Chuyên gia Đức kêu gọi đàm phán để giải quyết vấn đề Biển Đông

Tiến sỹ Gerhard Will cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử của các bên tại Biển Đông (COC), cho rằng tiến trình đàm phán COC đóng vai trò vô cùng quan trọng.
Chuyên gia Đức kêu gọi đàm phán để giải quyết vấn đề Biển Đông ảnh 1Chuyên gia về Biển Đông Gerhard Will. (Ảnh: Thanh Bình/TTXVN)

Trong bối cảnh tình hình Biển Đông có những diễn biến phức tạp, chuyên gia về Biển Đông người Đức, Tiến sỹ Gerhard Will cho rằng Trung Quốc cần từ bỏ hoạt động quân sự hóa trên Biển Đông, thể hiện sự sẵn sàng hợp tác trong lĩnh vực an ninh, kinh tế trên nền tảng bình đẳng và tuân thủ luật pháp quốc tế.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Đức, Tiến sỹ Gerhard Will cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử của các bên tại Biển Đông (COC), cho rằng tiến trình đàm phán COC đóng vai trò quan trọng trong giải quyết những vấn đề ở Biển Đông.

Theo ông Will, một trong những điều kiện để giải quyết tranh chấp hoàn toàn là các bên liên quan phải tin tưởng nhau, nhằm đưa quá trình đàm phán dựa trên luật pháp quốc tế đi đến thành công. Chuyên gia Đức nêu rõ, Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đóng vai trò quan trọng trong đàm phán COC và các nước thành viên cần phải đoàn kết trong vấn đề này.

Ông Will cũng cho rằng ASEAN cần xây dựng một hệ thống chính sách an ninh bền vững, trong đó có sự tham gia của không chỉ những cường quốc như Mỹ, Trung Quốc mà cả các quốc gia nhỏ hơn trong khu vực như Nhật Bản, Australia và Ấn Độ.

Tiến sỹ Gerhard Will đánh giá, phán quyết mới đây của Tòa trọng tài thường trực (PCA) trong vụ kiện của Phillipines là một văn kiện luật quốc tế quan trọng, cho thấy rõ tính bất hợp pháp của cái gọi là “đường chín đoạn” của Trung Quốc.

[Chuyên gia Nga: Việt Nam không đơn độc trong vấn đề Biển Đông]

Tình hình tại Biển Đông đang diễn biến phức tạp sau khi Trung Quốc dùng tàu hải cảnh ngăn cản và đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam đang hoạt động bình thường tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết, theo thông tin từ các cơ quan chức năng của Việt Nam, tàu cá QNg 90617 TS và các ngư dân Việt Nam đang hoạt động bình thường tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam thì bị tàu hải cảnh Trung Quốc ngăn cản và đâm chìm.

Như đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Hành động trên của tàu công vụ Trung Quốc đã xâm phạm chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, gây thiệt hại về tài sản, đe dọa an toàn tính mạng và lợi ích hợp pháp của ngư dân Việt Nam.

Hành động này cũng đi ngược lại nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước về việc đối xử nhân đạo với ngư dân và Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc, trái với tinh thần Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), gây phức tạp tình hình và không có lợi cho quan hệ hai nước cũng như việc duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông.

Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã liên hệ với đại diện Đại sứ quán Trung Quốc và trao công hàm phản đối, yêu cầu phía Trung Quốc điều tra làm rõ, xử lý nghiêm đối với nhân viên công vụ và tàu hải cảnh Trung Quốc liên quan vụ việc, không để tái diễn những hành động tương tự, đồng thời bồi thường thỏa đáng các thiệt hại cho ngư dân Việt Nam./

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục