Đảm bảo tính cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động đấu thầu

Cần phải có phương thức lựa chọn nhà thầu và mở rộng, khuyến khích xã hội hóa đầu tư nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch và cạnh tranh lành mạnh trong đấu thầu.

Đây cũng chính là một trong những nội dung được quan tâm đặc biệt tại hội thảo “Cơ chế đấu thầu mới - cơ sở để thắng thầu trong các hoạt động xây dựng” do Hiệp hội Nhà thầu Việt Nam (VACC) và Bộ Xây dựng cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp tổ chức tại Hà Nội ngày 24/7.

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung tham luận về những nội dung mới của Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 thay thế Luật đấu thầu số 61/2005/QH11 và Nghị định số 63/2014/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều về lựa chọn nhà thầu.

Với những điểm đổi mới quan trọng trong Luật Đấu thầu và đặc biệt là việc Nghị định 63 đã chính thức có hiệu lực từ 1/7, các doanh nghiệp và cả cơ quan quản lý kỳ vọng sẽ đảm bảo được cạnh tranh trong đấu thầu.

Ông Lê Văn Tăng, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cho rằng đã đến lúc cần phải có hình thức, phương thức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư và tổ chức đấu thầu chuyên nghiệp; chỉ lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt.

Cùng với đó, việc xã hội hóa đầu tư cũng là một trong những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm với xu hướng thu hẹp, giảm đầu tư công (trừ các dự án công trình đặc biệt quan trọng, phục vụ an ninh quốc gia); nên mở rộng, khuyến khích bằng cơ chế, chính sách để thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư và quản lý đầu tư. Có như vậy mới đảm bảo công khai, minh bạch và cạnh tranh lành mạnh trong đấu thầu.

Trong xu thế hội nhập với kinh tế quốc tế, việc hòa đồng cơ chế áp dụng chung các gói thầu xây dựng theo Luật Đấu thầu 2013 được xem là yêu cầu khách quan, nhất là với cơ chế đấu thầu của WB và ADB, Tổng thư ký VACC Dương Văn Cận cho hay.

Theo quy định hiện hành, việc lập hồ sơ mời thầu gói thầu xây lắp phải thực hiện theo mẫu tại Thông tư 01/2010 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Tuy nhiên, Thông tư này cũng chỉ áp dụng cho những gói thầu sử dụng vốn nhà nước chứ không áp dụng cho các gói thầu sử dụng vốn va hay hỗ trợ.

Bởi vậy, các gói thầu sử dụng vốn vay của các tổ chức như WB, ADB thì lại được thực hiện theo hướng dẫn riêng của các đơn vị này. Vì vậy, phía nhà tài trợ cũng đề xuất nên hài hòa thủ tục đấu thầu giữa Việt Nam và các nhà tài trợ.

Về phía doanh nghiệp, ông Lê Hồng Minh-Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Kỹ thuật Công trình Việt Nam nhận xét: Mặc dù có một số sửa đổi, hướng dẫn chi tiết hơn nhưng cả luật và nghị định vẫn chưa làm thay đổi nhận thức cơ bản là chủ đầu tư không phải là chủ sở hữu đích thực của các nguồn lực. Từ đó, vẫn phát sinh lãng phí, tiêu cực trong đầu tư xây dựng cơ bản.

Mặt khác, các văn bản dưới luật vẫn chưa tiếp cận được các đặc thù riêng của từng loại hình, ngành nghề... Đây cũng chính là những khó khăn và vướng mắc cần được tháo gỡ để nhanh chóng đưa các chính sách đi vào cuộc sống./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục