Indonesia đã vượt qua các nền kinh tế phát triển như Nga và Anh, trở thành một trong 10 quốc gia sản xuất lớn nhất thế giới theo đánh giá của Liên hợp quốc.
Trung Quốc nắm giữ vị trí đầu bảng xếp hạng.
Trưởng nhóm phân tích của Tổ chức phát triển công nghiệp Liên hợp quốc Shyam Upadhyaya cho biết năm 2015, Indonesia đứng ở vị trí thứ 12, song nhờ có chính sách phát triển phù hợp, quốc gia Đông Nam Á này đã khắc phục được những khó khăn do tác động của kinh tế toàn cầu và đã có những cải thiện tích cực trong bậc thang phân loại.
Số liệu thống kê của Liên hợp quốc cho thấy Indonesia đang bắt đầu gặt hái những thành công từ sự cải thiện năng suất và chính sách tài khóa dưới thời Tổng thống Joko Widodo. Chính những điều này đã giúp Indonesia giảm tỷ lệ lạm phát và thu hút được nhiều đầu tư nước ngoài hơn.
Lĩnh vực công nghiệp của nước này, hiện chiếm gần 25% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), đã giảm bớt được sự phụ thuộc vào các mặt hàng thô như dầu cọ và than đá.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng quốc gia có dân số lớn thứ 4 thế giới này vẫn còn không ít khó khăn trong phát triển kinh tế. Tình trạng thiếu thốn cơ sở hạ tầng đã cản trở hàng hóa của Indonesia thâm nhập vào các thị trường, trong khi đó trình độ lao động thấp, giá điện và các nguyên vật liệu cao và thủ tục hành chính phức tạp cũng đã làm gia tăng chi phí sản xuất.
Ngoài ra, Indonesia cũng đang đối mặt với sức ép cạnh tranh gay gắt từ các quốc gia láng giềng trong khu vực trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài./.