Theo trang mạng zeit.de, có những người cho rằng tổng thống Mỹ theo đường lối dân tộc chủ nghĩa Donald Trump xứng đáng đoạt giải Nobel Hòa bình. Một số người nói rằng nếu nữ ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ Hillary Clinton năm 2016 chiến thắng, điều đó sẽ dẫn tới chiến tranh, trong khi với ông Trump thì ngược lại, ông chỉ muốn đưa lính Mỹ trở về nhà.
Họ vẫn nghĩ rằng chủ nghĩa bảo hộ quốc gia là một phản ứng dễ hiểu trong thời đại toàn cầu hóa. Và họ nói rằng chủ nghĩa dân tộc chỉ đơn thuần là sự tự bảo vệ mà thôi. Nếu người châu Âu nghĩ như thế thì đó là một sự nhầm lẫn tồi tệ. Còn nếu đó là suy nghĩ của người Mỹ sau 4 năm ông Trump cầm quyền và trước cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 3/11 tới, đây chính là một mối đe dọa lớn đối với hòa bình thế giới.
Chủ nghĩa dân tộc đã quay trở lại. Một hệ tư tưởng đã hai lần hủy hoại châu Âu trong thế kỷ 20 và phải chịu trách nhiệm cho cái chết của hơn 100 triệu người trên khắp thế giới ngày nay lại đang có vai trò quyết định các mối quan hệ quốc tế.
Người ta có thể nghĩ rằng hệ tư tưởng này sẽ mãi mãi biến mất, và những tội ác như vậy không thể xảy ra một lần nữa. Thế nhưng, những nhà dân tộc chủ nghĩa đang đưa ra đề nghị có vẻ thuyết phục đối với người dân đang cảm thấy bị đe dọa bởi dịch bệnh, khủng hoảng tị nạn, cuộc chiến thương mại và suy thoái kinh tế.
Họ ca ngợi chủ nghĩa dân tộc, coi chủ nghĩa quốc gia, dân tộc là nơi bảo vệ tuyệt vời cho họ thay vì chủ nghĩa đa phương. Họ luôn tuyên truyền về một “chủ nghĩa dân tộc tốt đẹp," “chủ nghĩa dân tộc ôn hòa”. Bảo vệ và che chở là những ảo tưởng mà các nhà độc tài thường sử dụng để thu hút phiếu bầu của cử tri.
Chúng ta đang nói đến những người lãnh đạo các cường quốc trên thế giới như ông Trump ở Mỹ và ông Vladimir Putin ở Nga. Lãnh đạo các quốc gia nhỏ hơn như Recep Tayyip Erdogan ở Thổ Nhĩ Kỳ, Victor Orban ở Hungary hay Boris Johnson ở Anh cũng nằm trong số đó. Tất cả họ đều lợi dụng chủ nghĩa dân tộc để đạt được hoặc tiếp tục nắm giữ quyền lực. Với họ mà nói, chủ nghĩa dân tộc không phải là niềm tin sâu sắc. Họ chỉ sử dụng hệ tư tưởng này như một công cụ để thực hiện chính sách đối nội và đối ngoại của mình.
Trong khi đó, ông Tayyip Erdogan đã thay nhanh chóng thay đổi đồng minh sau thất bại trong một cuộc bầu cử vào năm 2015. Ông đã dừng những nỗ lực để đến gần hơn với người Kurd và các đại diện chính trị của họ.
Không lâu sau, ông chấm dứt liên minh với những người theo chủ nghĩa dân tộc - những người luôn là đối thủ của ông. Liên minh mới ở Thổ Nhĩ Kỳ bao gồm điều thành phần, trong đó có những người cực đoan cánh hữu, người dân tộc chủ nghĩa.
Ngay sau khi Tayyip Erdogan đổi hướng sang chủ nghĩa dân tộc, cuộc chiến tranh tàn khốc với người Kurd nổ ra năm 2016. Tiếp sau đó, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và các đồng minh của họ đã can thiệp vào Syria, Iraq, Libya.
Và gần đây nhất Thổ Nhĩ Kỳ của Tayyip Erdogan đã đe dọa chiến tranh với Hy Lạp trong tranh chấp chủ quyền ở Địa Trung Hải.
Victor Orban bắt đầu bước vào sân khấu chính trị ở Trung Âu từ những năm 90 của thế kỷ trước với tư cách là một người theo chủ nghĩa tự do, nhưng sau đó đã đạt đến đỉnh cao quyền lực với tư cách một nhà dân tộc chủ nghĩa.
Là một thành viên của EU- có lẽ là một dự án hòa bình thành công nhất trong lịch sử nhân loại - Victor Orban không dễ để có thể khơi nguồn một cuộc chiến. Nhưng ông đang chuẩn bị cho ngày X, ngày mà ông có thể trả thù cho những bất công mà người Hungary đã phải chịu đựng trước đây.
Trong Hòa ước Trianon được ký kết cách đây 100 năm tại Paris, Hungary đã mất đi 2/3 lãnh thổ của mình, hàng triệu người gốc Hungary đang phải sinh sống tại Romania, Serbia, Slovakia.
Hungary vẫn âm thầm tự trang bị vũ khí cho mình, nhưng công chúng châu Âu không chú ý tới. Năm ngoái, nước này là khách hàng lớn nhất của ngành công nghiệp vũ khí của Đức. Lý do người châu Âu không chú ý tới điều này là do Hungary là một thành viên của khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ - nước đã gây chiến và đe dọa gây chiến ở nhiều nơi - cũng là một thành viên NATO.
Donald Trump là tổng thống của quốc gia lớn nhất trong NATO. Những người trung thành của ông Trump tại báo Fox News đã nhiều lần tuyên truyền rằng ông Trump sẽ chấm dứt “kỷ nguyên chủ nghĩa đế quốc của Mỹ” cũng như chấm dứt can thiệp vào Trung Đông, châu Á và Mỹ Latinh, đồng thời đưa những người lính Mỹ trở về nhà.
Nhưng thực tế cho thấy, ông Trump là người theo chủ nghĩa dân tộc sâu sắc, khác nhiều so với những người tiền nhiệm của ông. Ông chính là cha đẻ của các cuộc chiến thương mại ngày nay.
Ông đã đẩy Mỹ vào guồng quay các biện pháp trừng phạt qua lại với những đồng minh thân thiết nhất của mình, đồng thời phá hủy mối quan hệ cùng có lợi với Trung Quốc. Ông áp đặt các biện pháp trừng phạt trên khắp thế giới, kể cả châu Âu cũng không ngoại lệ. Chiến tranh thương mại cũng là chiến tranh - cuộc chiến đã phá hủy sinh kế của hàng triệu con người.
Lý do một chính trị gia của Na Uy đề xuất tặng giải Nobel Hòa bình cho Tổng thống Trump là do ông đã có công trong việc Israel chính thức thiết lập quan hệ hòa bình với Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Bahrain và Oman. Nhưng trong thực tế, từ lâu 3 quốc gia Arab này đã có quan hệ một cách không chính thức với Israel rồi, chỉ là không ai biết điều đó mà thôi. Giờ đây họ thiết lập quan hệ chính thức vì người Israel và người Arab không còn muốn che giấu quan hệ đồng minh của họ để chống lại người Iran nữa.
[WHO kêu gọi chấm dứt tình trạng 'chủ nghĩa dân tộc vắcxin']
Ông Trump đang thành lập một liên minh chiến đấu ở Trung Đông, nơi mà ông có thể cung cấp cho họ nhiều loại vũ khí từ các nhà sản xuất Mỹ. Sau thỏa thuận với Israel, Abu Dhabi sẽ nhận được máy bay chiến đấu F-35, loại vũ khí mà họ đã mong muốn từ lâu, để có thể thống trị bầu trời vùng Vịnh. Đối với ông Trump, mục đích thành lập một liên minh chiến tranh hùng mạnh như thế tất nhiên là nhắm tới Iran.
Như vậy, Tổng thống Trump xứng được đề cử nhận giải Nobel Hòa bình hay sao? Rõ ràng là không, ngược lại đây là một lời cảnh báo sâu sắc: chủ nghĩa dân tộc sẽ dẫn tới chiến tranh, ngay cả khi nó được ngụy trang thành chủ nghĩa biệt lập./.