Khả năng lạm phát sẽ tăng trở lại trong nửa cuối của năm

“Khả năng lạm phát tăng trở lại trong nửa cuối năm là không thể tránh khỏi, khi giá hàng hóa cơ bản trên thế giới hồi phục kết hợp với những điều chỉnh giá trong nước.”
Khả năng lạm phát sẽ tăng trở lại trong nửa cuối của năm ảnh 1VEPR công bố Báo cáo Kinh tế Vĩ mô quý 2. (Ảnh: PV/Vietnam+)

“Khả năng lạm phát tăng trở lại trong nửa cuối năm là không thể tránh khỏi, khi giá hàng hóa cơ bản trên thế giới hồi phục kết hợp với những điều chỉnh giá trong nước.”

Ông Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Đại học Quốc gia nhấn mạnh, chính sách điều hành cần tránh tâm lý nôn nóng đạt mục tiêu tăng trưởng cao, dẫn tới buông lỏng ổn định kinh tế vĩ mô, tại Buổi công bố Báo cáo Kinh tế Vĩ mô quý 2 do VEPR thực hiện vào ngày 14/7, ở Hà Nội.

Áp lực lạm phát

Theo Báo cáo, kinh tế thế giới quý 2 nổi bật với sự kiện nước Anh quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu. Quyết định này dẫn tới những biến động thị trường khác nhau trong ngắn hạn và có thể tác động đến kinh tế Việt Nam. Trong đó, đáng kể nhất là việc giá năng lượng và hàng hóa cơ bản đang phục hồi ổn định. Điều này khiến áp lực lạm phát trong thời gian tới không chỉ đến từ các đợt điều chỉnh giá các mặt hàng do nhà nước quản lý.

Về sản xuất trong nước, ngành công nghiệp chứng kiến sự suy giảm khi tình hình tăng trưởng nửa đầu năm không đạt như kỳ vọng.

Mặc dù, tăng trưởng thương mại có sự phục hồi cùng với triển vọng thu hút vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp, song VEPR vẫn cho rằng mục tiêu tăng trưởng 6,7% là không thể đạt được.

“VEPR tiếp tục duy trì dự báo tăng trưởng kinh tế 2016 ở mức 6% hoặc thấp hơn,” ông Thành nói.

Khả năng lạm phát sẽ tăng trở lại trong nửa cuối của năm ảnh 2

Cải thiện môi trường kinh doanh… cần sự phối hợp

Về việc cải thiện môi trường kinh doanh, VEPR đánh giá cao quyết tâm của Chính phủ mới. Tuy nhiên, VEPR cho rằng Nghị Quyết 35 của Chính phủ chưa đủ chi tiết và khi triển khai sâu hơn trên thực tế cần có thời gian và phối hợp giữa các Bộ.

Chính phủ mới đã có những bước đi đầu tiên dành cho các doanh nghiệp tư nhân. Tuy nhiên, bản thân Nghị Quyết 35 của Chính phủ chưa đủ chi tiết và khi triển khai sâu hơn, bởi trên thực tế cần có thời gian và phối hợp giữa các Bộ.

Do đó, các chuyên gia kinh tế VEPR khuyến nghị, bên cạnh những nỗ lực cải cách hành chính mạnh mẽ, Chính phủ cần quyết tâm tạo dựng một môi trường cạnh tranh thực sự hữu hiệu, với việc thu hẹp khu vực doanh nghiệp Nhà nước.

“Đây chính là cách hỗ trợ cho doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam một cách tốt nhất trong bối cảnh hiện nay,” ông Thành nói.

Theo VEPR, cơ cấu thu ngân sách đang dần dịch chuyển do một số nguồn bắt đầu suy giảm, trong đó có các khoản lợi tức từ các doanh nghiệp Nhà nước.

“Do vậy về dài hạn, Chính phủ cần chỉ đạo giải quyết dứt điểm bài toán giữa những khoản thu ngắn hạn và lợi ích trong dài hạn,” ông Thành nhấn mạnh.

Ý tưởng huy động vàng góp phần gây bất ổn

Thẳng thắn đưa ra đánh giá khách quan, nhóm nghiên cứu khẳng định, thời gian gần đây có những ý tưởng huy động vàng trong nền kinh tế. Tuy nhiên, ý tưởng này đang góp phần tạo thêm bất ổn về tâm lý thị trường và nếu những ý tưởng này được thực hiện, thì điều này sẽ khiến không gian chính sách bị thu hẹp khi bất ổn vĩ mô xảy tới. Về dài hạn, ý tưởng này cũng đi ngược lại tiến trình chống vàng hoá, đô la hoá nền kinh tế đang bắt đầu có hiệu lực trong nhiệm kỳ Chính phủ vừa qua.

“Chúng tôi cho rằng Ngân hàng Nhà nước cần kiên định con đường tách vàng và ngoại tệ (USD) ra khỏi lưu thông và đưa vào vận hàng theo những nguyên tắc của thị trường tài sản,” người đứng đầu VEPR khuyến nghị.

Cuối cùng, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng cá chết bất thường tại bờ biển của bốn tỉnh miền Trung là tâm điểm của quý 2. Mặc dù chưa thực hiện một ước lượng nghiêm ngặt về những tổn thất này, song VEPR ước tính sơ bộ mức tổn thất vượt qua rất nhiều so với con số 500 triệu USD.

Các chuyên gia VEPR cho rằng, sự kiện này gióng hồi chuông cảnh báo đồng thời đặt ra vấn đề liệu cần phải suy nghĩ lại về mô hình tăng trưởng kinh tế đang theo đuổi ở cả cấp trung ương và địa phương.

“Nếu không xử lý nghiêm minh và bảo đảm một cơ chế bảo vệ môi trường hữu hiệu, thiệt hại cho xã hội và người dân là vô cùng to lớn, đe dọa cuốn trôi những nỗ lực tăng trưởng và ổn định kinh tế-xã hội,” ông Thành nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục