Iran tăng cường hiện diện ở Trung Á, thách thức vị thế Saudi Arabi

Sức hút của Iran đối với các quốc gia Trung Á làm tăng tầm quan trọng của nước Cộng hòa Hồi giáo đối với dự án "Vành đai và Con đường."
Iran tăng cường hiện diện ở Trung Á, thách thức vị thế Saudi Arabi ảnh 1Biên giới Tajikistan và Kyrgyzstan. (Nguồn: eurasiareview.com)

Theo eurasiareview.com, Saudi Arabia có thể đã nhận được nhiều hơn họ dự tính khi chính quyền ở Khujand, thành phố lớn thứ hai của Tajikistan, ra lệnh rằng các đền thờ Hồi giáo lớn nhất và nổi tiếng nhất của thành phố phải chuyển đổi thành rạp chiếu phim.

Lệnh này đã được đưa ra sau vụ việc đóng cửa khoảng 2.000 đền thờ Hồi giáo ở nước này trong 3 năm qua và vụ bắt giữ hồi tháng trước nhiều giáo sỹ Hồi giáo, nhiều người trong số họ đã bị cáo buộc là thành viên của tổ chức Anh em Hồi giáo, một nhóm bị cấm hoạt động ở cả Tajikistan và Saudi Arabia.

Ngày càng ít đàn ông để râu ở Tajikistan sau khi bị cảnh sát làm phiền, trong khi phụ nữ mặc áo trùm đầu rất nhiều sau khi nhiều người bị giam giữ và đe dọa.

Các vụ bắt giữ chắc chắn sẽ làm hài lòng các nhà lãnh đạo Saudi Arabia, những người đã can thiệp để giúp Tajikistan về tài chính hồi năm 2015 khi quan hệ của nước này với Iran xấu đi do Iran yêu cầu Tajikistan phải hoàn trả một phần khoản nợ khổng lồ, cáo buộc một doanh nhân bị buộc tội lừa đảo ở nước Cộng hòa Hồi giáo này đã gửi số tiền lớn vào Ngân hàng Quốc gia Tajikistan, và cuộc gặp giữa nhà lãnh đạo tinh thần Iran Ayatollah Ali Khamenei và một nhà lãnh đạo phe đối lập ở Tajikistan.

Khi quan hệ với Saudi Arabia được cải thiện và vương quốc này cam kết bơm tiền vào các dự án cơ sở hạ tầng như nhà máy thủy điện Rogun và đường cao tốc ở miền Đông Tajikistan cũng như lĩnh vực giáo dục, Tajikistan đã cáo buộc Iran liên quan đến vụ sát hại các nhân vật chính trị và xã hội của Tajikistan cũng như 20 sỹ quan quân đội Nga trong cuộc nội chiến ở Tajikistan thập kỷ 90 của thế kỷ trước.

Chính quyền Tajikistan cũng đã đóng cửa một trung tâm văn hóa và thương mại của Iran tại Khujand và đã giúp cản trở đơn của Iran xin chính thức gia nhập Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) do Trung Quốc lãnh đạo. Iran hiện là một quan sát viên tại SCO.

Tuy nhiên, tình hình ở Tajikistan không còn tốt đẹp nữa theo đánh giá của Saudi Arabia và báo trước điềm xấu cho vương quốc này ở những nơi khác ở khu vực Trung Á.

Trên thực tế, quan hệ căng thẳng giữa Tajikistan và Iran suốt hơn 4 năm đã mở đường cho các mối quan hệ của Saudi Arabia với các quốc gia Trung Á ấm lên nhanh chóng.

Tajikistan là quốc gia không có biển, giống như nước láng giềng Uzbekistan của họ, cần ra vào các cảng và chính các cảng của Iran, bao gồm một cảng do Ấn Độ hỗ trợ ở Chabahar trên Biển Arab, cung cấp các lựa chọn vận chuyển rẻ nhất và ngắn nhất.

Sức hút của Iran đối với các quốc gia Trung Á làm tăng tầm quan trọng của nước Cộng hòa Hồi giáo đối với dự án "Vành đai và Con đường," một sáng kiến phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông và năng lượng của Trung Quốc để kết nối lục địa Á-Âu với Bắc Kinh.

Có một yếu tố trớ trêu trong cuộc đàn áp được Saudi Arabia hậu thuẫn nhằm vào các đền thờ Hồi giáo và các giáo sỹ ở Tajikistan - đó là việc bảo vệ Tổng thống Uzbekistan Islam Karimov.

Các cơ quan an ninh nhà nước dưới thời Tổng thống Karimov đã kiểm soát chặt chẽ tôn giáo dưới chiêu bài chống chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan cho đến khi ông qua đời năm 2016.

Shavkat Mirziyoev, người kế nhiệm Karimov, cam kết sẽ đảo ngược các chính sách đàn áp của người tiền nhiệm và chính phủ của ông sẽ "phục vụ lợi ích" của người dân Uzbekistan.

Mirziyoev cũng đã thành lập một học viện nghiên cứu Hồi giáo, được điều hành bởi Hội đồng giáo hội Hồi giáo Uzbekistan.
Trong khi đó, các phái đoàn doanh nghiệp Saudi Arabia đã đến Uzbekistan hai lần vào năm ngoái để tìm kiếm các cơ hội đầu tư.

Tập đoàn dệt may Ajlan & Bros Holding của Saudi Arabia dự định đầu tư 2 tỷ USD vào một hợp tác xã dệt bông của người Uzbekistan trong vòng 5 năm tới.

Là một nhân tố quan trọng đối với lĩnh vực xuất-nhập khẩu của Uzbekistan, Iran dù sao cũng được nêu tên trong tất cả các kế hoạch cơ sở hạ tầng giao thông của Mirziyoev.

Một nghị định được ban hành hồi cuối năm 2017 được xác định là chìa khóa cho các kế hoạch Uzbekistan-Turkmenistan-Iran-Oman, Trung Quốc-Kyrgyzstan-Uzbekistan và 3 hành lang xuyên Afghanistan.

Ba hành lang chạy qua Afghanistan với một tuyến đường sắt chạy từ Termez của Uzbekistan đến Mazar-i-Sharif của Afghanistan làm điểm khởi đầu.

Các kế hoạch của Uzbekistan hình dung tuyến đường sắt được mở rộng đến thành phố Herat của Afghanistan, chạy đến cảng Bandar Abbas, Chabahar của Iran; và Bazargan nằm trên biên giới Iran-Thổ Nhĩ Kỳ.

Sự tập trung của Trung Á vào các cảng của Iran, bất chấp lệnh trừng phạt nghiêm ngặt của Mỹ, càng có ý nghĩa quan trọng hơn đối với cảng Gwadar của Pakistan do Trung Quốc giúp vốn, ở gần bờ biển Chabahar, một vị trí trọng yếu nằm trên Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC), cốt lõi của dự án "Vành đai và Con đường," đang gặp vấn đề.

Công ty vận tải biển Trung Quốc (COSCO) mới đây đã chấm dứt các dịch vụ vận chuyển container giữa Karachi và Gwadar vì thiếu hàng hóa trung chuyển qua Afghanistan.

Zhang Baozhong, Chủ tịch Hãng Overseas Port Holding Company (COPHC) của Trung Quốc, nhấn mạnh thương mại quá cảnh là chìa khóa thành công của Gwadar.

Tháng trước, giới chức trách cảng cho biết 2 container chứa 54 tấn phân bón đã được chuyển tới Gwadar từ Karachi để đưa tới Afghanistan trong một nỗ lực nhằm khởi động thương mại quá cảnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục