Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề cao các ''đề xuất Bác Ngao''

Phát biểu khai mạc Diễn đàn châu Á Bác Ngao, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã đề cao "các đề xuất Bác Ngao" có giá trị, tập trung vào triển vọng phát triển của châu Á cũng như toàn cầu.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề cao các ''đề xuất Bác Ngao'' ảnh 1Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 10/4, Hội nghị thường niên Diễn đàn châu Á Bác Ngao (BFA) 2018 đã chính thức khai mạc tại thành phố duyên hải Bác Ngao trên đảo Hải Nam của Trung Quốc.

Chủ tịch nước chủ nhà Trung Quốc Tập Cận Bình đã đề cao "các đề xuất Bác Ngao" có giá trị, tập trung vào triển vọng phát triển của châu Á cũng như toàn cầu.

Trong phát biểu khai mạc, Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định "các đề xuất Bác Ngao" đã giúp xây dựng lòng tin tại châu Á, khuyến khích hợp tác, thúc đẩy toàn cầu hóa kinh tế và tăng cường xây dựng một cộng đồng chung vận mệnh. Ông nhấn mạnh: "Điều quan trọng nhất là, đối với mọi quốc gia, để trẻ hóa cần đi theo logic của lịch sử và xu hướng của thời đại trong khi theo đuổi sự phát triển và tiến bộ."

BFA là diễn đàn đối thoại quan trọng, quy tụ các nhà lãnh đạo, doanh nghiệp, chuyên gia và học giả cùng nhau thảo luận về những vấn đề kinh tế-xã hội có ý nghĩa then chốt đối với tương lai của châu Á.

[Diễn đàn châu Á Bác Ngao: Vì một tương lai châu Á thịnh vượng]

Với chủ đề "Một châu Á cởi mở và đổi mới vì một thế giới thịnh vượng hơn," BFA 2018 thu hút sự tham gia của hơn 2.000 đại biểu, trong đó có nhiều nguyên thủ quốc gia và lãnh đạo doanh nghiệp, trong đó có Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres và Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Chritstian Lagarde...

Được coi là Diễn đàn kinh tế thế giới của khu vực châu Á, BFA năm nay có ý nghĩa đặc biệt khi đánh dấu 40 năm cải cách và mở cửa của Trung Quốc, trong bối cảnh nền kinh tế lớn nhất châu Á đang triển khai thực hiện các nghị quyết của Đại hội XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XIX nhằm xây dựng xã hội hiện đại, thịnh vượng về mọi mặt.

Bên cạnh đó, những thách thức mà châu Á đang phải đối mặt, từ an ninh tới môi trường, từ vấn đề cạnh tranh, ảnh hưởng của quá trình toàn cầu hóa đến tác động của xu thế bảo hộ thương mại đang trỗi dậy..., buộc các nền kinh tế châu Á phải tìm ra cách thức ứng phó hiệu quả.

Trước đó, ngày 9/4, cựu Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã được bầu làm Chủ tịch mới của BFA. Ông là một nhà ngoại giao Hàn Quốc kỳ cựu, Tổng Thư ký Liên hợp quốc thứ 8 với nhiệm kỳ kéo dài từ 2007 đến cuối năm 2016. Trước đó, ông cũng từng đảm nhiệm cương vị Ngoại trưởng Hàn Quốc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục