Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc họp kín về hỗ trợ nhân đạo cho Syria

Quan chức LHQ cho biết Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã đồng ý để Liên hợp quốc chuyển hàng viện trợ tới Syria thông qua 2 cửa khẩu biên giới khác từ Thổ Nhĩ Kỳ trong 3 tháng tới.
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc họp kín về hỗ trợ nhân đạo cho Syria ảnh 1Người dân đốt lửa sưởi ấm trong thời tiết giá lạnh do bị mất nhà cửa sau trận động đất tại Jindayris, Syria, ngày 7/2/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 13/2, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã tiến hành họp kín thảo luận về các cách thức tăng cường hỗ trợ Syria sau thảm họa động đất xảy ra tuần trước trong bối cảnh ngày càng nhiều lời kêu gọi mở cửa biên giới để vận chuyển hàng cứu trợ tới quốc gia này.

Tại cuộc họp, người đứng đầu Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) Martin Griffiths đọc bản báo cáo về vấn đề nhân đạo sau chuyến thị sát tới Thổ Nhĩ Kỳ và Syria cuối tuần qua.

Chia sẻ trên Twitter, ông nhấn mạnh các nỗ lực cứu trợ nhân đạo ở Tây Bắc Syria chưa đáp ứng nhu cầu thực tế, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế nhanh chóng bù đắp sự thiếu hụt này.

[Các trường học tại Syria vắng hẳn tiếng cười sau thảm họa động đất]

Trận động đất có độ lớn 7,8 xảy ra tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria rạng sáng 6/2 vừa qua đã khiến khoảng 37.000 người thiệt mạng, riêng tại Syria là hơn 5.300 người. Hiện nhiều cộng đồng địa phương ở cả hai nước đều đang cần được hỗ trợ khẩn cấp.

Kể cả trước khi động đất xảy ra, hầu hết các hoạt động cứu trợ nhân đạo cần thiết cho hơn 4 triệu người sống ở các vùng do lực lượng đối lập kiểm soát ở Tây Bắc Syria đều được vận chuyển từ Thổ Nhĩ Kỳ qua cửa khẩu Bab al-Hawa.

Hoạt động này đã bị gián đoạn sau động đất nhưng đến nay đã được nối lại.

Trước tình hình khó khăn thực tế tại đây, ngày càng nhiều lời kêu gọi mở thêm các cửa khẩu khác để hỗ trợ vận chuyển hàng cứu trợ tới Syria.

Tại cuộc họp kín, ông Griffiths cho biết Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã đồng ý để Liên hợp quốc chuyển hàng viện trợ tới Syria thông qua 2 cửa khẩu biên giới khác từ Thổ Nhĩ Kỳ trong 3 tháng tới.

Trong khi đó, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cũng cho biết Tổng thống al-Assad đã nhất trí sẽ mở các cửa khẩu Bab Al-Salam và Al Ra'ee.

Như vậy, Liên hợp quốc có thể sử dụng tổng cộng 3 cửa khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ để tiếp cận vùng Tây Bắc Syria.

Tổng Thư ký Guterres cho biết việc mở thêm các cửa khẩu, cùng với việc tạo điều kiện cho tiếp cận nhân đạo, đẩy nhanh việc cấp thị thực và việc đi lại giữa các địa phương thuận tiện hơn sẽ cho phép triển khai các hoạt động cứu trợ nhanh hơn.

Tương tự, ngày 13/2, Nhà Trắng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc mở thêm các cửa khẩu để tạo điều kiện cho hoạt động cứu trợ.

Phóng viên TTXVN tại Washington dẫn lời Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho biết Mỹ đã cử một đoàn gồm 10 xe tải đã tiến vào Syria hôm 12/2, đồng thời khẳng định Washington sẵn sàng cung cấp mọi viện trợ nhân đạo cần thiết cho các nạn nhân động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria.

Trước đó, Chính phủ Syria phản đối việc vận chuyển hàng cứu trợ qua biên giới nước này để tới những vùng mà lực lượng đối lập kiểm soát, cho rằng hành động này vi phạm chủ quyền quốc gia.

Cũng trong ngày 13/2, Tổng thống Bashar al-Assad đã kêu gọi cộng đồng quốc tế tập trung các nỗ lực cứu trợ cho mục tiêu tái thiết quốc gia sau thảm họa động đất.

Thông báo từ Văn phòng Tổng thống Syria nêu rõ nhà lãnh đạo này đã nhấn mạnh tầm quan trọng của các nỗ lực cứu trợ quốc tế dành cho việc hỗ trợ xây dựng lại cơ sở vật chất ở Syria.

Theo Liên hợp quốc, khoảng 5,3 triệu người dân Syria đã bị mất nhà cửa do ảnh hưởng của trận động đất. Hiện người dân vẫn đang rất cần những hỗ trợ về thực phẩm, y tế, dinh dưỡng, lều tạm trú, vật dụng tránh rét mùa Đông và các hàng hóa thiết yếu khác.

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc họp kín về hỗ trợ nhân đạo cho Syria ảnh 2Em nhỏ bị thương sau trận động đất tại thị trấn Jindayris, tỉnh Aleppo, Syria, ngày 10/2/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trả lời phỏng vấn báo chí, người phát ngôn của Văn phòng Hiệp hội Chữ thập Đỏ và Trăng Lưỡi liềm Đỏ Quốc tế  (IFRC) tại Beirut, Mey al-Sayegh, cho biết tình trạng thiếu thiết bị y tế và cứu hộ đã giới hạn đáng kể năng lực hỗ trợ của cơ quan này tại những vùng chịu ảnh hưởng của động đất ở Syria.

Theo bà, do ảnh hưởng của cuộc xung đột từ năm 2011, IFRC đã không còn đủ thiết bị cần thiết để thực hiện các nhiệm vụ hỗ trợ tại Syria.

Bên cạnh đó, điều kiện thời tiết giá lạnh tại Syria và Thổ Nhĩ Kỳ cũng gây thêm những trở ngại đáng kể cho các nỗ lực cứu trợ tại hiện trường.

Tổ chức này đã hỗ trợ Hội Chữ thập đỏ Syria 1 triệu franc Thụy Sĩ (khoảng 1,09 triệu USD) và Thổ Nhĩ Kỳ 2 triệu franc Thụy Sĩ.

Có trụ sở tại Geneva (Thụy Sĩ), IFRC là mạng lưới nhân đạo lớn nhất thế giới hỗ trợ Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ ở hơn 192 nước với sự tham gia của gần 15 triệu tình nguyện viên.

Trong diễn biến liên quan, theo phóng viên TTXVN tại Bắc Phi, ngày 13/2, Ngoại trưởng Libya Najla Al-Mangoush thông báo nước này hỗ trợ 50 triệu USD để tái thiết các khu vực bị ảnh hưởng trận động đất kinh hoàng ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Bà Al-Mangoush đã đến Ankara để chia buồn và thể hiện sự đoàn kết của Libya với chính phủ và người dân Thổ Nhĩ Kỳ.

Phát biểu trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu ở Ankara, Ngoại trưởng Al-Mangoush cũng cho biết các đội cứu hộ Libya hiện đang thực hiện nhiều nhiệm vụ ở các khu vực bị động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó có thiết lập các điểm y tế dã chiến tại chỗ.

Trước đó ngày 12/2, Libya đã điều 2 máy bay hàng cứu trợ tới Syria và Thổ Nhĩ Kỳ để giúp 2 quốc gia này đối phó với hậu quả của động đất./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục