EU không thống nhất được ứng cử viên chức chủ tịch Ủy ban châu Âu

Theo Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk, các nhà lãnh đạo EU đã thảo luận về các đề cử ứng cử viên, song không ứng cử viên nào giành được sự ủng hộ của đa số.
EU không thống nhất được ứng cử viên chức chủ tịch Ủy ban châu Âu ảnh 1Thủ tướng Luxembourg Xavier Bettel (trái) và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker trước Hội nghị thượng đỉnh EU ở Brussels, Bỉ ngày 20/6/2019. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, các nhà lãnh đạo 28 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã quyết định triệu tập một hội nghị thượng đỉnh bất thường vào ngày 30/6, sau khi thất bại trong việc thống nhất đưa ra một ứng cử viên kế nhiệm chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC ) Jean-Claude Juncker.

Sau nhiều giờ đàm phán ở Brussels, kéo dài từ đêm 20 tới rạng sáng 21/6, các nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ các nước EU đã đồng ý gặp lại nhau vào cuối tháng này để lựa chọn ứng cử viên cho chức chủ tịch EC.

[EU tìm kiếm "ứng cử viên thỏa hiệp" cho chức chủ tịch Ủy ban châu Âu]

Theo Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk, các nhà lãnh đạo EU đã thảo luận về các đề cử ứng cử viên, song không ứng cử viên nào giành được sự ủng hộ của đa số.

Trước đó, các nhà lãnh đạo EU đã nỗ lực tìm kiếm một "ứng cử viên thỏa hiệp" cho vị trí chủ tịch EC thay ông Jean-Claude Juncker, sau khi các nhóm chính trị trong Nghị viện châu Âu (EP) không thể thống nhất ủng hộ ứng cử viên nào.

Đảng Nhân dân châu Âu (EPP), nhóm chính trị lớn nhất trong EP, hậu thuẫn nhân vật theo đường lối trung hữu Manfred Weber người Đức.

Tuy nhiên, Liên minh Chủ nghĩa xã hội và Dân chủ (S&D) ủng hộ ứng cử viên người Hà Lan Frans Timmerman, hiện là Phó chủ tịch thứ nhất EC, trong khi  Ủy viên châu Âu phụ trách về cạnh tranh, bà Margrethe Vestager, người Đan Mạch, cũng được xem là ứng cử viên tiềm năng.

Ứng cử viên cuối cùng sẽ phải nhận được sự ủng hộ của ít nhất 21 trong số 28 nhà lãnh đạo EU cũng như giành đa số ủng hộ tại EP gồm 751 thành viên.

Trong khi Thủ tướng Đức Angela Merkel ủng hộ ứng cử viên chính của EPP, ông Manfred Weber, thì Tổng thống Pháp Emmanuel Macron lại đang tìm cách ngăn cản ông Weber với lập luận ông này thiếu kinh nghiệm điều hành.

Paris và Madrid đều thể hiện quan điểm ủng hộ các ứng cử viên tự do và theo xu hướng xã hội chủ nghĩa.

Nhóm các nước Đông Âu gồm Ba Lan, Hungary, Cộng hòa Séc và Slovakia cho biết sẽ ủng hộ ông Michel Barnier, người đang đảm nhiệm cương vị nhà đàm phán Brexit của EU, trở thành chủ tịch EC./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục