Ngày 1/9, Thủ tướng nước này Matteo Renzi đã công bố kế hoạch mang tên "1.000 ngày" nhằm thực hiện một loạt chương trình cải tổ với mục tiêu đưa Italy khỏi khủng hoảng kinh tế, đồng thời cải cách hệ thống chính trị, hành chính công, hệ thống tư pháp, lao động, giáo dục và nền kinh tế đất nước.
Phát biểu trên truyền hình quốc gia, ông Renzi, 39 tuổi, Thủ tướng trẻ nhất trong lịch sử Italy, bày tỏ hy vọng khi kế hoạch trên kết thúc vào tháng 5/2017, Italy sẽ trở nên mạnh mẽ, đơn giản và có khả năng cạnh tranh cao hơn.
Ông cho biết chương trình được công bố trên Internet để cử tri theo dõi và kiểm tra tiến độ thực hiện. Theo nhà lãnh đạo này, kế hoạch mới sẽ giải phóng Italy khỏi gánh nặng trì trệ của hệ thống hành chính quan liêu và đưa đất nước đi theo những cải cách mà chính phủ đã đề ra khi lên nắm quyền cuối tháng 2/2014.
Kế hoạch "1.000 ngày" bao gồm những cam kết của chính phủ về cải cách lao động nhằm đảm bảo việc làm; duy trì cải cách về thuế thu nhập giúp người thu nhập thấp không phải nộp thuế 80 euro/tháng; thúc đẩy cải cách Hiến pháp nhằm tước quyền lập pháp của Thượng viện và giải tán chính quyền tỉnh để tiết kiệm ngân sách nhà nước; thực hiện một loạt gói cải cách liên quan tư pháp, hành chính công, giáo dục và y tế.
Ông Renzi cam kết tận dụng 6 tháng Italy làm Chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu (EU) để đưa ra một chiến lược liên quan chính sách tài chính. Hiện tại, Italy đang cố gắng duy trì mức trần thâm hụt 3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) mà EU áp đặt cho các nước thành viên Khu vực đồng euro, nhưng trong thời gian qua đã đề nghị EU nới rộng mức trần này.
Chương trình "1.000 ngày" được đưa ra tại thời điểm kinh tế Italy rơi vào cuộc suy thoái thứ ba trong 6 năm qua. Điều này trái ngược với các dự đoán lạc quan của chính phủ rằng kinh tế nước này sẽ có dấu hiệu phục hồi trước cuối năm nay.
Báo cáo công bố cuối tháng 8/2014 của Cơ quan thống kê nhà nước Italy (ISTAT) cho biết GDP trong Quý II/2014 giảm 0,2%, trong khi tăng trưởng trong quý 3 thấp hơn 0,1% so với quý 4/2013.
Cũng theo ISTAT, tỉ lệ người thất nghiệp ở Italy trong tháng 8 vẫn ở mức rất cao, 12,6%; trong khi tỉ lệ thất nghiệp trong thanh niên lên tới 42,9%. Các điều tra trong tháng 7 của ISTAT cho thấy trung bình mỗi ngày có hơn 1.000 người Italy mất việc, trong khi số thanh niên dưới 25 tuổi đang tìm kiếm việc làm lên đến 705.000 người.
ISTAT còn đưa ra các con số cho thấy chỉ số niềm tin của người tiêu dùng và của doanh nghiệp vào sự hồi phục của nền kinh tế giảm mạnh. Việc cắt giảm chi tiêu của cá nhân khiến thị trường co lại và mùa Hè năm 2014 đã chứng kiến Italy rơi vào giảm phát lần đầu tiên kể từ năm 1959.
Tuy nhiên, các cuộc điều tra dư luận mới đây cho thấy cử tri vẫn đặt niềm tin vào ông Renzi, cho rằng ông là người thích hợp để đưa Italy ra khỏi những khó khăn hiện tại./.