Iran cảnh báo rút khỏi Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí Hạt nhân

Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif ngày 28/4 cảnh báo Iran có thể sẽ rút khỏi Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí Hạt nhân (NPT) sau khi Mỹ siết chặt trừng phạt nhằm vào Tehran.
Iran cảnh báo rút khỏi Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí Hạt nhân ảnh 1Quang cảnh nhà máy hạt nhân Natanz, cách thủ đô Tehran (Iran) 270km về phía Nam. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Truyền thông nhà nước Iran dẫn lời Ngoại trưởng nước này Mohammad Javad Zarif ngày 28/4 cảnh báo Iran có thể sẽ rút khỏi Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí Hạt nhân (NPT) sau khi Mỹ siết chặt trừng phạt nhằm vào Tehran.

Kênh truyền hình nhà nước IRIB dẫn lời ông Zarif nêu rõ Iran đang cân nhắc rất nhiều lựa chọn và một trong số đó là rút khỏi NPT. Iran cũng từng đưa ra cảnh báo tương tự khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) mà Iran ký với P5+1 năm 2015.

Trước đó, ngày 22/4, Mỹ đã yêu cầu các các đối tác ngừng mọi hoạt động trao đổi với Iran trước tháng Năm nếu không sẽ phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt, qua đó chấm dứt sáu tháng miễn trừ trừng phạt vốn cho phép tám đối tác nhập khẩu dầu lớn nhất của Iran, chủ yếu là các quốc gia châu Á, nhập một lượng dầu hạn chế từ quốc gia này.

[Các cường quốc cam kết bảo vệ hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân]

Ngày 23/4, giá dầu tăng lên mức cao nhất từ tháng 11/2018 sau khi Washington tuyên bố mọi hình thức miễn trừ trừng phạt với hoạt động nhập khẩu dầu Iran sẽ kết thúc vào tuần tới, buộc các nhà nhập khẩu dừng mua dầu từ Tehran và tiếp tục khiến nguồn cung toàn cầu bị thu hẹp.

Tháng 11 năm ngoái, Mỹ tái áp đặt trừng phạt đối với xuất khẩu dầu thô của Iran sau khi Tổng thống Donald Trump đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 giữa Iran và sáu cường quốc thế giới.

Tuy nhiên, Washington đã cấp quy chế miễn trừ cho tám nước và vùng lãnh thổ được phép tiếp tục mua dầu thô của Iran trong sáu tháng tiếp theo với số lượng hạn chế. Danh sách này bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Đài Loan (Trung Quốc), Thổ Nhĩ Kỳ, Italy và Hy Lạp. Các quy chế miễn trừ này sẽ hết hạn vào đầu tháng Năm tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục