Đức và Ấn Độ sắp đạt được thỏa thuận chế tạo tàu ngầm

Tàu ngầm là nhu cầu chính của New Delhi do đội tàu của nước này đã cũ. Để tuần tra hiệu quả ở Ấn Độ Dương, hải quân Ấn Độ cần tối thiểu 24 tàu ngầm thông thường nhưng hiện chỉ có 16 chiếc.
Đức và Ấn Độ sắp đạt được thỏa thuận chế tạo tàu ngầm ảnh 1Tàu ngầm của Ấn Độ. (Nguồn: dailygamingworld)

Ngày 6/6, kênh tin tức tài chính và kinh doanh ET Now đưa tin, các công ty của Đức và Ấn Độ đang tiến gần đến thỏa thuận chế tạo tàu ngầm ở Ấn Độ trong bối cảnh Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius đang ở thăm New Delhi.

Các nguồn thạo tin cho biết chi nhánh hàng hải của tập đoàn Thyssenkrupp AG của Đức và công ty TNHH đóng tàu Mazagon Dock của Ấn Độ có khả năng sẽ cùng đấu thầu một dự án ước tính trị giá 5,2 tỷ USD để đóng 6 tàu ngầm cho hải quân Ấn Độ.

Theo các quan chức Đức và Ấn Độ, thỏa thuận sơ bộ hoặc biên bản ghi nhớ sẽ được ký kết với sự có mặt của Bộ trưởng Quốc phòng Boris Pistorius-người đang thực hiện chuyến thăm Ấn Độ 2 ngày (6 và 7/6).

Trước đó, ông Pistorius đã tiết lộ với đài truyền hình ARD rằng thỏa thuận tàu ngầm sẽ nằm trong chương trình nghị sự khi ông đến thăm Mumbai vào ngày 7/6.

Tàu ngầm là nhu cầu chính của New Delhi do đội tàu của nước này đã cũ. Để tuần tra hiệu quả ở Ấn Độ Dương, hải quân Ấn Độ cần tối thiểu 24 tàu ngầm thông thường nhưng hiện chỉ có 16 chiếc.

Trong hạm đội này, ngoài 6 chiếc được đóng gần đây, số còn lại đều đã trên 30 năm tuổi và có thể sẽ ngừng hoạt động trong vài năm tới.

[Mỹ và Đức tìm cách tăng cường hợp tác quốc phòng với Ấn Độ]

Cũng trong ngày 6/6, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh và người đồng cấp Đức Boris Pistorius đã gặp nhau ở thủ đô New Delhi.

Ngoài cuộc hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh, ông Pistorius có thể sẽ gặp một số công ty khởi nghiệp quốc phòng tại một sự kiện được tổ chức theo sáng kiến Đổi mới vì Chất lượng Quốc phòng (iDEX) ở New Delhi.

Ngày 7/6, Bộ trưởng Pistorius sẽ tới Mumbai để thăm Sở Chỉ huy Bộ Tư lệnh Hải quân miền Tây và Công ty đóng tàu Mazagon Dock.

Trong một tuyên bố mà không đề cập đến tàu ngầm, Bộ trưởng Singh cho biết “lực lượng lao động lành nghề và chi phí cạnh tranh của Ấn Độ cùng với công nghệ cao và đầu tư của Đức có thể tăng cường hơn nữa mối quan hệ song phương”./

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục