Chiến lược Syria của Nga - Tâm điểm sau khi Mỹ rút quân

Mặc dù chiến lược của Điện Kremlin đối với khu vực Trung Đông đã được điều chỉnh từ trước khi Mỹ quyết định rút quân, song bối cảnh mới nảy sinh có thể sẽ là cuộc thử nghiệm cho chiến lược của Nga.
Chiến lược Syria của Nga - Tâm điểm sau khi Mỹ rút quân ảnh 1Đoàn xe quân sự Mỹ tại làng Yalanli, ngoại ô phía Tây thành phố Manbij, miền Bắc Syria ngày 5/3/2017. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Mạng tin nationalinterest, thông báo của Mỹ về việc rút quân khỏi Syria hồi tháng 12/2018 đã khiến Nga vô cùng bất ngờ.

Mặc dù chiến lược của Điện Kremlin đối với khu vực Trung Đông đã được điều chỉnh từ trước khi Mỹ quyết định rút quân, song bối cảnh mới nảy sinh có thể sẽ là cuộc thử nghiệm cho chiến lược của Nga, do đó càng thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế.

Mặc dù Tổng thống Nga Vladimir Putin một vài lần tuyên bố rằng Nga đã giành chiến thắng và sẽ rút quân khỏi Syria, song thực tế ông đã không giữ lời, và các quan chức Nga có thể sẽ tìm cách chớp cơ hội mà tuyên bố bất ngờ của Washington mang lại.

Cho dù điều này là sự thật, nhiều người ở Moskva tin rằng Washington sẽ vẫn hiện diện tại khu vực thông qua các hoạt động của CIA hoặc các cố vấn quân sự, cũng như sử dụng các cơ sở của Mỹ tại Jordan và Iraq nhằm tiếp tục kiểm soát Iran và tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Trên thực tế, đối với Điện Kremlin, điều quan trọng là cần xem Mỹ hành động trên thực tế như thế nào trước khi Moskva quyết định điều chỉnh chiến lược nhiều tầng nấc của mình. Dù Washington tuyên bố sẽ giảm bớt vai trò của mình, song các hoạt động ngoại giao của Điện Kremlin không nên thay đổi nhiều.

Moskva quyết tâm Hành động mạnh mẽ hơn và tận dụng những sáng kiến của mình - vốn đã được thực hiện từ năm 2018 và được điều chỉnh phụ thuộc vào bối cảnh địa chính trị. Nếu tiếp tục, các cuộc đàn phán tại Astana về vấn đề Syria chắc chắn sẽ đóng vai trò ngày càng quan trọng.

Mặc dù bị nghi ngờ trong giai đoạn đầu, song đàm phán Astana đã vượt qua phần lớn các thách thức và sẽ trở thành nơi Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ có thể thẳng thắn giải quyết những bất đồng. Tuy nhiên, đàm phán Astana có thể sẽ phải đối mặt với một "cuộc kiểm tra sức bền" từ hàng loạt thách thức về kinh tế và địa chính trị, trong bối cảnh cả 3 nước ngày càng thù địch nhau.

[Chính quyền Tổng thống Trump thật sự bối rối trong chính sách Syria?]

Bất chấp những lợi ích đạt được từ mối quan hệ hợp tác chặt chẽ, Nga và Iran vẫn rất thận trọng. Điện Kremlin hiện ngầm lo ngại về chính phủ Iran - vốn đang tìm cách thúc đẩy tư tưởng Khomeini, và có khả năng tạo ra một "quả bom hẹn giờ" bằng cách thay đổi nhân khẩu học sắc tộc theo hướng có lợi cho Hồi giáo dòng Shi'ite.

Moskva cũng lo ngại về hoạt động củng cố lực lượng chống Israel của Iran mà đi đầu là Hezbollah, và cái cớ mà nước này đưa ra để áp đặt sự kiểm soát đối với một vùng lãnh thổ rộng lớn: từ Tehran tới Địa Trung Hải.

Trong bối cảnh hầu như không ai nghi ngờ gì rằng chế độ hiện tại của Syria sẽ tiếp tục tồn tại, cho dù có Tổng thống Syria Bashar al-Assad hay không, Tehran chắc chắn sẽ tìm cách kìm kẹp Damascus mạnh hơn. Đồng thời, hợp tác quân sự với Moskva có thể sẽ được thay thế bằng tranh giành ảnh hưởng. Tóm lại, các chiến thuật của Điện Kremlin sẽ được định hình bằng khả năng của Nga trong việc tránh một sự đối đầu như vậy và tận dụng hơn nữa các hoạt động ngoại giao cấp cao để tạo ra sự ổn định địa chính trị.

Mặc dù "chướng ngại vật" Nga-Iran chỉ là suy đoán, song Thổ Nhĩ Kỳ là một thách thức khá rõ ràng. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố "trao" Syria cho Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, và Ankara đang tìm cách mở rộng tầm với của mình và xác nhận quyền kiểm soát đối với một số khu vực.

Mặc dù "bị trói tay" vì những nghĩa vụ với Washington và chắc chắn bất đắc dĩ phải khởi động một chiến dịch quân sự khác ở miền Bắc Syria, song Thổ Nhĩ Kỳ sẽ vẫn háo hức thực hiện một chiến dịch mạnh tay hơn chống Lực lượng Bảo vệ Nhân dân người Kurd (YPG) và Liên minh Dân chủ người Kurd ở Syria (PYD). PYD dường như rất dễ bị tổn thương nếu Mỹ rút khỏi Syria.

Cả Moskva và các chủ thể khu vực khác, như Ai Cập hay Các Tiểu Vương quốc Arập Thống nhất (UAE), đều không mong muốn chứng kiến Thổ Nhĩ Kỳ mở rộng ảnh hưởng của nước này. Tuy nhiên, Điện Kremlin là thế lực duy nhất có khả năng kiềm chế những tham vọng của Erdogan bằng cách trao đổi sự ủng hộ chính trị và sức mạnh cứng với Ankara.

Nga muốn Thổ Nhĩ Kỳ giành quyền kiểm soát miền Bắc Syria và giải quyết vấn đề Idlib - thành trì cuối cùng của lực lượng đối lập. Moskva có khả năng sẽ để YPG trở thành một phần của thỏa thuận "trao đổi" về Idlib, trong khi vẫn tìm cách tăng cường trao đổi trực tiếp giữa Ankara và Damascus.

Mặc dù ở một mức độ nào đó, Nga sẽ vẫn được phép toàn quyền kiểm soát một chiến dịch ở Idlib, song viễn cảnh này không nên gây tổn hại tới những lợi ích an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ hay vị thế ở trong nước của ông Erdogan trước thềm cuộc bầu cử sẽ diễn ra vào ngày 31/3 tới.

Nhìn chung, các mục tiêu ngoại giao của Nga sẽ tập trung vào việc xây dựng một ủy ban lập hiến, gây quỹ để tái thiết đất nước và tìm cách tạo điều kiện thuận lợi nhất để tiếp nhận những người tị nạn trở về. Điện Kremlin sẽ làm tất cả những gì có thể để tránh tình trạng trì trệ, trong khi nỗ lực duy trì liên lạc một cách hiệu quả với đại diện mới của Liên hợp quốc về vấn đề Syria, Geir Pedersen.

Quyết định thành lập một ủy ban lập hiến sẽ cần Nga phải mở rộng quan hệ với nhiều nhóm đối lập hơn và các hội đồng địa phương. Với vị thế của một cường quốc, Nga sẽ khiến có thêm nhiều nhóm đối lập mong muốn trở lại bàn đàm phán.

Moskva hiện đang quan ngại về kêu gọi nước ngoài gây quỹ vì có khả năng đe dọa vị thế khu vực của Nga ở Syria, tuy nhiên nước này nhận thức được việc cần phải đi đầu trong công cuộc kiến thiết Syria. Tình trạng đói nghèo cùng cực, kèm theo việc đất nước bị phá hủy nghiêm trọng, tạo ra một mảnh đất "màu mỡ" cho chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan, khiến tất cả các bên có nguy cơ đều thua cuộc.

Tuy nhiên, việc gây quỹ có thể là một nhiệm vụ khó khăn. Một cơ quan của LHQ ước tính rằng chiến tranh đã khiến Syria thiệt hại khoảng 388 tỷ USD và nền kinh tế nghèo nàn hiện nay của Moskva chẳng thể hỗ trợ được gì nhiều. Mọi con mắt đang nhìn về các nền quân chủ giàu dầu mỏ của Vịnh Persia.

Mặc dù còn tồn tại tranh cãi, song Nga hiểu được yêu cầu của các nước Arập về việc tạo ra chỗ đứng tại khu vực trong bối cảnh địa chính trị mới. Washington rút khỏi Syria nghĩa là liên minh do Saudi Arabia đứng đầu phải đứng ra đương đầu với một Iran ngày càng mở rộng. Iran đang tiếp tục củng cố khả năng kiểm soát các chế độ ở Iraq và Syria, cùng một số cuộc xung đột được nước này ủy nhiệm ở Yemen và Liban. Moskva coi đây là một cơ hội để triển khai các nỗ lực ngoại giao và điều chỉnh chiến lược khu vực của mình.

Các quốc gia trong Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh hiểu rằng Assad quá phụ thuộc vào Tehran, và rất khó để Syria tách rời khỏi Iran, do đó Điện Kremlin có thể trở thành một kênh ổn định để duy trì liên lạc với Iran. Không giống Iran, Nga được đánh giá là nước có khả năng tạo ra sự ổn định, có thể giải quyết những lo ngại của liên minh do Saudi Arabia đứng đầu.

Để hiệu ứng của chiến dịch Syria lan tỏa ra khắp khu vực Trung Đông là mục tiêu mà Điện Kremlin ấp ủ từ ban đầu. Cuộc xung đột này luôn bị coi là công cụ để thể hiện rằng Nga là một cường quốc thế giới. Trong bối cảnh Trump từ bỏ Syria, Moskva tự cho rằng đó là chiến thắng của nước này và làm tăng thêm vốn chính trị của Moskva, giúp nước này vươn tới các đối tác châu Âu như Pháp, Đức, và cả Liên minh châu Âu (EU).

Cuối cùng, Nga đang dùng Syria để làm cơ sở thay đổi chiến lược khu vực dài hạn của mình. Moskva vẫn đề phòng khả năng các chủ thể cực đoan phi nhà nước như IS trỗi dậy, song cũng tính tới việc thay đổi cách tiếp cận đối với những chủ thể mang tính cơ hội. Một lần nữa, Điện Kremlin muốn khẳng định họ là một trung gian công bằng, không thiên vị.

Moskva muốn các nước khác thừa nhận Nga là một cường quốc có khả năng tạo ra các cơ hội đều nhau, cho dù là trong lĩnh vực năng lượng, quân sự hay xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp, cũng như duy trì sự cân bằng về an ninh và địa chính trị với tất cả các bên./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục