Hà Nội hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể do phụ nữ làm chủ

Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội cho biết phát triển kinh tế tập thể do phụ nữ làm chủ đang là một trong những hướng đi vững chắc của tổ chức Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp.
Hà Nội hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể do phụ nữ làm chủ ảnh 1Ảnh minh họa. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Nhằm tạo điều kiện phát triển kinh tế tập thể do phụ nữ làm chủ, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội đang tích cực triển khai các hoạt động tuyên truyền, tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác... Nhiều đơn vị sản xuất đã xây dựng uy tín, tạo việc làm và thu nhập ổn định, bền vững cho các hội viên.

Với mục đích hỗ trợ nhau cùng phát triển, năm 2017, Tổ liên kết phát triển kinh tế cốm Vòng, Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy) được thành lập với 17 thành viên tham gia. Sau 5 năm phát triển, Tổ đã đổi tên là Tổ hợp tác cốm Vòng.

Ngoài sản xuất sản phẩm cốm tươi, Tổ hợp tác còn sáng tạo làm thêm các món ăn từ cốm như: Chả cốm, bánh cốm, xôi cốm, chè cốm... có chất lượng, vừa an toàn vừa hợp khẩu vị, được nhiều thực khách cả nước ưa chuộng, thưởng thức.

Theo bà Lê Thị Minh Tâm, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Dịch Vọng Hậu, được sự giúp đỡ của Hội, các thành viên trong Tổ hợp tác cốm Vòng thường xuyên được tham gia các hội nghị tập huấn, nâng cao kiến thức và giao lưu, học tập kinh nghiệm, cùng hỗ trợ nhau quảng bá sản phẩm, từng bước khẳng định và phát triển thương hiệu cốm làng Vòng.

Xuất phát từ nhu cầu thực tế của thị trường, đồng thời mong muốn thúc đẩy phát triển chăn nuôi gà “sạch,” Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tiến Xuân (huyện Thạch Thất) đã thành lập Tổ hợp tác gà đồi với 15 thành viên. Mỗi gia đình tham gia tổ hợp tác có quy mô đàn gà từ 500 con trở lên.

[Phát triển kinh tế tập thể năng động, hiệu quả, bền vững]

Chị em là thành viên của Tổ hợp tác được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, tiếp cận theo hướng công nghệ sinh học, vừa góp phần bảo vệ môi trường, vừa nâng cao chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, các thành viên còn được hỗ trợ giới thiệu sản phẩm, kiểm định chất lượng.

Gà thương phẩm cung cấp ra thị trường bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm nên lượng hàng tiêu thụ tăng, giúp các thành viên có thu nhập ổn định, góp phần cải thiện cuộc sống.

Có gia đình hội viên còn phát triển trang trại tổng hợp, nuôi lợn rừng, gà đồi, thả cá kết hợp trồng các loại cây ăn quả, mỗi năm thu nhập trên 300 triệu đồng, tạo việc làm cho 5-7 lao động thời vụ tại địa phương.

Cũng bắt đầu vào năm 2018 với 24 thành viên chủ yếu là hội viên phụ nữ, Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Nam Phương Tiến, xã Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ) xác định hướng đi của Hợp tác xã là sản xuất sản phẩm hữu cơ, trọng tâm là lúa chất lượng cao và bưởi Diễn. Sau vài năm nỗ lực, hiện hợp tác xã đã xây dựng thành công nhãn hiệu “Gạo hữu cơ Japonica Nam Phương Tiến.”

Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Nam Phương Tiến Nguyễn Thị Mùi cho biết, Hợp tác xã đang sản xuất 35ha lúa chất lượng cao theo tiêu chuẩn hữu cơ, với sản lượng hằng năm khoảng 400 tấn.

Với cây bưởi Diễn, sản lượng hằng năm khoảng 5.500 tấn. Để tạo đầu ra ổn định, Hợp tác xã cam kết bao tiêu sản phẩm cho thành viên và các hộ nông dân.

Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương cho biết phát triển kinh tế tập thể do phụ nữ làm chủ đang là một trong những hướng đi vững chắc của tổ chức Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp.

Hà Nội hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể do phụ nữ làm chủ ảnh 2Ảnh minh họa. (Ảnh: Hoài Thu/TTXVN)

Đến nay, các cấp Hội đã hỗ trợ thành lập 19 hợp tác xã, 26 tổ hợp tác, 74 tổ liên kết do phụ nữ tham gia quản lý, điều hành hỗ trợ lẫn nhau sản xuất, kinh doanh với lĩnh vực hoạt động đa dạng gồm chăn nuôi, trồng trọt, sản xuất nông sản an toàn, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ...

Các cấp Hội đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm từ các hợp tác xã, tổ hợp tác do phụ nữ làm chủ, trong đó chú trọng hỗ trợ phát triển thương mại điện tử và xây dựng thương hiệu...

Thời gian tới, các cấp Hội sẽ tiếp tục tổ chức tốt các hoạt động tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên nắm chắc chính sách của Nhà nước về kinh tế tập thể; chủ động vận động phát triển các loại hình kinh tế tập thể do phụ nữ làm chủ, đồng thời khai thác các nguồn lực hỗ trợ, đề xuất cơ chế, chính sách giúp nâng tầm, mở rộng quy mô sản xuất và thị trường tiêu thụ, tạo điều kiện nâng cao thu nhập cho hội viên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục