Bài 1: Ánh sáng cuối đường hầm của những tù nhân chịu án oan

Giám sát tình hình oan sai - Bảo vệ Công lý và Quyền con Người (P1)

Giám sát tình hình oan sai là vấn đề quan trọng và cần thiết trong công tác cải cách tư pháp, phóng viên TTXVN đã thực hiện chùm 5 bài viết nhằm làm rõ hơn về vấn đề này.

Giám sát tình hình oan sai - Bảo vệ Công lý và Quyền con Người (P1) ảnh 1Ông Huỳnh Văn Nén tại buổi xin lỗi công khai do ngồi tù oan vào cuối năm 2015. (Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN)

Giám sát là một chức năng cơ bản của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân, thể hiện ý chí của cử tri và là một trong những tiêu chí đánh giá hiệu quả của quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Giám sát oan sai trong hoạt động tư pháp, bảo vệ quyền con người luôn là vấn đề quan trọng và cần thiết trong công tác cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị.

[Chống oan sai, bỏ lọt tội phạm là nhiệm vụ hàng đầu của ngành kiểm sát]

Thông qua hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân về việc thực hiện pháp luật tại các cơ quan tư pháp, nhiều vụ án đã được đưa ra xem xét lại, nhiều bị can, bị cáo đã được minh oan, thoát khỏi cảnh tù tội, thậm chí cả án tử hình, để trở về với gia đình và xã hội.

Phóng viên TTXVN đã thực hiện chùm 5 bài viết nhằm làm rõ hơn hiệu quả công tác giám sát trong việc bảo vệ quyền công dân, cũng như những yêu cầu thực tiễn trong công tác phòng, chống oan sai hiện nay.

Bài 1: Ánh sáng cuối đường hầm

Trong lịch sử xét xử ghi nhận có những vụ án gây rúng động dư luận bởi hành vi phạm tội man rợ giết người, hiếp dâm... nhưng bị cáo, bị án liên tục kêu oan, không thừa nhận hành vi phạm tội.

Nhiều năm liền, người nhà bị cáo mang đơn kêu oan tới các cơ quan công quyền, thậm chí xuất hiện thêm những chứng cứ mới phát sinh... Song, vụ việc vẫn rơi vào im lặng.

Đến khi Quốc hội - cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất thực hiện giám sát tình hình oan sai trong những vụ án này thì mọi việc mới dần được sáng tỏ.

Người tù thế kỷ

Ngày 23/4/1998, tại tỉnh Bình Thuận xảy ra vụ án bà Lê Thị Bông (trú thôn 2, xã Tân Minh; nay là thị trấn Tân Minh, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận) bị giết chết và cướp đi chiếc nhẫn vàng một chỉ.

Ngày 17/5/1998, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Bình Thuận đã bắt tạm giam ông Huỳnh Văn Nén vì nghi là thủ phạm giết bà Bông.

Ngày 31/8/2000, tại phiên tòa sơ thẩm, ông Nén khai do bị bức cung, nhục hình nên buộc phải nhận tội giết bà Bông.

Tuy nhiên, Tòa án nhân dân tỉnh Bình Thuận vẫn tuyên phạt bị cáo tù chung thân về hai tội “Giết người” và “Cướp tài sản."

Giám sát tình hình oan sai - Bảo vệ Công lý và Quyền con Người (P1) ảnh 2Ông Huỳnh Văn Nén và gia đình tại buổi xin lỗi công khai của Tòa án Nhân dân tỉnh Bình Thuận vào sáng 3/12/2015. (Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN)

Do ông Nén nộp đơn kháng cáo kêu oan quá thời hạn, ngày 12/12/2000, Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân Tối cao tại Thành phố Hồ Chí Minh không chấp nhận đơn kháng cáo và đình chỉ xét xử phúc thẩm, bản án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật.

Trong quá trình điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Bình Thuận còn buộc ông Nén khai nhận cùng nhiều người trong gia đình vợ giết bà Dương Thị Mỹ ở cùng thôn vào đêm 18/5/1993.

Từ lời khai này, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Bình Thuận phục hồi điều tra vụ án bà Mỹ bị giết, khởi tố Huỳnh Văn Nén và 9 người trong gia đình ông.

Vụ án này ông Nén bị tuyên phạt 6 năm tù. Sau đó, vụ việc được kết luận là vụ án oan sai; các bị cáo đã được đình chỉ điều tra, trả tự do.

Các cơ quan pháp luật xin lỗi công khai và bồi thường oan sai. Riêng ông Huỳnh Văn Nén không được bồi thường, tiếp tục thụ án tù chung thân vụ án bà Lê Thị Bông.

Ngày 2/9/2000, biết tin ông Nén bị kết án tù chung thân trong vụ giết bà Bông, ông Nguyễn Phúc Thành (lúc đó đang thụ án về tội cố ý gây thương tích tại Trại giam Sông Cái, tỉnh Ninh Thuận) do biết rõ thủ phạm trong vụ án này nên đã viết đơn tố giác gửi Ban Giám thị trại giam.

Nội dung đơn tố giác của ông Thành được chuyển cho Cục Quản lý trại giam, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng - Cục V26 (nay là Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng - Cục C10), Bộ Công an.

Sau đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Bình Thuận cử điều tra viên Cao Văn Hùng (người điều tra vụ án bà Lê Thị Bông) đi xác minh. Đơn tố giác nói trên sau đó rơi vào im lặng.

Sau nhiều năm, ông Huỳnh Văn Nén phải ngồi tù và gia đình mang đơn đi kêu oan khắp nơi, đến tháng 9/2014, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao kháng nghị tái thẩm vụ án.

Sau đó, Tòa án nhân dân Tối cao hủy án đã tuyên trước đó để điều tra lại.

Ngày 22/10/2015, ông Huỳnh Văn Nén được cho tại ngoại để chữa bệnh sau 17 năm ngồi tù.

Vụ án này đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành lập Đoàn giám sát, xem xét toàn bộ sự việc và phát hiện có dấu hiệu oan sai.

Cụ thể, quá trình điều tra không có nhân chứng, không thu thập được dấu vết, vật chứng.

Ông Nén được xác định dùng dây thừng siết cổ bà Bông nhưng sợi dây Cơ quan điều tra thu giữ lại là sợi dây khác.

Hai dấu vết chân có kích thước khác nhau thu được tại hiện trường giám định không trùng với kích thước dấu chân của ông Nén.

Các lời khai của ông Huỳnh Văn Nén mâu thuẫn lúc nhận tội, lúc không nhận tội. Trong khi đó, ông Nén khai bị mớm cung, nhục hình ngay từ khi bị bắt.

Tại cuộc thảo luận của Quốc hội về báo cáo phòng, chống tội phạm của các cơ quan tố tụng, chiều 28/10/2015, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội khi đó là bà Lê Thị Nga đã đề nghị đình chỉ điều tra đối với ông Huỳnh Văn Nén và nhấn mạnh: "Với những dấu hiệu khá rõ mà Đoàn giám sát oan sai chỉ ra, đề nghị Cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Thuận khẩn trương kết thúc điều tra. Nếu Huỳnh Văn Nén không phạm tội thì phải sớm đình chỉ điều tra và bồi thường mà không phụ thuộc vào việc có tìm ra hung thủ thực sự hay không."

Giám sát tình hình oan sai - Bảo vệ Công lý và Quyền con Người (P1) ảnh 3Đông đảo người dân đến theo dõi buổi xin lỗi công khai ông Huỳnh Văn Nén của Tòa án Nhân dân tỉnh Bình Thuận. (Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN)

Sau kết luận giám sát của Quốc hội, sáng 28/11/2015, Công an tỉnh Bình Thuận đã công bố quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với ông Huỳnh Văn Nén.

Sáng 3/12/2015, Tòa án nhân dân tỉnh Bình Thuận đã tổ chức xin lỗi công khai đối với ông Nén.

Công lý cuối cùng đã trở về với “người tù thế kỷ” này khi thời gian chấp hành án của ông kéo dài từ thế kỷ 20 sang thế kỷ 21.

Thoát chết sau 4 lần bị tuyên án tử hình

Tương tự ông Huỳnh Văn Nén, nhưng căng thẳng hơn khi phải nơm nớp lo sợ bị thi hành án tử hình bất cứ lúc nào, ông Hàn Đức Long (tỉnh Bắc Giang) bị Tòa án kết án tử hình về tội “Hiếp dâm trẻ em” và “Giết người.”

Khoảng 19 giờ ngày 16/5/2005, vợ chồng anh Sơn, chị Liễu (tỉnh Bắc Giang) đi làm về thì phát hiện con gái mình là cháu N.T.Y (sinh năm 2000) bị mất tích.

Sáng hôm sau, thi thể cháu Y. được tìm thấy ở ngoài đồng với nhiều dấu hiệu bị hiếp dâm.

Sau 4 tháng điều tra, Cơ quan cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Bắc Giang không xác định được nghi phạm nên đã ra quyết định đình chỉ vụ án; đồng thời, phát động quần chúng tố giác tội phạm.

Cơ quan điều tra đã nhận được đơn của bà N.T.Kh và con dâu tố cáo người cùng thôn là ông Hàn Đức Long hiếp dâm hai người này.

Từ đó, Cơ quan điều tra bắt tạm giam ông Hàn Đức Long để điều tra.

Giám sát tình hình oan sai - Bảo vệ Công lý và Quyền con Người (P1) ảnh 4Tử tù Hàn Đức Long tại buổi công khai xin lỗi tại xã Phúc Sơn, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang. (Ảnh: Tùng Lâm/TTXVN)

Quá trình điều tra, ông Long khai nhận hiếp dâm rồi giết cháu Y. Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm và tuyên ông Hàn Đức Long án tử hình, mặc dù tại phiên tòa ông Long kêu oan và không nhận tội.

Tòa án nhân dân Tối cao xét xử phúc thẩm và tuyên y án sơ thẩm. Sau đó, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao xử Giám đốc thẩm đã quyết định hủy bản án sơ thẩm và bản án phúc thẩm để điều tra lại từ đầu.

Đến năm 2011, Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang đưa vụ án oan này ra xét xử sơ thẩm lần 2 và Tòa án nhân dân Tối cao xử phúc thẩm lần 2 vẫn giữ nguyên phán quyết tử hình đối với Hàn Đức Long.

Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét vụ án này và nhận thấy ngoài lời khai nhận của bị can, quá trình điều tra như khám nghiệm hiện trường không thu thập được dấu vết, chứng cứ khác về hành vi Hiếp dâm, Giết người; chưa làm rõ thời gian chết và việc sử dụng thời gian của bị can, chứng cứ trong hồ sơ vụ án còn nhiều mâu thuẫn... Từ đó, Đoàn giám sát đề nghị, các cơ quan tố tụng xem xét lại vụ việc.

Cuối năm 2014, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao xét xử Giám đốc thẩm quyết định tuyên hủy bản án sơ thẩm và phúc thẩm tuyên tử hình bị can Hàn Đức Long. Sau đó, vụ án được giao cho Cơ quan tố tụng tỉnh Bắc Giang điều tra lại.

Ngày 20/12/2016, xét thấy không đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với bị can Hàn Đức Long về các tội Giết người, Hiếp dâm, Hiếp dâm trẻ em, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang đã quyết định đình chỉ vụ án, hủy bỏ biện pháp tạm giam với bị can Hàn Đức Long.

Được ra tù sau 11 năm bị giam, ông Hàn Đức Long không thoát khỏi nỗi ám ảnh của những ngày tháng ngục tù.

Ông kể lại hồi đó, tinh thần của người bị án tử hình như ông suy sụp hoàn toàn, nhiều lúc muốn tự kết liễu.

Tuy nhiên, nghĩ mình bị oan nên ông cố sống để chờ ngày được minh oan. Theo quy định, người bị kết án tử hình luôn bị cùm chân, tay liên tục, 1 tuần mới được tháo ra 15 phút để làm vệ sinh.

Điều này khiến tinh thần của ông bị ảnh hưởng nghiêm trọng mặc dù đã ra tù. Kể từ khi bị bắt giam và kết án oan, trong suốt 11 năm, không đêm nào ông được ngủ một giấc trọn vẹn.

Chỉ cần có một tiếng động nhẹ, ông lại lo sợ sẽ có người mở cửa dẫn đi thi hành án tử hình...

Cuộc đời của những bị án như ông Hàn Đức Long, Huỳnh Văn Nén... sang trang mới, được nhìn thấy “ánh sáng cuối đường hầm” là nhờ có sự vào cuộc của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, sự giám sát tối cao của Quốc hội - Cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân./.

Bài 2: Đề cao nguyên tắc suy đoán vô tội

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục