EU đặt mục tiêu chấm dứt phụ thuộc năng lượng của Nga vào năm 2027

Nga hiện vẫn là nhà cung cấp dầu lớn nhất cho châu Âu. Nhưng EU đặt mục tiêu chấm dứt hoàn toàn sự phụ thuộc dầu mỏ và khí đốt của Nga vào cuối năm 2027.
EU đặt mục tiêu chấm dứt phụ thuộc năng lượng của Nga vào năm 2027 ảnh 1Một cơ sở lọc dầu của Tập đoàn Gazprom, Nga. (Ảnh: TASS/TTXVN)

Liên minh châu Âu (EU) đặt mục tiêu giảm 2/3 sự phụ thuộc dầu mỏ và khí đốt của Nga vào cuối năm nay và tiến tới chấm dứt hoàn toàn vào cuối năm 2027.

Thông tin này được Ủy viên phụ trách các vấn đề kinh tế của EU Paolo Gentiloni đưa ra khi trả lời phỏng vấn nhật báo Il Messaggero ngày 26/4.

Ông Gentiloni khẳng định EU sẽ hạ dự báo tăng trưởng năm 2022 từ mục tiêu trước đó là 4%. Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để kết luận tốc độ tăng trưởng chậm chạp sẽ dẫn đến tình trạng trì trệ. EU sẽ công bố Dự báo mùa Xuân vào ngày 16/5 tới.

[Nhiều quốc gia EU sẽ đối mặt với nguy cơ khủng hoảng năng lượng]

Nga là nhà cung cấp dầu lớn nhất cho châu Âu. Năm 2020, Nga cung cấp 26% dầu mỏ nhập khẩu của châu lục này.

Trong khi đó, khí đốt của Nga đáp ứng khoảng 40% nhu cầu khí đốt của châu Âu.

Sau sự kiện Nga sáp nhập lại bán đảo Crimea năm 2014, EU từng thông báo sẽ đa dạng nguồn cung năng lượng nhằm giảm dần phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng từ Nga. Tuy nhiên, sau 8 năm, chưa có nhiều tiến triển trong lĩnh vực này.

Sau khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine hồi tháng Hai vừa qua, một số quốc gia EU đã có động thái mạnh mẽ hơn nhằm áp đặt các lệnh trừng phạt lên kinh tế Nga, bao gồm lĩnh vực năng lượng.

Đáp trả các biện pháp trừng phạt của phương Tây, Tổng thống Nga Vladimir Putin cuối tháng Ba đã ký sắc lệnh quy định tất cả các hợp đồng cung cấp khí đốt với các công ty đăng ký hoạt động tại các quốc gia "không thân thiện" chỉ được thanh toán bằng đồng ruble bắt đầu từ ngày 1/4.

Yêu cầu của Nga khiến các khách hàng châu Âu rơi vào tình thế khó xử: từ chối thanh toán bằng đồng ruble và đối mặt nguy cơ không nhận được khí đốt, hoặc tuân thủ và chịu rủi ro giá cao hơn khi các hợp đồng được đàm phán lại và các giao dịch dài hạn có lợi hơn bị loại bỏ.

Điều này đã khiến các đối tác đang tìm cách giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục