làm chậm tiến độ nhập khẩu các nguyên liệu như nhựa nhiệt dẻo (fluorinated polyimide) đã được thực hiện để đối phó với việc Seoul để các nguyên liệu có khả năng gây nguy hiểm này lọt vào Triều Tiên.

Tuy nhiên, Hàn Quốc xem những thay đổi này là sự trả đũa phán quyết của Tòa án Tối cao Hàn Quốc vốn có lợi cho những người bị buộc lao động cho các công ty Nhật Bản trong giai đoạn 1938-1945.

Trong khi một số người ở Hàn Quốc hiểu động thái của Nhật Bản là một mưu đồ nhằm củng cố sự ủng hộ phe bảo thủ trước cuộc bầu cử Thượng viện Nhật Bản ngày 21/7 vừa qua, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe dường như cũng không bớt cứng rắn sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử này.

Ông Abe phát biểu trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Asahi TV ngày 21/7 vừa qua: "Nếu Hàn Quốc không đưa ra câu trả lời thích đáng về việc vi phạm Thỏa thuận giải quyết khiếu nại, các cuộc thảo luận mang tính xây dựng sẽ không thể thực hiện được."

Thủ tướng Abe đã đề cập đến thỏa thuận Hàn Quốc-Nhật Bản ký năm 1969, theo đó Nhật Bản đã viện trợ tài chính và vật chất cho Hàn Quốc để bồi thường cho việc chiếm đóng bán đảo Triều Tiên trong nửa đầu thế kỷ 20.

Tuy nhiên, Tòa án Tối cao Hàn Quốc đã ra phán quyết trong những năm gần đây rằng thỏa thuận này không chấm dứt quyền của cá nhân đòi bồi thường cho những mất mát của họ dưới thời Nhật Bản chiếm đóng.

Ông Abe cũng tái khẳng định các biện pháp thương mại này không phải là sự trả đũa và rằng Nhật Bản chỉ đang quản lý việc "mua bán các mặt hàng liên quan tới an ninh.”

[Phong trào tẩy chay hàng Nhật Bản: Người Hàn Quốc đã thực sự giận dữ?]

Thủ tướng Nhật Bản cũng cho rằng Seoul đã bác bỏ những lời kêu gọi của Tokyo tiến hành đàm phán các vấn đề liên quan trong 3 năm qua. Ông Abe còn ngụ ý rằng Hàn Quốc đã phá vỡ lòng tin giữa hai bên.

Phủ Tổng thống Hàn Quốc đã đáp lại những tuyên bố này, nghi ngờ những lý lẽ của Chính phủ Nhật Bản biện minh cho các biện pháp hạn chế xuất khẩu.

Phát ngôn viên Nhà Xanh, bà Ko Min-jung, tuyên bố “(Chính phủ Hàn Quốc) đã liên tục gợi ý việc theo đuổi một cách tiếp cận hai đường, đó là tách biệt quá khứ và tương lai trong quan hệ Hàn-Nhật.”

Bà nói Seoul đã đáp trả các tuyên bố của Nhật Bản về chuyện nguyên liệu công nghiệp nhập khẩu từ Nhật Bản lọt vào Triều Tiên, cũng như các vấn đề được đưa ra trong phán quyết của Tòa án Tối cao về bồi thường cho các lao động bị cưỡng ép.

Bà Ko Min-jung nói thêm: "(Nhật Bản) đã nêu các vấn đề an ninh, sau đó là các vấn đề lịch sử rồi lại nêu vấn đề an ninh.

Hôm nay, ông Abe một lần nữa đề cập đến các vấn đề lịch sử, song tôi nghĩ Nhật Bản nên chú ý tới đường lối đối ngoại."

Theo bà, việc hai nước hợp tác là có lợi nhất cho người dân Hàn Quốc và Nhật Bản.

Bình luận của bà Ko lặp lại tuyên bố của Cố vấn An ninh Quốc gia Hàn Quốc Kim Hyun-chong ngày 19/7 vừa qua, trong đó ông Kim Hyun-chong nói rằng Nhật Bản lúc nói vấn đề này lúc nói vấn đề kia nên "rất khó để biết chính xác lập trường của Nhật Bản là gì."

Các quan chức Hàn Quốc trong đó có Tổng thống Moon Jae-in đã đưa ra một số khả năng đằng sau các hành động của Nhật Bản.

Căng thẳng Hàn Quốc và Nhật Bản có thể còn kéo dài? ảnh 2Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)

Phát biểu tại một cuộc họp với các trợ lý của ông ngày 15/7 vừa qua, ông Moon nêu khả năng những hành động của Nhật Bản là nhằm mục đích cản trở sự tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc.

Khi Hàn Quốc và Nhật Bản tiếp tục "lạc nhịp," khả năng Thủ tướng Hàn Quốc Lee Nak-yon đóng vai trò lớn hơn trong vấn đề này đã được chú ý.

Ý tưởng cử ông Lee đến Nhật Bản với tư cách một Đặc phái viên đã được nêu trong chính trường, trong đó có cả ý kiến của nhà lập pháp kỳ cựu Park Jie-won từ đảng đối lập nhỏ Hòa bình Dân chủ.

Chỉ vài giờ sau khi trở về nước ngày 22/7 vừa qua, ông Lee đã gặp Ngoại trưởng Kang Kyung-wha và nhà soạn thảo chính sách hàng đầu Kim Sang-jo để thảo luận các vấn đề liên quan, tiếp tục thúc đẩy những suy đoán rằng ông sẽ đóng vai trò trực tiếp hơn.

Tuy nhiên, Nhà Xanh đã nhiều lần tuyên bố mặc dù tất cả các biện pháp còn để ngỏ, bao gồm lựa chọn cử một Đặc phái viên đến Nhật Bản, song tất cả các bước đi sẽ được xem xét cẩn trọng.

Đảng Dân chủ cầm quyền của Hàn Quốc đang thực hiện một đường lối cứng rắn hơn, coi các hành động của Nhật Bản là một "cuộc xâm lược kinh tế" và đi xa hơn khi nói rằng Nhật Bản không thể tìm kiếm một sự thay đổi chính quyền ở Hàn Quốc."

Chủ tịch đảng Dân chủ Đồng hành Lee Hae-chan phát biểu ngày 22/7 vừa qua: "Cuộc xâm lược kinh tế của Nhật Bản sẽ bắt đầu. Chính phủ, đảng và nhân dân Hàn Quốc phải có quyết tâm phi thường trong việc đối phó với sự chuyên chế của Nhật Bản, nước đang gây mất ổn định, thậm chí trật tự an ninh của khu vực.”

Quan chức này cho hay Nhật Bản dự kiến sẽ tiến hành các biện pháp tiếp theo vào cuối tháng Bảy này hoặc đầu tháng Tám tới.

Ngày 19/7 vừa qua, ông Lee tuyên bố các động thái của Nhật Bản chỉ có thể được hiểu là một nỗ lực làm suy yếu chính quyền Moon Jae-in, trích dẫn bài báo trên nhật báo Asahi Shimbun.

Bài báo đã dẫn lời một quan chức Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản cho biết các biện pháp hạn chế thương mại sẽ được duy trì chừng nào ông Moon Jae-in vẫn nắm quyền ở Hàn Quốc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục