Điều Tổng thống Nga Putin mong muốn sau một năm sóng gió

Trong bối cảnh tỷ lệ tín nhiệm của ông chủ điện Kremlin đang giảm sút, giới báo chí đánh giá rằng Putin muốn đặt trọng tâm vào các vấn đề kinh tế và trong nước...
Điều Tổng thống Nga Putin mong muốn sau một năm sóng gió ảnh 1Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc họp báo thường niên tại Moskva ngày 20/12/2018. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Theo AFP/Reuters/The Telegraph, ngày 20/12, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tổ chức họp báo thường niên tại Moskva, đề cập nhiều vấn đề quan trọng từ kinh tế đến đối ngoại.

Trong bối cảnh tỷ lệ tín nhiệm của ông chủ điện Kremlin đang giảm sút, giới báo chí đánh giá rằng Putin muốn đặt trọng tâm vào các vấn đề kinh tế và trong nước, trả lời những câu hỏi từ những khu vực xa xôi hẻo lánh, để né tránh sự chú ý của công chúng.

Nhằm trấn an người dân về chương trình cải cách lương hưu không được ủng hộ, Tổng thống Nga V. Putin nêu rõ GDP của Nga tăng 1,7%, mức lương cũng như thu nhập thực tế của người dân tăng 0,5%.

Tuy nhiên, Tổng thống V. Putin khẳng định nước Nga cần có bước đột phá trong phát triển, nếu không đất nước sẽ không có tương lai. Ông Putin hy vọng từ năm 2021, tốc độ phát triển kinh tế sẽ đạt trên 3%.

Cũng tại buổi họp báo, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng nước này có mọi cơ hội để trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới, xét về quy mô Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Ông Putin nói: "Tôi nghĩ việc trở thành (nền kinh tế lớn) thứ 5 (thế giới), xét về quy mô... nằm trong khả năng của chúng ta và chúng ta sẽ làm được điều đó." Tuy nhiên, ông Putin lưu ý rằng Nga cũng cần tập trung vào chất lượng nền kinh tế.

[Điểm lại 10 thành tựu kinh tế nổi bật của Nga trong năm 2018]

Nga hiện đứng thứ 12 trên thế giới về sức mạnh kinh tế, theo xếp loại của Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Trong đó, đứng đầu là Mỹ, tiếp sau là Trung Quốc, Nhật Bản, Đức và Anh.

Theo AFP, cuộc họp báo này diễn ra sau nhiều tháng bất đồng trong nước và căng thẳng bên ngoài gia tăng, từ xung đột với Ukraine đến mối quan hệ ngày càng xấu đi với Washington.

Khi được hỏi về các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga, Putin nêu rõ những đòn trừng phạt này “có liên quan tới sự lớn mạnh về sức mạnh của Nga.” Ông cho rằng phương Tây cảm thấy bị đe dọa bởi một nước Nga ngày càng lớn mạnh, và cam kết kinh tế Nga sẽ tiếp tục tăng trưởng.

Putin nhấn mạnh gần như trong toàn bộ lịch sử của mình Nga phải sống trong tình trạng bị trừng phạt, do sức mạnh của đất nước tăng lên. Theo nhà lãnh đạo Nga, các biện pháp trừng phạt không logic, đó đơn giản là biện pháp bổ sung nhằm kiềm chế nước Nga.

Ông Putin cho rằng phương Tây đã đánh mất thị trường Nga rộng lớn - điều mà phương Tây cảm nhận rất rõ. Nhà lãnh đạo Nga lưu ý các biện pháp trừng phạt của phương Tây cũng có mặt tích cực riêng: các lệnh trừng phạt buộc Nga phải động não suy nghĩ để phát triển theo nhiều hướng.

Liên quan quyết định được cho là "gây sốc" mới đây của Tổng thống Donald Trump nhằm rút binh sỹ Mỹ khỏi Syria, Putin nhấn mạnh rằng Trump đã đúng khi rút quân khỏi Syria.

Putin nói: “Việc Mỹ quyết định rút binh sỹ là đúng.” Putin cũng cho rằng IS đã bị đánh bại, song tỏ ra nghi ngờ về khả năng Mỹ rút toàn bộ binh sỹ khỏi Syria sau khi Washington nhiều lần tuyên bố sẽ rời Afghanistan, song vẫn tiếp tục hiện diện ở đó.

Về mối đe dọa cuộc chiến hạt nhân, Putin nhấn mạnh Mỹ cân nhắc sử dụng tên lửa đạn đạo mang đầu đạn thông thường, cho rằng việc phóng tên lửa loại này có thể là dẫn đến bị hiểu nhầm là phóng tên lửa mang đầu đạn hạt nhân và gây ra thảm họa toàn cầu. Tổng thống Nga nhấn mạnh: “Một kịch bản như vậy có thể dẫn đến cái chết của nền văn minh và thậm chí cả hành tinh.”

“Chúng ta đang chứng kiến sự đổ vỡ hệ thống kiềm chế vũ khí quốc tế,” ông nhắc lại khi Mỹ rút khỏi Hiệp ước phòng thủ tên lửa, Moskva buộc phải hiện đại hóa kho vũ khí của mình.

Giờ đây, Putin chỉ đích danh ý định của Mỹ muốn rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung 1987. Putin cảnh báo nếu Mỹ triển khai các tên lửa tầm trung ở châu Âu thì Nga sẽ buộc phải có các biện pháp đáp trả.

Ông Putin cũng cho rằng hiện nay trên thế giới đang có xu hướng giảm ngưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân, song việc hạ thấp ngưỡng như vậy có thể dẫn đến một thảm họa hạt nhân toàn cầu. Ví dụ, tại phương Tây đang đề cập tới ý tưởng sử dụng vũ khí hạt nhân cỡ nhỏ.

Về căng thẳng Nga-Ukraine, Putin cũng đề cập tình hình leo thang căng thẳng gần đây với Ukraine sau vụ đối đầu giữa lực lượng hải quân hai nước ở Eo biển Kerch, dẫn đến việc phía Nga bắt giữ tàu và thủy thủ Ukraine.

Putin nhấn mạnh những hành động của Ukraine ở eo biển trên là hành động "gây hấn." Putin cáo buộc chính quyền Ukraine đã phong tỏa Donbass với phần còn lại của Ukraine.

Theo ông Putin, việc Kiev tiến hành hành động khiêu khích ở Eo biển Kerch vừa qua có liên quan đến cuộc bầu cử Tổng thống Ukraine sắp tới. Số phận các thủy thủ Ukraine bị bắt sẽ được giải quyết trong khuôn khổ luật pháp Nga.

Ông Putin nhấn mạnh đang có âm mưu nhằm chia rẽ Nga và Ukraine. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Nga khẳng định Ukraine vẫn là đối tác thương mại quan trọng của nước này.

Putin cho rằng sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Nhật Bản đang làm phức tạp nỗ lực tìm kiếm một hiệp ước hòa bình chính thức giữa Moscow và Tokyo. Nga và Nhật Bản đã vướng vào cuộc tranh chấp trong 70 năm qua về những vùng lãnh thổ binh sỹ Liên Xô chiếm giữ trong những ngày cuối cùng của Chiến tranh Thế giới thứ II. Do đó, hai bên chưa chính thức chấm dứt tình trạng thù địch.

AFP bình luận cuộc họp báo diễn ra trong bối cảnh tỷ lệ tín nhiệm của nhà lãnh đạo kỳ cựu này đang sụt giảm - sự sụt giảm tín nhiệm đáng ghi nhận đầu tiên kể từ năm 2014, sau khi tiến hành cải cách lương hưu không được ủng hộ.

Putin đã tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 4 hồi tháng 3 vừa qua với gần 77% phiếu ủng hộ, song các cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy sự ủng hộ đối với ông đã giảm xuống dưới mức 50%.

Nhiệm kỳ thứ 3 của Putin ở điện Kremlin được mô tả bằng sự sụt giảm mức sống của nhiều người dân, bất chấp những gì mà nhiều người coi là chiến thắng của ông trên mặt trận đối ngoại./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục