Người dân Thái Lan lặng lẽ đón Tết cổ truyền Songkran

Dịch COVID-19: Người dân Thái Lan lặng lẽ đón Tết cổ truyền Songkran

Để ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan, Chính phủ Thái Lan đã đưa ra một quyết định chưa có tiền lệ là hoãn kỳ nghỉ Tết cổ truyền Songkran hay còn gọi là Lễ hội té nước từ ngày 13-15/4.
Dịch COVID-19: Người dân Thái Lan lặng lẽ đón Tết cổ truyền Songkran ảnh 1Tuyến đường Ratchadaphisek thường tắc nghẽn giao thông tại trung tâm thủ đô Bangkok của Thái Lan trở nên thông thoáng vào giờ cao điểm ngày cuối tuần do người dân hạn chế ra đường theo Sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp. (Ảnh: Ngọc Quang/TTXVN)

Người dân Thái Lan ngày 13/4 lặng lẽ bước vào Năm Mới theo Phật lịch khi toàn bộ đất nước trong tình trạng “phong tỏa mềm” và lệnh giới nghiêm vào ban đêm để phòng chống virus SARS-CoV-2 gây bệnh đường hô hấp cấp COVID-19.

Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, để ngăn chặn nguy cơ dịch COVID-19 lây lan trên diện rộng khiến tình hình mất kiểm soát, Chính phủ Thái Lan đã đưa ra một quyết định chưa có tiền lệ là hoãn kỳ nghỉ Tết cổ truyền Songkran hay còn gọi là Lễ hội té nước. Thời gian nghỉ bù sẽ được công bố sau.

Theo Chính phủ Thái Lan, việc hoãn kỳ nghỉ Tết Songkran từ ngày 13-15/4 là để “tăng giãn cách xã hội” và “giảm thiểu sự di chuyển của người dân cả trong nước và du khách quốc tế.”

Điều này có nghĩa là hoạt động đặc trưng đón mừng Năm Mới ở Thái Lan là "người người té nước, nhà nhà té nước" sẽ không diễn ra trong năm nay.

Trong bài phát biểu tại Trung tâm quản lý tình hình COVID-19 trước thềm Năm Mới, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha đề nghị người dân không ăn mừng Tết Songkran như thường lệ, mà thay vào đó tránh tụ tập đông người và thực hiện nghi thức tắm Phật tại nhà để ngăn chặn sự lây lan của SARS-CoV-2.

Thủ tướng Prayut bày tỏ cám ơn người dân và các quan chức đã hợp tác trong thời gian xảy ra đại dịch COVID-19, đồng thời cảnh báo đất nước sẽ rất khó khăn để trở lại cuộc sống trước đây nếu người dân không tuân thủ các biện pháp của Chính phủ.

[Thái Lan ghi nhận số ca nhiễm mới COVID-19 tiếp tục giảm xuống]

Với khoảng 94% dân số theo đạo Phật, Thái Lan và nhiều quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á như Lào, Campuchia và Myanmar đón Năm Mới theo Phật lịch, và Tểt "Songkran" xuất phát từ tiếng Phạn có nghĩa là "lúc thời gian chuyển dịch” hàm ý sự đổi mới, phát triển.

Ngoài ra, lễ hội cũng là một hoạt động văn hóa liên quan đến chu kỳ sản xuất nông nghiệp ở Đông Nam Á.

Về ý nghĩa tâm linh, tục lệ té nước tượng trưng cho hình ảnh thần rắn Naga phun nước xuống trần gian để đem lại mùa màng tốt tươi. Mặt khác, tháng Tư là giai đoạn đầu mùa Hè nên mọi người té nước vào nhau không chỉ để cầu mong một mùa vụ bội thu mà còn để làm dịu bớt cái nóng oi bức.

Để tránh tụ tập đông người trong dịp Tết Songkran, tất cả các tỉnh, thành phố của Thái Lan đã ban hành lệnh cấm bán đồ uống có cồn và đóng cửa các cửa hàng bán rượu bia.

Trong khi đó, Bộ trưởng Văn hóa Thái Lan Ittipol Khunpluem kêu gọi người dân đón mừng Năm Mới và thực hiện các nghi thức truyền thống ở trong nhà.

Bộ Y tế Thái Lan cho biết nhà chức trách y tế muốn đảm bảo rằng trong dịp Tết Songkran, người cao tuổi được an toàn trong bối cảnh đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang hoành hành.

Thống kê của Trung tâm Quản lý tình hình COVID-19 Thái Lan cho thấy tiếp xúc giữa các thành viên trong gia đình là nguyên nhân chủ yếu khiến người cao tuổi nhiễm virus SARS-CoV-2.

Thanh niên, nhóm có số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 nhiều nhất ở Thái Lan, được khuyến khích tham gia cuộc vận động “Bảo vệ bố mẹ,” coi đó là cách tốt nhất để bày tỏ sự hiếu kính cha mẹ.

Giới chức y tế Thái Lan kêu gọi thanh niên hạn chế, không đến thăm bố mẹ đã cao tuổi, thay vào đó giao tiếp trực tuyến. Những ai sống cùng người cao tuổi trong gia đình nên tránh tiếp xúc gần, đặc biệt là ôm và té nước.

Ngày chính thức của Tết Songkran là ngày 13/4, song người dân Thái Lan thường dọn dẹp nhà cửa, sắm sửa vật dụng, đồ ăn, thức uống trước từ ngày 12/4.

Vào buổi sáng 13/4, theo phong tục truyền thống, người dân lên chùa dâng hương, lễ Phật và thực hành nghi lễ tắm Phật đầu năm đón mừng theo sự tích Đức Phật đản sinh, để tỏ lòng thành kính và cầu may cho Năm Mới.

Sau nghi lễ ở chùa, mọi người đổ xuống đường chào đón năm mới bằng hoạt động té nước vào nhau.

Năm nay, nhằm kiềm chế dịch COVID-19, Văn phòng Phật giáo Quốc gia Thái Lan đã yêu cầu tất cả các chùa không tổ chức Lễ hội Songkran.

Một điểm sáng trong việc hoãn kỳ nghỉ Songkran là nhà chức trách Thái Lan không phải mở chiến dịch tăng cường an toàn giao thông trên cả nước như mọi năm khi số vụ tai nạn giao thông thường tăng đột biến trong dịp này.

Theo ghi nhận của Bộ Giao thông Thái Lan, lượng người dân ra khỏi Bangkok trên các tuyến đường cao tốc đã giảm 44% so với kỳ Songkran năm ngoái nhờ các biện pháp hạn chế di chuyển của người dân mà Chính phủ áp đặt./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục