Chính phủ Nam Phi đề nghị triển khai 25.000 binh sỹ trấn áp bạo động

Bộ trưởng Quốc phòng Nosiviwe Mapisa-Nqakula cho biết bà đã trình Tổng thống Cyril Ramaphosa kiến nghị tăng cường thêm 25.000 binh sỹ, song chưa rõ khi nào số binh sỹ này sẽ được triển khai xuống phố.
Chính phủ Nam Phi đề nghị triển khai 25.000 binh sỹ trấn áp bạo động ảnh 1Các đối tượng cướp phá tại một cửa hàng ở Johannesburg (Nam Phi) ngày 12/7/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Chính phủ Nam Phi ngày 14/7 đã đề nghị Tổng thống Cyril Ramaphosa tăng cường quân đội, triển khai khoảng 25.000 binh sỹ nhằm trấn áp tình trạng bạo động kéo dài sang ngày thứ 6 liên tiếp, trong bối cảnh lo ngại thiếu lương thực và nhiên liệu, hậu quả của sự đứt quãng trong hoạt động nông nghiệp, sản xuất và lọc dầu.

Phát biểu trước Quốc hội, Bộ trưởng Quốc phòng Nosiviwe Mapisa-Nqakula cho biết bà đã trình Tổng thống Cyril Ramaphosa kiến nghị tăng cường thêm 25.000 binh sỹ, song chưa rõ khi nào số binh sỹ này sẽ được triển khai xuống phố.

Chính phủ Nam Phi đang chịu sức ép phải tăng cường quân đội nhằm nhanh chóng chấm dứt tình trạng bao lực đang làm ảnh hưởng đến nền kinh tế vốn gặp rất nhiều khó khăn. Cơ quan quản lý hàng tiêu dùng ước tính hơn 800 cửa hàng bán lẻ đã bị cướp phá, ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng và các mạng lưới vận tải, đặc biệt ở tỉnh KwaZulu-Natal, tác động đến hàng hóa và dịch vụ trên cả nước.

Chính phủ Nam Phi cho biết 208 vụ trộm cướp và cố ý phá hoại đã được ghi nhận trong ngày 14/7, khi số binh sỹ được triển khai đã tăng gấp đôi, lên 5.000 người. 72 người đã thiệt mạng và hơn 1.200 người bị bắt giữ.

[Liên minh châu Phi lên án các hành động biểu tình bạo lực ở Nam Phi]

Tổng thống Ramaphosa đã gặp các lãnh đạo chính trị và cảnh báo nhiều nơi trên cả nước "có thể sớm cạn kiệt nhu yếu phẩm." Công ty vận tải Transnet của nhà nước ngày 14/7 đã tuyên bố "tình trạng khẩn cấp vượt ngoài tầm kiểm soát" tại tuyến đường sắt trọng yếu nối Johannesburg tới bờ biển.

Tại thành phố cảng Durban, hàng trăm người xếp hàng trước các cửa hàng lương thực nhiều giờ liền trước khi mở cửa. Ô tô cũng xếp nhiều hàng dài bên ngoài các trạm bơm nhiên liệu. Ngày 13/7, cơ sở lọc dầu lớn nhất nước SAPREF đã phải đóng cửa nhà máy ở Durban, nơi cung cấp 1/3 nhiên liệu cho cả nước.

Tại thị trấn Soweto ở Johannesburg, bánh mì đã được bán tại xe vận chuyển ở bên ngoài một khu mua sắm vì các cửa hàng đã bị cướp hoặc buộc phải đóng cửa do lo ngại bị phá hoại.

Bạo lực cũng làm ngắt quãng nỗ lực tiêm vaccine ngừa COVID-19, cũng như hoạt động chuyển thuốc tới các bệnh viện. Nam Phi hiện là nước bị ảnh hưởng nhiều nhất châu Phi, đã ghi nhận hơn 2,2 triệu ca nhiễm và đang ở điểm đỉnh của làn sóng lây nhiễm thứ 3.

Giám đốc điều hành tổ chức nhà nông lớn nhất Nam Phi (AgriSA), ông Christo van der Rheede cảnh báo nếu luật pháp và trật tự không được lập lại, "chúng ta sẽ phải chứng kiến cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn."

Bạo lực leo thang sau khi cựu Tổng thống Zuma tự ra trình diện cảnh sát hôm 7/7 để thi hành án tù 15 tháng với tội danh bất tuân lệnh triệu tập của tòa án. Bạo lực bắt nguồn từ sự kích động về chính trị hoặc sắc tộc, nhưng sau đó đã trở thành những hành vi tội phạm, như cướp phá và trộm cắp.

Đầu tuần này, Tổng thống Ramaphosa đã triển khai 2.500 binh sỹ để hỗ trợ các lực lượng cảnh sát. Người dân địa phương cũng đã thành lập các nhóm dân phòng để bảo vệ hạ tầng cơ sở tại địa phương./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục