Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung: Tác nhân làm ấm quan hệ Trung-Nhật-Ấn

Theo trang mạng eurasiareview.com, mặc dù cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đe dọa nghiêm trọng đến sự tăng trưởng toàn cầu, song nó lại khiến mối quan hệ Nhật-Trung và Ấn-Trung trở nên “dịu mát” hơn.
Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung: Tác nhân làm ấm quan hệ Trung-Nhật-Ấn ảnh 1Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (phải) và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng eurasiareview.com, mặc dù cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đe dọa nghiêm trọng đến sự tăng trưởng toàn cầu, song nó lại khiến mối quan hệ Nhật-Trung và Ấn-Trung trở nên “dịu mát” hơn.

Nhật Bản và Ấn Độ là hai quốc gia mà Trung Quốc có sự cạnh tranh chính trị lâu đời.  

Tuy nhiên, cuộc chiến thương mại đã đảo ngược tình hình. Trung Quốc cố gắng tìm kiếm một mối quan hệ kinh tế tốt hơn với cả hai nước này để đối trọng với những trở ngại từ cuộc chiến thương mại.

Ngoài mặt, cả Nhật Bản và Ấn Độ đều đáp lại lời đề nghị của Trung Quốc để tiến tới một mối quan hệ hòa hợp hơn.

Sự thay đổi của Nhật Bản được minh chứng rõ nét bởi chuyến thăm Bắc Kinh của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hồi tháng 10/2018. Abe đồng ý hợp tác với Trung Quốc để cùng nhau xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng ở các nước thứ ba.

Hơn nữa, chuyến thăm này cũng có ý nghĩa quan trọng hơn bởi nó diễn ra sau 7 năm hai nước trở nên xa cách do Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với quần đảo Senkaku (Điếu Ngư) ở Biển Hoa Đông năm 2012.

Một cách tình cờ, sự bế tắc giữa Trung Quốc và Nhật Bản đã bị lu mờ bởi chính sách bảo hộ thương mại bằng thuế quan vì lợi ích kinh tế của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Cả hai đều nhấn mạnh những thách thức để thúc đẩy hợp tác kinh tế nhằm lấn át chủ nghĩa bảo hộ của Trump bằng việc cùng hoạt động ở quốc gia thứ ba - trước hết là nỗ lực thúc đẩy hợp tác kinh tế và giảm thiểu sự cạnh tranh.

Trong chuyến thăm Bắc Kinh đó, Nhật Bản đã ký kết 50 dự án cơ sở hạ tầng với Trung Quốc tại Thái Lan, bắt đầu bằng việc xây dựng một thành phố thông minh.

[Kỳ đà cản mũi trong quan hệ hợp tác Trung-Nhật]

Đồng thời, Trung Quốc cũng tìm cách giành lấy “trái tim” của Ấn Độ bằng việc đảm bảo lượng nhập khẩu lớn từ Ấn Độ, có lẽ là để xoa dịu sự phẫn nộ của nước này vì thâm hụt thương mại lớn với Trung Quốc.

Xuất khẩu từ Ấn Độ sang Trung Quốc đã tăng 25% từ tháng 6-11/2018 - giai đoạn diễn ra cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Trung Quốc cũng quan tâm đến việc nhập khẩu nông sản từ Ấn Độ để giảm bớt ảnh hưởng từ những tổn thất khi nhập khẩu từ Mỹ.

Trung Quốc cũng muốn đầu tư vào Ấn Độ sau khi đánh mất "thiên đường sản xuất" chi phí thấp, vốn được minh chứng rõ nét trong ngành công nghiệp sản xuất điện tử, chẳng hạn như điện thoại di động.

Điều này có nghĩa là sự cấp bách về kinh tế đã phủ bóng những thù hận về chính trị, điều luôn ngăn cản sự hợp tác kinh tế.

Liệu mối quan hệ mới Nhật-Trung và Ấn-Trung có duy trì được hay không, thời gian sẽ nói lên tất cả.

Việc Trung-Mỹ thực hiện cuộc đình chiến thương mại kéo dài 90 ngày cũng khó có thể chấm dứt thế bế tắc bởi cho đến nay, vẫn chưa xuất hiện nhiều tiến bộ.

Trong bối cảnh mới này, khi mà cả Ấn Độ và Nhật Bản cam kết hợp tác với Trung Quốc và Trung Quốc tìm cách giành lấy sự ủng hộ của cả hai nước để đối trọng với tác động từ các biện pháp thuế quan thương mại của Trump, chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, ngay trước chuyến thăm Trung Quốc của Abe, đã thu hút sự chú ý rộng rãi của các chuyên gia chính trị.

Họ cho rằng có một số tương đồng giữa mối quan hệ của Nhật Bản và Ấn Độ với Trung Quốc. Điển hình như cả hai nước đều phải phụ thuộc thương mại nhiều hơn vào Trung Quốc.

Cả Ấn Độ và Nhật Bản đều quả quyết đưa quan hệ kinh tế với Trung Quốc đi theo những hướng mới.

Nhật Bản cam kết hợp tác với Trung Quốc ở các nước thứ ba, còn Ấn Độ nhấn mạnh sự hợp tác với Trung Quốc để thúc đẩy xuất khẩu nông sản. Ấn Độ đã công bố một chính sách xuất khẩu nông sản mới, xóa bỏ một số hạn chế, và để mắt đến thị trường rộng lớn của Trung Quốc.

Cuối cùng, tác động của chiến tranh thương mại đối với Ấn Độ và Nhật Bản sẽ liên quan đến việc Trung Quốc đưa ra tín hiệu khả quan và có thể giảm thiểu sự gây hấn, chẳng hạn như trong thế bế tắc ở khu vực Doklam hay Biển Đông.

Kể từ sau chiến tranh thương mại, không xuất hiện bất kỳ sự cố lớn nào về việc xâm phạm biên giới với Ấn Độ hay bất kỳ yêu sách nào của Trung Quốc trên Biển Đông.

Trong trường hợp của Ấn Độ và Nhật Bản, mối quan hệ giữa hai nước ngày càng trở nên sâu sắc sau khi Modi viết nên một chương mới. Nguồn gốc của chương mới này là sự thay đổi từ quan hệ đối tác kinh tế chiến lược thành quan hệ đối tác toàn cầu.

Modi nhắc lại rằng Ấn Độ và Nhật Bản là hai nền dân chủ lâu đời nhất châu Á và là hai trong số 3 nền kinh tế lớn nhất khu vực này.

Ông khẳng định thế kỷ 21 sẽ được quyết định bởi các nước châu Á và quan hệ song phương Ấn-Nhật sẽ là động lực cho sự tăng trưởng trong thế kỷ 21.

Dưới thời Modi, quan hệ Ấn-Nhật đã chứng kiến sự thay đổi mô hình từ liên kết thương mại-đầu tư song phương cơ bản sang quan hệ đối tác toàn cầu và chiến lược đặc biệt.

Mối quan hệ này còn được mở rộng bằng việc cùng hợp tác để phát triển kinh tế ở các nước thứ ba và hợp tác quốc phòng.

Để kết hợp với Chính sách hướng Đông của Modi, Nhật Bản cam kết hợp tác với các nước láng giềng của Ấn Độ. Nhật Bản đã tham gia vào các Biên bản ghi nhớ (MOU) để phát triển các dự án nhà ở, giáo dục và điện khí hóa ở Myanmar và tăng cường kết nối đường bộ với Bangladesh bằng việc xây dựng đường 4 làn và xây lại cầu.

Người ta cho rằng sự năng động mới trong quan hệ Trung-Nhật-Ấn sẽ giảm thiểu phạm vi cạnh tranh ở châu Á và thiết lập một nền tảng công bằng để phát triển cơ sở hạ tầng. Indonesia là một trường hợp điển hình.

Nhật Bản đã để mất dự án đường sắt cao tốc ở Indonesia vào tay Trung Quốc, dù Nhật Bản cung cấp công nghệ tốt hơn và phải trải qua nửa thập kỷ đàm phán khó khăn với Chính phủ Indonesia.

Cuộc chiến thương mại, giúp làm tan băng quan hệ Trung-Nhật và tăng cường hợp tác kinh tế Trung-Ấn, sẽ đẩy Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) - hai cơ quan tài chính đa phương lớn của châu Á - xích lại gần nhau hơn.

Cả hai đều là những cơ quan tài trợ lớn cho sự phát triển cơ sở hạ tầng ở châu Á.

Cho đến nay, mối quan hệ giữa hai bên vẫn luôn căng thẳng và đầy cạnh tranh. Chiến tranh thương mại có thể xóa mờ thái độ cạnh tranh giữa hai cơ quan và mở rộng đáng kể nguồn tài trợ cho công cuộc phát triển ở châu Á.

Trong bối cảnh của những kịch bản này, điểm mấu chốt của cuộc chiến thương mại chính là nó sẽ giảm bớt sự thù địch về chính trị giữa 3 nền kinh tế lớn nhất châu Á và mở ra một kỷ nguyên hợp tác kinh tế mới ở châu Á như một "đôi cánh" thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục