Đà Nẵng, Thái Nguyên, Huế tiếp sức các tỉnh, thành phía Nam chống dịch

Bệnh viện C Đà Nẵng tiễn đoàn lên đường chi viện cho Thành phố Hồ Chí Minh; còn đoàn cán bộ y tế thuộc Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên đã đến tỉnh Long An hỗ trợ công tác điều trị bệnh nhân COVID-19.
Đà Nẵng, Thái Nguyên, Huế tiếp sức các tỉnh, thành phía Nam chống dịch ảnh 1Thành viên Đoàn chi viện chụp ảnh lưu niệm cùng các y, bác sỹ trước khi lên đường. (Ảnh: Văn Dũng/TTXVN)

Sáng 12/8, Bệnh viện C Đà Nẵng tổ chức buổi lễ tiễn đoàn lên đường chi viện cho Thành phố Hồ Chí Minh phòng, chống dịch COVID-19 gồm 50 y, bác sỹ, trong đó có 15 bác sỹ, 35 điều dưỡng và 5 kỹ thuật viên y tế.

Tại buổi lễ, bác sỹ Nguyễn Trọng Thiện, Giám đốc Bệnh viện C Đà Nẵng, cho hay trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Bộ Y tế ra quyết định thành lập Bệnh viện dã chiến tại quận Tân Phú (Thành phố Hồ Chí Minh), trong đó Bệnh viện C Đà Nẵng kết hợp với Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Cu ba Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình), Bệnh viện Phong Tuy Hòa, Bệnh Đa khoa tỉnh Quảng Nam hỗ trợ.

Thực hiện quyết định của Bộ Y tế, Bệnh viện C Đà Nẵng đã quyết định thành lập đoàn gồm 100 người, trong đó có 30 bác sỹ, 60 điều dưỡng, 10 kỹ thuật viên sẵn sàng lên đường chi viện Thành phố Hồ Chí Minh phòng, chống dịch.

Trong đợt chi viện lần này, đơn vị đã cử 50 y, bác sỹ lên đường với tinh thần quyết chiến, quyết thắng, góp sức cùng cả nước sớm đẩy lùi dịch bệnh. Bệnh viện C Đà Nẵng đã tổ chức nhiều buổi tập huấn cho tất cả các thành viên trong đoàn về việc thực hiện đúng quy định phòng, chống dịch.

Bác sỹ Lê Ngọc Anh Phương (31 tuổi), công tác tại Khoa Nội tiết - Bệnh viện C Đà Nẵng, chia sẻ trước khi lên đường tôi được gia đình động viên rất nhiều. Ngay từ khi dịch bệnh bùng phát tôi đã sẵn sàng đi chi viện với quyết tâm khi nào dịch bệnh được kiểm soát mới về.

Cán bộ Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên hỗ trợ Long An

Ngày 12/8, Đoàn cán bộ y tế thuộc Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên đã đến tỉnh Long An hỗ trợ công tác điều trị bệnh nhân COVID-19. Đoàn đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Long An và khảo sát thực tế tại Trung tâm Hồi sức tích cực bệnh nhân COVID-19 thuộc Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên tại tỉnh Long An.

Theo Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Công Hoàng, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên (kiêm nhiệm Giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực bệnh nhân COVID-19), Bệnh viện đã cử Đoàn cán bộ y tế gồm 158 người đến hỗ trợ Long An trong việc điều trị bệnh nhân COVID-19.

Đoàn cán bộ gồm có 19 bác sỹ và 80 điều dưỡng có chuyên môn cao, tạm thời bảo đảm quy mô điều trị với 150 giường bệnh tại Trung tâm Hồi sức tích cực bệnh nhân COVID-19, tùy theo tình hình thực tế sẽ mở rộng quy mô giường bệnh và điều động thêm cán bộ y tế.

Để Trung tâm Hồi sức tích cực bệnh nhân COVID-19 đi vào hoạt động thuận lợi, đội ngũ y tế của Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên sẽ bảo đảm các yếu tố về chuyên môn, nhưng chính quyền Long An cần hỗ trợ thêm về công tác hậu cần, vệ sinh môi trường, phương tiện vận chuyển, hỗ trợ xét nghiệm…

[Quảng Bình cử 50 thầy thuốc vào hỗ trợ TP. HCM chống dịch]

Ông Phạm Tấn Hòa, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An, cho biết Trung tâm Hồi sức tích cực bệnh nhân COVID-19 được đặt ở Nhà khách Tổng Liên đoàn Lao động tại Long An nên cơ sở vật chất tương đối tốt. Tỉnh sẽ phân công các đơn vị liên quan hỗ trợ tích cực Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên để đưa Trung tâm vào hoạt động thuận lợi, đáp ứng yêu cầu điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng.

Đà Nẵng, Thái Nguyên, Huế tiếp sức các tỉnh, thành phía Nam chống dịch ảnh 2Công nhân khẩn trương lắp đặt các thiết bị tại Trung tâm Hồi sức tích cực bệnh nhân COVID-19. (Ảnh: Bùi Giang/TTXVN)

Trung tâm Hồi sức tích cực bệnh nhân COVID-19 được thành lập tại tỉnh Long An, theo Quyết định số 3718/QĐ-BYT ngày 4/8/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế. Đây là tuyến cuối trong bậc thang điều trị người mắc COVID-19 tại tỉnh Long An và các tỉnh lân cận, có chức năng tổ chức tiếp nhận, điều trị người bệnh COVID-19 nặng, nguy kịch; chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật trong cấp cứu, hồi sức tích cực và điều trị bệnh nhân COVID-19, chăm sóc người bệnh trong khu vực được phân công…

Hiện Trung tâm Hồi sức tích cực bệnh nhân COVID-19 đã được cơ bản hoàn thành việc thi công các hạng mục như khu điều trị, hệ thống giường, lắp đặt các thiết bị cơ bản… Trong hai ngày tới, Trung tâm sẽ tiếp tục được lắp đặt các thiết bị y tế chuyên môn, để đưa vào hoạt động từ ngày 14/8.

Thiết lập hoạt động Trung tâm Hồi sức người bệnh COVID-19 Trung ương Huế tại Thành phố Hồ Chí Minh

Sáng 12/8, Bệnh viện Trung ương Huế (Thừa Thiên-Huế) tổ chức Lễ xuất quân đoàn 191 cán bộ y tế thiết lập hoạt động Trung tâm Hồi sức người bệnh COVID-19 Trung ương Huế tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Đây là lần thứ tư Bệnh viện Trung ương Huế cử đoàn công tác thiết lập hoạt động của Trung tâm với 91 y, bác sỹ, điều dưỡng, kỹ thuật viên tham gia. Ngoài ra, 100 bác sỹ, điều dưỡng từ Bệnh viện C (Đà Nẵng) và Bệnh viện Việt Nam-Cu Ba (Quảng Bình) cũng xuất quân vào Thành phố Hồ Chí Minh trong dịp này.

Đoàn công tác gồm những nhân viên y tế có trình độ chuyên môn tốt, giàu kinh nghiệm về kỹ thuật chuyên sâu hồi sức cấp cứu như thở máy, liệu pháp thay thế thận, oxy hóa máu qua màng… Các thành viên được tập huấn bài bản các kiến thức về kiểm soát nhiễm khuẩn, chăm sóc bệnh nhân COVID-19 nặng…

Mặc dù có con nhỏ mới 5 tháng tuổi nhưng anh Nguyễn Văn Phong Luân vẫn viết đơn tình nguyện hướng về Thành phố Hồ Chí Minh.

"Sau hai tuần đăng ký, hôm nay tôi rất vinh dự được bước vào trận chiến chống dịch. Là một kỹ thuật viên xét nghiệm, tôi sẽ triển khai các kỹ thuật xét nghiệm sinh hóa huyết học và thực hiện nhiệm vụ khác liên quan đến xét nghiệm tại Trung tâm Hồi sức người bệnh COVID-19 Trung ương Huế tại Thành phố Hồ Chí Minh," anh Luân chia sẻ.

Đà Nẵng, Thái Nguyên, Huế tiếp sức các tỉnh, thành phía Nam chống dịch ảnh 3Các bác sỹ Bệnh viện Trung ương Huế chia tay người thân trước khi vào Thành phố Hồ Chí Minh chống dịch. (Ảnh: Mai Trang/TTXVN)

Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế cho hay, đến nay đã có hơn 400 cán bộ, y, bác sỹ của đơn vị viết đơn tình nguyện tham gia vào tuyến đầu chống dịch tại Thành phố Hồ Chí Minh. Dự kiến, sẽ có khoảng 300 cán bộ, y, bác sỹ phục vụ công tác hồi sức tại Trung tâm Hồi sức người bệnh COVID-19 Trung ương Huế. Tùy vào tình hình thực tế, đơn vị sẽ điều động, bổ sung thêm các đoàn công tác khác để đáp ứng các hoạt động, bảo đảm vận hành Trung tâm hiệu quả để phục vụ tốt cho người bệnh.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế Nguyễn Văn Phương đánh giá cao tinh thần tình nguyện, cống hiến của các cán bộ, y, bác sỹ Bệnh viện Trung ương Huế trong công cuộc đẩy lùi dịch bệnh.

Ông Nguyễn Văn Phương đề nghị đoàn công tác nêu cao tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, hỗ trợ nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ; thực hiện nghiêm các quy định của địa phương; bảo đảm tuyệt đối an toàn về phòng, chống dịch và phòng hộ cho bản thân, góp phần cùng Thành phố Hồ Chí Minh nhanh chóng khống chế dịch COVID-19 trong thời gian sớm nhất.

Theo dự kiến, Bệnh viện Trung ương Huế sẽ tiếp tục cử đoàn nhân viên y tế phụ trách hậu cần và vận chuyển thêm số lượng lớn thuốc, vật tư y tế… để phục vụ cho hoạt động của Trung tâm Hồi sức người bệnh COVID-19 Trung ương Huế tại Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 13/8.

Chung tay cùng cả nước chống dịch, thời gian qua, chính quyền và nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế đã hỗ trợ 5.000 bộ kit test nhanh phát hiện kháng nguyên COVID-19, gần 2 tỷ đồng và hơn 150 tấn hàng hóa đến Thành phố Hồ Chí Minh chống dịch.

Tỉnh cũng đã cử đoàn công tác 192 y, bác sỹ tham gia hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Đồng Tháp và Bình Dương phòng, chống dịch./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục