EU đưa vào sử dụng cơ sở dữ liệu tư pháp chống khủng bố

Cơ sở dữ liệu sẽ cung cấp cho các nhà điều tra và cơ quan công tố cái nhìn toàn cảnh về quá trình phạm tội của những nghi can tại các nước EU cũng như một số ít quốc gia đối tác chia sẻ dữ liệu.
EU đưa vào sử dụng cơ sở dữ liệu tư pháp chống khủng bố ảnh 1Trụ sở của Eurojust tại Hà Lan. (Ảnh: Eurojust)

Ngày 5/9, Cơ quan tư pháp của Liên minh châu Âu (EU) Eurojust đã đưa vào sử dụng một cơ sở chia sẻ dữ liệu chống khủng bố mang tên Hồ sơ Chống khủng bố (CTR). Đây được xem là một công cụ sẽ "đóng vai trò quan trọng" trong hoạt động tư pháp chống lại các nghi can khủng bố và tội phạm có tổ chức.

Phát biểu tại một buổi họp báo, Chủ tịch Eurojust, ông Ladislav Hamran cho biết cơ sở dữ liệu trên sẽ cung cấp cho các nhà điều tra và cơ quan công tố cái nhìn toàn cảnh về quá trình phạm tội của những nghi can tại các nước EU cũng như một số ít quốc gia đối tác chia sẻ dữ liệu.

Ông Hamran nhấn mạnh, giờ đây các phần tử khủng bố hoạt động ngày càng nhiều trong các mạng lưới xuyên biên giới, buộc EU cũng phải có những biện pháp "lấy độc trị độc".

EU từng đặt nền móng cho một công cụ hợp tác chia sẻ dữ liệu tư pháp từ năm 2005, nhưng dự án này đã bị "chết yểu" khi các cơ quan thực thi pháp luật ở một số nước thành viên muốn bảo vệ thông tin. Điều này đã thay đổi vào năm 2015, khi các tay súng thánh chiến thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) thực hiện loạt vụ tấn công ở ngay giữa thủ đô Paris của Pháp, làm 130 người thiệt mạng.

[Tổng thống Trump: Châu Âu phải nhận lại công dân bị bắt vì tham chiến cho IS]

Một thành viên của Eurojust và là người thúc đẩy dự án CTR, ông Frederic Baab cho biết các nghi can liên quan đến loạt vụ tấn công tại Paris đã bị truy lùng trên khắp các nước châu Âu khác và cả ở bên  ngoài khối. Điều này cho thấy "quy mô đa quốc gia" của các hoạt động truy bắt tội phạm.

Lợi ích của cơ sở dữ liệu trên càng được khẳng định sau loạt vụ tấn công tại Đức năm 2016 và tại Tây Ban Nha năm 2017, vốn đã khiến Bỉ, Pháp, Đức và Tây Ban Nha thúc đẩy mở một cơ sở dữ liệu tương tự vào năm 2018.

Uỷ viên về an ninh của EU Julian King đánh giá cơ sở dữ liệu của Eurojust có thể là "một công cụ quan trọng" để truy tố các tay súng thánh chiến từng bị bắt giữ tại Iraq và Syria đã trở lại châu Âu sau khi cái gọi là "vương quốc Hồi giáo" của IS sụp đổ.

Eurojust cho biết cơ sở dữ liệu này sẽ không chỉ thu thập thông tin về các nghi can thánh chiến mà còn bao gồm cả những đối tượng có liên hệ với các nhóm cực đoan và cực hữu tại châu Âu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục