Chính trường Iraq sau vụ ám sát thủ tướng al-Kadhim bất thành

Âm mưu ám sát bất thành nhằm vào Thủ tướng Iraq Mustafa al-Kadhimi sẽ làm gia tăng nguy cơ xung đột bạo lực giữa các lực lượng vũ trang nhà nước và phi nhà nước ở quốc gia này.
Chính trường Iraq sau vụ ám sát thủ tướng al-Kadhim bất thành ảnh 1Thủ tướng Iraq Mustafa al-Kadhimi. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Âm mưu ám sát bất thành nhằm vào thủ tướng Iraq sẽ làm gia tăng nguy cơ xung đột bạo lực giữa các lực lượng vũ trang nhà nước và phi nhà nước ở quốc gia này.

Tuy nhiên, vụ việc này cũng có thể mở ra một hướng đi mới tiến tới các cuộc đàm phán thành lập chính phủ. Đây là nhận định của Stratfor, trang mạng chuyên phân tích thông tin địa chính trị toàn cầu có trụ sở tại Mỹ, trong một bài viết đăng mới đây.

Hiện vẫn chưa có lực lượng nào chính thức thừa nhận trách nhiệm về vụ ám sát bất thành Thủ tướng Iraq Mustafa al-Kadhimi hôm 6/11 vừa qua. Tuy nhiên, lực lượng dân quân được Iran hậu thuẫn và có quan hệ với Liên minh Fatah nhiều khả năng chính là thủ phạm.

Liên minh Fatah là một nhánh chính trị của liên minh đa đảng Hashed al-Shaabi của Iraq vốn từng là một lực lượng bán quân sự thân Iran. Lý do là lực lượng này hiện đang có nhiều tranh chấp với Thủ tướng al-Kadhimi đương nhiệm, chưa kể tới động cơ của họ muốn gây ảnh hưởng tới quá trình đàm phán thành lập chính phủ sau cuộc bầu cử đầy tranh cãi hôm 10/10 vừa qua tại Iraq.

Ba thành viên lực lượng dân quân có quan hệ với Liên minh Fatah nói trên đã bị bắt giữ và chuyển cho cơ quan xét xử sau cuộc họp của giới lãnh đạo chủ chốt tại Iraq hôm 9/11 vừa qua về vụ ám sát. Điều này cho thấy giới lãnh đạo Iraq đã đạt được nhất trí rằng những chiến binh do Iran hậu thuẫn này chính là những kẻ phải chịu trách nhiệm đối với mưu đồ bất thành.

[Thủ tướng Iraq: Đã xác định thủ phạm gây ra vụ ám sát hụt]

Khi nhậm chức hồi tháng 5/2020, một trong những cam kết chính mà Thủ tướng al-Kadhimi đưa ra là sẽ kiểm soát không để các lực lượng dân quân tự tác hành động mà không phải chịu trách nhiệm gì. Điều này đã dẫn tới tình trạng xung đột giữa các lực lượng an ninh của chính phủ Iraq và các lực lượng dân quân, nhất là những nhóm được Iran tài trợ và hậu thuẫn.

Ngoài ra, Liên minh Fatah, vốn đại diện cho phần lớn Các đơn vị huy động nhân dân (PMU) hậu thuẫn chính phủ Iraq, chỉ giành được 16 ghế trong cuộc bầu cử hôm 10/10 vừa qua, quá ít so với 48 ghế họ từng được nắm giữ trước đây.

Trong những tuần sắp tới, các hoạt động ứng phó của chính phủ Iraq đối với vụ ám sát làm gia tăng nguy cơ các lực lượng dân quân tại Iraq nung nấu ý định trả đũa. Đương nhiên, chính phủ Iraq sẽ truy tìm, bắt giữ và khởi tố những tay súng trong các nhóm dân quân này để trừng phạt những thủ phạm gây ra vụ ám sát hụt Thủ tướng al-Kadhimi đồng thời cũng nhằm ngăn chặn những hành động tương tự trong tương lai.

Ba kẻ vừa bị chuyển sang cơ quan điều tra có thể đáp ứng được mục tiêu của chính phủ Iraq trong lúc này. Tuy nhiên, việc bắt giữ ba nhân vật này có thể kích động các lực lượng dân quân khác trả đũa chính phủ. Thế nhưng, ngay cả khi trả đũa như vậy thì những người đứng đầu các lực lượng dân quân này và Iran đều không thể kiểm soát hoàn toàn tình hình.

o đó, Iraq sẽ vẫn rơi vào vòng xoáy bạo lực. Các cuộc đụng độ đẫm máu hoàn toàn có thể xảy ra giữa các tay súng của chính các phe nhóm dân quân cũng như giữa các lực lượng dân quân này với các lực lượng an ninh chính phủ và thêm nhiều mưu đồ ám sát nữa sẽ xảy ra.

Vì vậy, cuộc họp hôm 9/11 vừa qua mà kết quả sau đó là việc bắt giữ để xét xử ba thành viên nhóm dân quân đã có sự tham dự của Tổng thống Iraq Barham Salih, cựu thủ tướng Iraq, bộ trưởng tư pháp và ông Qais al-Khazali, lãnh đạo lực lượng Asaib Ahl al-Haq do Iran hậu thuẫn.

Chính trường Iraq sau vụ ám sát thủ tướng al-Kadhim bất thành ảnh 2Binh sỹ Iraq gác tại khu vực Vùng Xanh ở Baghdad, sau vụ ám sát bất thành nhằm vào Thủ tướng Iraq Mustafa al-Kadhimi, ngày 7/11 vừa qua. (Ảnh: THX/TTXVN)

Sự tham dự của ông al-Khazali trong cuộc họp với giới chức lãnh đạo chính phủ Iraq cho thấy nỗ lực từ phía các lực lượng dân quân muốn "hạ nhiệt" nguy cơ bạo lực leo thang do các bên trả đũa nhau. Tuy nhiên, chính những người đứng đầu các lực lượng dân quân này cũng không thể đảm bảo rằng họ trực tiếp kiểm soát được mọi hành động của chính những thành viên của họ.

Lâu nay, Lực lượng Vệ binh Cách mạng của Iran (IRGC) đóng vai trò chính trong việc huấn luyện và trang bị vũ khí cho các nhóm dân quân ở Iraq có quan hệ với Liên minh Fatah. Tuy nhiên, IRGC không phải là tổ chức trực tiếp đưa ra những mệnh lệnh đối với mọi hoạt động mà các lực lượng dân quân ở Iraq tiến hành. Điều này khiến IRGC cũng không thể yêu cầu các nhóm dân quân ở Iraq hạ nhiệt hoặc kích động tình hình hiện nay.

Ngay sau mưu đồ ám sát bất thành, Tướng Esmail Qaani của IRGC đã tới Baghdad và cuộc gặp với lãnh đạo các phe nhóm dân quân của Iraq trong nỗ lực nhằm kiểm soát thiệt hại. Mặc dù vai trò chính trị của Iran tại Iraq vẫn rất mạnh mẽ nhưng ban lãnh đạo IRGC vẫn phải thận trọng kiểm soát tình hình nhằm tránh vấp phải những chỉ trích công khai và những lời kêu gọi hạn chế tầm ảnh hưởng của Tehran ở Baghdad.

Rõ ràng, vụ ám sát bất thành Thủ tướng Iraq al-Kadhimi có thể ảnh hưởng xấu tới tiến trình đàm phán thành lập chính phủ tại đây và nhiều khả năng mở đường cho một sự thỏa hiệp trong tương lai không xa. Vụ việc xảy ra chỉ vài tuần sau khi các nhóm dân quân do Iran hậu thuẫn mất đi số ghế đáng kể tại nghị viện sau cuộc bầu cử ở Iraq và trong bối cảnh các cuộc đàm phán để thành lập chính phủ ở Iraq vẫn còn nhiều tranh cãi.

Thời điểm xảy ra vụ tấn công nhằm ám sát Thủ tướng al-Kadhimi cũng cho thấy một số thành viên lực lượng dân quân đang muốn gây ảnh hưởng chính trị bằng những hoạt động uy hiếp và đe dọa bạo lực.

Tuy nhiên, âm mưu bất thành của họ sẽ không chỉ dẫn đến những hoạt động thắt chặt an ninh để bảo vệ lãnh đạo chính phủ Iraq mà còn có thể khiến thủ tướng nước này tăng cường hơn nữa những nỗ lực kiểm soát hoạt động của các lực lượng dân quân ở Iraq thông qua các hoạt động bắt giữ, điều tra và thậm chí triển khai lực lượng chính phủ đến tận những căn cứ của các phe phái dân quân tại quốc gia này.

Chính vụ việc ám sát không thành này cũng sẽ làm gia tăng làn sóng kêu gọi không cho Liên minh Fatah tham gia vào chính phủ sắp tới bằng cách kêu gọi các lực lượng chính phủ bảo vệ nền chính trị Iraq và không chùn bước trước những chiến thuật đe dọa bằng bạo lực do các phe phái dân quân tiến hành./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục