“Chìa khóa” khôi phục niềm tin với trái phiếu doanh nghiệp

Áp lực đáo hạn của thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2023 lên tới 205 ngàn tỷ đồng, trong đó có 104 ngàn tỷ đồng trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản.
Tọa đàm “Điểm sáng Đầu tư 2023 - FiinGroup Invest Summit," ngày 15/2. (Ảnh: Vietnam+)
Tọa đàm “Điểm sáng Đầu tư 2023 - FiinGroup Invest Summit," ngày 15/2. (Ảnh: Vietnam+)

Trải qua một năm trầm lắng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam trong năm 2023 sẽ tiếp tục chịu áp lực nợ đến hạn lớn lên tới hơn 205 nghìn tỷ, trong khi vấn đề khôi phục niềm tin nhà đầu tư sau những vụ vi phạm là vấn đề dài hạn cần sự nỗ lực từ tất cả các chủ thể tham gia thị trường.

Nhận định trên được chuyên gia đưa ra tại tọa đàm “Điểm sáng Đầu tư 2023 - FiinGroup Invest Summit," ngày 15/2, dưới sự phối hợp truyền thông của Tạp chí Kinh tế Việt Nam.

Thị trường sẽ đi vào chiều sâu

Báo cáo từ FiinRatings (FiinGroup) cho biết giá trị phát hành của trái phiếu doanh nghiệp sụt giảm mạnh trong năm qua đã làm giảm quy mô tổng dư nợ trái phiếu và dẫn tới rủi ro tái cấp vốn tăng cao, nhất là với ngành bất động sản vốn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu phát hành toàn thị trường. Điều này là bởi điều kiện kinh doanh không thuận lợi và mức độ đòn bảy tài chính cao, nhất là một số ngành có dự nợ trái phiếu lớn.

Tuy nhiên, ông Lê Hồng Khang, Giám đốc Xếp hạng Tín nhiệm của FiinRatings chỉ ra nhiều doanh nghiệp trong ngành vẫn tiếp tục huy động được vốn trên thị trường nội địa hoặc được giải ngân vốn vay bởi ngân hàng và thị trường nợ quốc tế, mặc dù lãi suất có phần cao hơn so với thời gian trước.

[Không có doanh nghiệp phát hành trái phiếu trong tháng đầu năm]

Đặc điểm chung của các doanh nghiệp tiếp tục huy động được vốn qua kênh trái phiếu là có sự minh bạch thông tin về năng lực tín dụng, bao gồm phương án và mục đích sử dụng vốn. Bên cạnh đó, nhóm doanh nghiệp này cho thấy có cơ hội phục hồi cao trong 12-24 tháng tới nhờ vào hệ thống quản trị tốt, rủi ro pháp lý thấp và mức độ đòn bảy phù hợp với mô hình kinh doanh, dự phóng về dòng tiền về để đáp ứng nghĩa vụ trả nợ.

Về triển vọng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, ông Khang dự báo thị trường sẽ đi vào chiều sâu.

Cải thiện niềm tin của nhà đầu tư thế nào?

Kiến nghị về các giải pháp phục hồi niềm tin của nhà đầu tư trên thị trường, ông Khang cho rằng “chìa khóa” là các tổ chức phát hành là phải chủ động minh bạch thông tin. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cũng cần trang bị thêm thông tin và làm quen với khái niệm rủi ro khi tham gia đầu tư cũng như làm quen với việc doanh nghiệp mất khả năng thanh toán khi hoạt động kinh doanh gặp khó khăn.

Với cơ quan quản lý, ông Khang kiến nghị cần có các giải pháp đồng bộ cần được đưa ra nhằm phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp một cách bài bản hơn, bao gồm việc xây dựng thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ thứ cấp tập trung, tạo thanh khoản giúp thị trường trở nên cân bằng hơn. Cùng với đó là công tác xây dựng công cụ hỗ trợ đầu tư, tạo cơ chế phân loại và khuyến khích phát cơ sở nhà đầu tư không chỉ với tổ chức tín dụng, công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư mà nhiều hình thức định chế đầu tư khác.

“Giải pháp tháo gỡ trước mắt được kỳ vọng là quy định triển khai tái cơ cấu nợ trái phiếu doanh nghiệp khi Nghị định 65 (sửa đổi) có hiệu lực. Điểm mấu chốt là tháo gỡ pháp lý dự án bất động sản đối với việc luân chuyển giữa kênh tín dụng ngân hàng và trái phiếu doanh nghiệp sẽ diễn ra theo khuôn khổ quy định này,” ông Khang nói.

Ông Khang cũng kỳ vọng việc triển khai đồng bộ giữa việc triển khai tín dụng bất động sản và tái cơ cấu trái phiếu doanh nghiệp sẽ góp phần giải quyết một phần áp lực đáo hạn 205 ngàn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong năm 2023, trong đó có 104 ngàn tỷ đồng trái phiếu sẽ đáo hạn của các doanh nghiệp bất động sản.

Trao đổi sâu hơn trên tọa đàm về vấn đề của ngành bất động sản, bà Trần Kiều Oanh, Trưởng phòng Phân tích Định chế Tài chính FiinGroup, cho rằng việc ngân hàng giảm lãi suất cho vay bất động sản sẽ rất khó để thực hiện trên phạm vi rộng. Bởi, lãi suất cho vay được quyết định bởi chất lượng tín dụng của dự án và của doanh nghiệp. Hơn nữa, trong bối cảnh lãi suất đầu vào của các ngân hàng chưa giảm được ngay và vẫn neo cao trong khoảng 9-10% cho tiền gửi kỳ hạn 12 tháng, lãi suất cho vay các dự án bất động sản lên tầm 14-16% có thể là mức bình thường trong bối cảnh thị trường hiện nay.

Bên cạnh đó còn phải kể đến thực tế lợi nhuận gộp của ngành bất động sản là khá cao, do đó việc tăng chi phí đầu vào vẫn có thể ở mức các doanh nghiệp chấp nhận được trong một khoảng thời gian nhất định. Trong tình huống tiêu cực hơn, các doanh nghiệp cũng có thể chấp nhận giảm mức lợi nhuận hoặc chấp nhận lỗ một số dự án để duy trì thanh khoản. Tóm lại, điểm nghẽn pháp lý là một trong những vấn đề trọng yếu đối với các doanh nghiệp và dự án bất động sản hiện nay.

Do đó, việc rà soát và tháo gỡ pháp lý nhất là cho bất động sản sẽ là chìa khóa cho sự khôi phục của không chỉ thị trường trái phiếu doanh nghiệp, tín dụng bất động sản mà cả hoạt động tự điều tiết như chuyển nhượng dự án/mua bán-sáp nhập./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục