Động lực chính cải cách nằm ở phía “người chơi”

Năm Giáp Ngọ, người dân Việt Nam cùng chờ đợi và kỳ vọng vào một cuộc cải cách mới sau những thông điệp mạnh mẽ từ phía Chính phủ.

Với người Á Đông, Tết Nguyên đán là biểu tượng cho giá trị tinh thần. Năm mới ai ai cũng mong chờ những điều tốt đẹp sẽ đến thay thế cho những khó khăn, khúc mắc của năm cũ.

Năm Giáp Ngọ, người dân Việt Nam cũng đang chờ đợi và kỳ vọng vào những bước đi cải cách mới sau thông điệp mạnh mẽ từ người đứng đầu Chính phủ.


Đổi mới “luật chơi”

Chào xuân 2014, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có bài viết với tiêu đề "Hoàn thiện thể chế, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2014, tạo nền tảng phát triển nhanh và bền vững."

Theo Thủ tướng, trong những năm gần đây, năng lực cạnh tranh của nước ta chậm được cải thiện. Tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế cũng đã chậm lại. Xã hội có không ít vấn đề bức xúc. Một trong những nguyên nhân là động lực mà những cải cách trước đây tạo ra đã không còn đủ mạnh để thúc đẩy phát triển.

“Đây là lúc chúng ta cần có thêm động lực để lấy lại đà tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững. Nguồn động lực đó phải đến từ Đổi mới thể chế và phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của Nhân dân,” Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo nhà kinh tế Geoffrey Hodgson, “thể chế là những hệ thống quy luật xã hội được thiết lập và phổ biến, kiến tạo nên các mối tương tác xã hội,” song nhìn chung giới học giả khái quát thể chế được xem như “luật chơi”.

Thể chế bao gồm, thể chế chính thức (luật và quy định) và thể chế không chính thức (nguyên tắc giao tiếp trong xã hội). Thể chế sinh ra với chức năng định hình hành vi của con người và làm cho nó trở nên đồng nhất thông qua quá trình tạo nên thói quen, niềm tin đồng thời củng cố, duy trì và tái tạo các nguyên tắc hiện hữu.

Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhấn mạnh, thể chế là khâu quan trọng nhất quyết định xu hướng, quy mô, tốc độ tái cơ cấu nền kinh tế. Tuy nhiên, bên cạnh “luật chơi”, thể chế còn được hình thành từ “cách chơi” với “người chơi”.

Ông Cung chỉ dẫn, bối cảnh “luật chơi, cách chơi và người chơi” trong điều kiện thể chế hiện tại đã hình thành nên các quan hệ xin, cho và khiến nhiều lợi ích kinh doanh có được không phát sinh từ các hoạt động kinh tế tạo ra các giá trị mới cho xã hội.

“Việc khối doanh nghiệp nhà nước nắm nguồn lực kinh doanh, môi trường kinh doanh... đã dẫn tới sự trì trệ và suy giảm nền kinh tế trong những năm qua. Tôi cảm nhận sự bức bách, đòi hỏi cần có những thay đổi, mà điểm lựa chọn đột phá là sự phân bố nguồn lực,” ông Cung chỉ ra.

Phá vỡ “sức ỳ”

Ông Đỗ Hải Anh, Giám đốc Marketing một công ty sản xuất, kinh doanh sản phẩm bóng đèn cảm nhận, nội dung thông điệp lần này của Chính phủ có sự thay đổi lớn và được xã hội quan tâm. Nhưng, ông Hải Anh cũng cho rằng, việc cụ thể hóa chính sách bằng hành động lại là một chặng đường dài và nhiều chông gai.

“Bản thân người làm kinh doanh như chúng tôi, việc quan tâm lớn nhất là điều kiện tiếp cận các nguồn lực. Đơn cử như chính sách khuyến khích đầu tư khoa học công nghệ thì có rồi, nhưng để xin được những điều kiện ưu đãi thì lại rất khó.

Hay như, thời gian qua doanh nghiệp chúng tôi đã rất nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như đa dạng hóa mẫu mã, chủng loại, song có thương hiệu trên thị trường thì lại phải sống chung với hàng giả. Cực chẳng đã, đơn vị phải tự lao ra bảo vệ mình bằng cách phối hợp với cơ quan quản lý thị trường bắt hàng giả, song vẫn chỉ như muối bỏ biển,” ông Hải Anh băn khoăn.

Một nhân tố quyết định đến sự thành công của quá trình cải cách là con người cũng bị rào cản bởi ý thức hệ.

Bà Phạm Thị Mai, thạc sĩ chuyên ngành xã hội học chỉ ra, giáo dục vẫn luôn được đưa lên vị trí quốc sách hàng đầu, là tương lai của dân tộc, để đáp ứng những đòi hỏi cải cách kinh tế, giáo dục phải đi trước. Song ngay đề án đổi mới giáo dục với quy mô đồ sộ để đi vào đời sống và đưa được tham vọng cải cách vào thực tiễn lại là một bài toán phức tạp.

“Một đề án đổi mới giáo dục muốn thành công không chỉ dừng lại ở tham vọng của nhà quản lý mà nó phải thấm vào phụ huynh, thấm vào giáo viên. Thay đổi thế nào khi mà xã hội vẫn đề cao con đường khoa bảng? Bên cạnh đó là những thế hệ giảng viên nối tiếp được rèn giũa bằng phương pháp ‘thày đọc trò chép," thước đo trí tuệ của học sinh vẫn được đánh giá bằng điểm số, thước đo năng lực của con người được đánh giá bằng bằng cấp,” chị Mai đặt câu hỏi.


Có “thực” mới vực được “đạo”

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, năm tới Chính phủ cần phải có những hành động cụ thể và những hành động đó phải được thực hiện thông qua luật.

Để quá trình tái cấu trúc thành công, theo ông Phong điều cần trước mắt là các bộ, ngành phải có sự phối hợp đồng nhất. Cải cách hành chính phải thực hiện đúng “một cửa, một chìa khóa”. Thông tin thị trường, chính sách điều hành cũng như ý kiến nguyện vọng của người dân phải được phản ánh kịp thời, không nên cực đoan, một chiều “quá tốt hoặc quá xấu”.

Ngoài ra, để khai thông nguồn vốn, Chính phủ nên tiếp tục điều hành lãi suất giảm đồng thời triển khai giải ngân các dự án thực sự cần thiết và phải có lộ trình, công khai, mình bạch.

Với nhiệm vụ tham mưu chiến lược của Đảng về kinh tế-xã hội, ông Vương Đình Huệ, Trưởng ban Kinh tế Trung ương cũng cho rằng nhiệm vụ tới đây, cải cách thể chế hành chính là một trong những trọng tâm đột phá chiến lược.

Theo đó, “vốn con người” cần phải được ưu tiên hàng đầu. Ông Huệ nhấn mạnh, chính sách mới sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, tạo dựng các thể chế khơi thông nguồn lực, giải phóng lực lượng sản xuất để phát triển, như vậy sẽ có sự lan tỏa ra các đột phá khác.

“Để làm được điều đó, phải triệt để tăng cường cải cách thể chế hành chính, tạo động lực nhưng phải có áp lực trách nhiệm đối với các cơ quan thực thi chính sách, giao việc cần cụ thể, rõ ràng, xác định rõ người chịu trách nhiệm, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu, thời điểm hoàn thành, định tính, định lượng, tuyệt đối không dễ dãi, bao biện, từ đó mới tạo được niềm tin cho người dân,” ông Huệ khẳng định./.

Tin cùng chuyên mục