Giá cả ổn định, đảm bảo phòng chống dịch tại các chợ và siêu thị

Khảo sát tại một số khu vực chợ tại Hà Nội sáng ngày 27/5, các mặt hàng gia súc, gia cầm cũng như nông sản hầu như không có biến động về giá cả, sản lượng hàng hóa tương đối dồi dào và ổn định.
Người dân đang đi mua thịt lợn tại các điểm siêu thị. (Ảnh: Minh Hiếu/Vietnam+)
Người dân đang đi mua thịt lợn tại các điểm siêu thị. (Ảnh: Minh Hiếu/Vietnam+)

Dịch COVID-19 đã bùng phát trở lại trên nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, với những diễn biến phức tạp. Nhưng đến thời điểm này, tại Hà Nội vẫn chưa xảy ra tình trạng khan hiếm hay người dân đổ xô đi mua tích trữ hàng hóa, nhu yếu phẩm như trước đây. Trên thị trường, nguồn hàng dồi dào, giá cả ổn định.

Giá cả thị trường ổn định

Theo ghi nhận, tại thời điểm 7 giờ sáng ngày 27/5, giá cả thị trường nông sản cũng như mặt hàng gia súc, gia cầm,… trên địa bàn Hà Nội không có nhiều biến động. Tại các chợ dân sinh như chợ Vĩnh Tuy, chợ Hôm, chợ Nguyễn Công Trứ,…thực phẩm tương đối dồi dào, giá ổn định.

Ghi nhận tại khu vực chợ Hôm (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), giá thịt lợn dao động từ 140 nghìn đến 190 nghìn đồng/kg (giảm nhẹ 500-1000 đồng so với ngày hôm qua). Cụ thể, giá thịt ba chỉ có giá 140 nghìn đồng/kg, thịt nạc thăn giá 180 nghìn đồng/kg, sườn nạc vai 140 nghìn đồng/kg, sườn nạc thăn giá 190 nghìn đồng/kg...

Chị Hương, tiểu thương tại chợ Hôm, cho biết giá thịt lợn hôm nay hầu như không biến động nhiều, chỉ tăng giảm nhẹ theo ngày. Dịch COVID-19 bùng phát mạnh khiến học sinh, sinh viên nghỉ học, các nhà hàng, khách sạn cũng vắng khách… kéo theo giá thịt lợn có xu hướng chững lại và giảm nhẹ.

Trong khi đó tại một số các siêu thị như Vinmart, Big C, Hapromart... giá thịt cũng không tăng giá. Giá thịt lợn Meat Deli tại VinMart Võ Thị Sáu (quận Hai Bà Trưng) ghi nhận điều chỉnh giảm thịt đùi lợn và cốt-lết lợn lần lượt là giảm 7.000 đồng/kg và 18.000 đồng/kg. Hiện mức giá đang bán dao động trong khoảng 139.900-233.900 đồng/kg. Giá thịt đùi lợn là 139.900 đồng/kg, giá thịt ba chỉ dao động 187.900-260.900 đồng/kg tùy loại, thịt vai 147.900 đồng/kg, thịt thăn 165.900 đồng-186.900 đồng/kg, sườn thăn loại ngon 270.900 đồng/kg,…

Không chỉ có thịt, giá cả các loại cá, các loại gia cầm hay trứng cũng không tăng so với ngày thường. Cụ thể, giá bán cá dao động từ 60 nghìn-140 nghìn đồng/kg, thịt gà từ 80 nghìn-140 nghìn đồng/kg, trứng gà dao động từ 2.000-3.000 đồng/quả.

Ông Nguyễn Anh Phương, Giám đốc khu vực vùng miền Bắc siêu thị MM Mega Market cho biết: “Chúng tôi đã chuẩn bị lượng hàng hóa tăng hơn 50% so với nhu cầu bình thường, phục vụ người tiêu dùng mua sắm trực tiếp và mua sắm qua mạng”.

Còn ông Nguyễn Nhơn Quý, Trưởng phòng Truyền thông Công ty TNHH Aeon Việt Nam cho biết, siêu thị này phối hợp chặt chẽ với các đơn vị cung cấp bảo đảm nguồn hàng dự trữ tại kho hàng trên toàn quốc. “Hiện tại, toàn bộ hệ thống siêu thị Aeon không có biến động về giá cả, nhất là các mặt hàng thiết yếu”, ông Nguyễn Nhơn Quý nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, mặt hàng nông sản giá cũng không có biến động. Tại một số chợ dân sinh phố Bạch Mai, chợ Nguyễn Công Trứ, bí xanh có giá 25 nghìn đồng/kg, su su 15 nghìn đồng/kg, rau bắp cải từ 8.000-10.000 đồng/kg, cà chua 8.000-10.000 đồng/kg, su hào 10.000 đồng/4 củ; hành, mùi 25 nghìn đồng/kg...

Giá cả ổn định, đảm bảo phòng chống dịch tại các chợ và siêu thị ảnh 1Tại chợ Hôm, mặt hàng gia súc, gia cầm và nông sản vẫn luôn giữ giá ở mức ổn định. (Ảnh: Minh Hiếu/Vietnam+)

Chị Diệp Anh (quận Hai Bà Trưng) chia sẻ: “Mặc dù dịch bệnh ở Hà Nội đang phức tạp nhưng gia đình tôi không hề hoang mang. Sáng nay tôi đi chợ chỉ mua đủ lượng thức ăn trong ngày, không tích trữ thức ăn, hàng hóa. Giá các loại thực phẩm tại chợ cũng tương đối ổn định.” 

Chấp hành quy định phòng chống dịch

Cũng tại các điểm phố hay có chợ cóc như đê Trần Khát Chân, Lương Yên, Nguyễn Cao (quận Hai Bà Trưng) tình trạng họp chợ rau, hoa quả từ sớm tinh mơ đã chấm dứt. Lực lượng chức năng trong khu vực đã cắm biển yêu cầu không họp chợ đồng thời nhắc nhở bà con không tập trung họp chợ cũng như phải thực hiện giãn cách theo quy định.

Tại khu vực chợ dân sinh, các tiểu thương hầu như đều có ý thức trong việc giãn cách giữa các gian chợ, nhắc nhở khách hàng đeo khẩu trang trước khi vào mua, giữ khoảng cách an toàn...

Chị N.T, tiểu thương chợ Nguyễn Công Trứ (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết: “Thời gian gần đây, diễn biến dịch bệnh rất phức tạp nên khách đến mua phải đeo khẩu trang thì tôi mới tiếp, ngoài ra cũng nhắc phải giữ khoảng cách trong lúc mua bán hàng để tránh tiếp xúc gần…”

Còn tại một số trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn thành phố như Vincom Trần Duy Hưng, Aeon Hà Đông (quận Hà Đông)… các biện pháp phòng, chống dịch tiếp tục được triển khai, trong đó, công tác tuyên truyền được đặt lên hàng đầu. Bên cạnh các bảng khuyến cáo người dân thực hiện thông điệp 5K đặt tại vị trí dễ nhìn, dễ thấy ở các lối ra vào, phát loa yêu cầu người dân tới mua sắm đeo khẩu trang, giữ khoảng cách…

Ngoài ra, các đầu chợ lớn như chợ Hôm, chợ Vĩnh Tuy, chợ cá Yên Sở, các siêu thị,… thì ngay từ ngoài cổng, ban quản lý chợ cũng đã đặt biển nhắc nhở người dân đeo khẩu trang đồng thời bố trí nhân viên trực đo thân thiệt cho người dân vào trong mua sắm.

Ông Cao Hữu Giáp, đại diện Ban quản lý chợ cá Yên Sở (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết đối mỗi tiểu thương tại đây đều phải tuân thủ theo các biện pháp 5K của Bộ Y tế: Đeo khẩu trang, giãn cách, khai báo rửa tay sát khuẩn,… thì mới được vào kinh doanh. Ngoài ra, đối với mỗi xe tải vận chuyển từ các tỉnh thành khác vào Hà Nội đều phải qua 1 chốt trạm kiểm dịch của Thành phố, khi tới đây thì đều được lưu lại thông tin đầy để dễ dàng truy vết trong trường hợp có vấn đề xảy ra.

Giá cả ổn định, đảm bảo phòng chống dịch tại các chợ và siêu thị ảnh 2Cổng chợ Vĩnh Tuy cắm biển nhắc nhở người dân đeo khẩu trang và thực hiện các biện pháp 5K khi ra vào chợ. (Ảnh: Minh Hiếu/Vietnam+)

Bên cạnh việc đa số các địa phương thực hiện tốt quy định thì tại một số nơi người dân vẫn chưa tuân thủ nghiêm. Cụ thể, theo ghi nhận tại một số điểm ra vào chợ, mặc dù đã có thông báo yêu cầu hộ kinh doanh, người dân đeo khẩu trang khi ra vào chợ, thế nhưng lại không có lực lượng chốt trực, tuần tra nhắc nhở một số tiểu thương, người mua hàng lại “quên” đeo khẩu trang, hoặc có đeo nhưng không che mũi, miệng. Vẫn còn nhiều người chưa thực hiện quy định giãn cách, vẫn đứng sát nhau khi đi chợ.

Theo chỉ thị số 11/CT-UBND về phòng chống dịch COVID-19, các hộ gia đình, chung cư, trường học, trụ sở làm việc, hội họp, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ đầu mối, chợ dân sinh, khu công nghiệp, nhà máy... tuân thủ nghiêm theo Quyết định số 3888/QĐ-BYT ngày 08/9/2020 của Bộ Y tế ban hành sổ tay hướng dẫn phòng, chống dịch tại cộng đồng trong trạng thái bình thường mới.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 có nguy cơ lây lan rộng, chợ là một trong những nơi có nguy cơ rất cao. Do đó, chính quyền các cấp, đơn vị quản lý, kinh doanh khai thác chợ trên địa bàn cần thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch, xử lý nghiêm các trường hợp tiểu thương, khách mua vi phạm và ngay cả với những tập thể, cá nhân thuộc các đơn vị quản lý không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục