Israel kích hoạt hệ thống phòng thủ tên lửa mới ở biên giới với Syria

Ngày 23/7, Israel đã kích hoạt hệ thống phòng không mới nhất của mình ở biên giới với Syria, nơi các lực lượng Chính phủ Syria đã giành chiến thắng trước lực lượng nổi dậy.
Israel kích hoạt hệ thống phòng thủ tên lửa mới ở biên giới với Syria ảnh 1Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. (Nguồn: Reuters)

Ngày 23/7, Israel đã kích hoạt hệ thống phòng không mới nhất của mình ở biên giới với Syria, nơi các lực lượng Chính phủ Syria đã giành chiến thắng trước lực lượng nổi dậy.

Trong một dấu hiệu căng thẳng leo thang, Israel đã phóng hai tên lửa bằng hệ thống đánh chặn tên lửa tầm trung David's Sling (Ná của David) để đánh chặn các rocket mà quân đội Israel nói là rơi vào lãnh thổ Syria.

Theo hãng tin Reuters, động thái trên diễn ra trong bối cảnh Israel được đặt trong tình trạng cảnh giác cao độ khi Tổng thống Syria Bashar al-Assad liên tục giành chiến thắng mới và tiến xuống phía Nam, gần tới Cao nguyên Golan, phần hiện do Israel kiểm soát.

Đây là lần đầu tiên Israel công khai sử dụng hệ thống tên lửa David's Sling, hợp tác sản xuất với công ty Raytheon Co. của Mỹ.

Sự việc này đã kích hoạt hệ thống loa báo động ở miền Bắc Israel và Cao nguyên Golan. Quân đội Israel không cho biết mục tiêu có bị bắn hạ hay không.

[Israel không kích cứ điểm quân sự ở thành phố Misyaf của Syria]

Năm 2017, Israel đã phiên chế hệ thống đánh chặn tên lửa tầm trung David's Sling để bổ sung cho hệ thống đánh chặn tên lửa tầm ngắn Iron Dome (Vòm Sắt) và hệ thống đánh chặn tên lửa tầm xa Arrow (Mũi tên), tạo nên một hệ thống phòng thủ tên lửa đa tầng tinh vi.

Trong một diễn biến liên quan, Moskva đã cử một phái đoàn tới tham gia cuộc đàm phán "khẩn cấp" với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.

Ông Netanyahu đã lên kế hoạch gặp Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga, Tướng Valery Gerasimov vào cuối ngày 23/7.

Trước đó, ông Netanyahu đã hội kiến Tổng thống Nga Vladimia Putin tại Moskva ngày 11/7 vừa qua, trong bối cảnh Israel lo ngại rằng Tổng thống Syria al-Assad có thể không tuân thủ thỏa thuận năm 1974 phi quân sự hóa Cao nguyên Golan, hoặc cho phép các đồng minh Iran và Hezbollah (ở Liban) triển khai tại đây.

Về việc này, quan điểm của Nga là duy trì cách phân chia lực lượng ở khu vực biên giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục