Cử tri Kyrgyzstan bỏ phiếu ủng hộ các biện pháp cải cách hiến pháp

Cử tri Kyrgyzstan đã bỏ phiếu tán thành một loạt biện pháp cải cách hiến pháp ở nước này, theo đó hạn chế quyền hạn của văn phòng tổng thống trong khi mở rộng thẩm quyền của thủ tướng.
Cử tri Kyrgyzstan bỏ phiếu ủng hộ các biện pháp cải cách hiến pháp ảnh 1(Nguồn: DPA)

Ngày 11/12, cử tri Kyrgyzstan đã bỏ phiếu tán thành một loạt biện pháp cải cách hiến pháp ở nước này, theo đó hạn chế quyền hạn của văn phòng tổng thống trong khi mở rộng thẩm quyền của thủ tướng.

Kết quả sơ bộ chính thức của Ủy ban bầu cử cho thấy có tới 79,67% cử tri đã ủng hộ các nội dung sửa đổi hiến pháp. Tuy nhiên, chỉ có 40% số cử tri hợp lệ đã tham gia bỏ phiếu.

Cuộc trưng cầu ý dân về sửa đổi hiến pháp lần này được Quốc hội và cơ quan tư pháp thúc đẩy xúc tiến bất chấp điều luật quy định hiến pháp hiện hành phải được duy trì cho đến năm 2020.

Nếu được thông qua, hiến pháp mới cho phép thủ tướng có quyền quyết định các vấn đề liên quan đến ngân sách, được bổ nhiệm và cách chức vị trí các bộ trưởng mà không cần sự phê chuẩn của Quốc hội hoặc tổng thống.

Tổng thống Kyrgyzstan Almazbek Atambayev rước đó đã nhiều lần bác bỏ các cáo buộc rằng khi nhiệm kỳ 6 năm của ông kết thúc vào năm 2017, ông sẽ chuyển sang đảm nhận vai trò thủ tướng vừa được tăng cường.

Cuối tháng 10 vừa qua, Chính phủ Kyrgyzstan đã buộc phải từ chức sau sự sụp đổ của liên minh cầm quyền gồm 4 chính đảng chiếm đa số trong quốc hội quốc gia Trung Á này.

Một tuần sau đó, đảng Dân chủ Xã hội của Tổng thống Atambayev - một đảng lớn trong Quốc hội Kyrgyzstan, đã thành lập một liên minh mới đồng thời đề cử ông Sooronbai Jeenbekov đảm nhiệm cương vị thủ tướng trong chính phủ mới.

Mặc dù là quốc gia được coi là dân chủ nhất khu vực Trung Á, Kyrgyzstan thường xuyên phải đối mặt với tình trạng bất ổn cản trở sự phát triển kinh tế và chính trị.

Năm 2010, Kyrgyzstan rơi vào tình trạng hỗn loạn khi xảy ra cuộc nổi dậy đẫm máu và bạo lực sắc tộc ở miền Nam khiến hơn 500 người thiệt mạng.

Hiến pháp hiện nay của Kyrgyzstan được thông qua sau cuộc trưng cầu ý dân hồi năm 2010, chỉ vài tuần sau cuộc xung đột sắc tộc nói trên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục