Khối ngoại bán ròng gần 56.000 tỷ đồng trong 11 tháng của năm nay

Theo thống kê 3 sàn HoSE, HNX và UPCoM, 11 tháng năm 2021, khối ngoại bán ròng gần 56.000 tỷ đồng; trong đó, khối ngoại mạnh tay bán ròng mã HPG của Công ty Tập đoàn Hòa Phát với gần 17.400 tỷ đồng.
Khối ngoại bán ròng gần 56.000 tỷ đồng trong 11 tháng của năm nay ảnh 1Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Theo thống kê trên cả 3 sàn HoSE, HNX và UPCoM, 11 tháng năm 2021, khối ngoại bán ròng gần 56.000 tỷ đồng.

Trong số đó, khối ngoại mạnh tay bán ròng mã HPG của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát, với tổng khối lượng khoảng 333 triệu cổ phiếu, tương đương giá trị bán ròng gần 17.400 tỷ đồng tính từ đầu năm.

Tiếp đến một số mã bị khối ngoại rút vốn mạnh nhất thời gian qua như mã VPB của Ngân hàng thương mại Cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng, VNM của Công ty cổ phần Sữa Việt Nam, VIC của Tập đoàn Vingroup-CTCP…

Đóng phiên giao dịch 2/12, khối ngoại tiếp tục bán ròng trên HoSE và HNX, trong khi đó mua ròng trên UPCoM. Cụ thể, khối ngoại bán ròng 740,56 tỷ đồng trên HoSE, bán ròng hơn 12,56 tỷ đồng trên HNX và mua ròng gần 19,75 tỷ đồng trên UPCoM. Tình chung toàn thị trường ghi nhận bán ròng 733,37 tỷ đồng trên 3 sàn.

Theo lý giải của Chủ tịch Dragon Capital Dominic Scriven, việc nhà đầu tư nước ngoài bán ròng có nhiều nguyên nhân; trong đó, một phần do việc xác định vai trò của Việt Nam trên các thị trường vốn của nước ngoài.

Việt Nam hiện được xét là thị trường cận biên và khái niệm đầu tư vào các thị trường cận biên đang hao mòn, đang bị chậm lại, thậm chí bị coi là một chiến lược cũ cần được thay thế, chính vì vậy họ đã phải bán đi các khoản đầu tư của họ tại Việt Nam.

[HNX sẽ nghiên cứu tổ chức thị trường phái sinh trên hàng hóa]

Bên cạnh đó, dù đã đáp ứng được nhiều mặt nhưng Việt Nam vẫn chưa được xét vào danh sách các thị trường mới nổi cho nên đã hạn chế khả năng để thu hút vốn của các nhà đầu tư nước ngoài. Cùng với đó, do thời kỳ COVID, phản ứng đầu tiên là ai gặp sự cố cũng muốn lấy tiền của mình về nhà.

Dù khối ngoại liên tục bán ròng mạnh và áp lực chốt lời xuất hiện, nhưng dòng tiền chốt lời không rời bỏ thị trường mà liên tục tìm các cơ hội mới, đặc biệt ở nhóm cổ phiếu đầu cơ.

Theo quan sát của giới phân tích, nhà đầu tư vẫn có thể tìm kiếm cơ hội ở các cổ phiếu đang có mức định giá hấp dẫn hơn so với mặt bằng chung trên thị trường và vẫn còn tiềm năng tăng trưởng tích cực trong quý 4/2021 cũng như năm 2022.

Giám đốc Điều hành kiêm Trưởng bộ phận Đầu tư, Tập đoàn VinaCapital Andy Ho khuyến nghị, để thu hút thêm dòng vốn ngoại, quy trình mở tài khoản cần dễ hơn. Thực tế, việc mở tài khoản giao dịch chứng khoán ở Việt Nam cũng tương đối phức tạp đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Về phía Dragon Capital, Chủ tịch Dominic Scriven cho rằng quy định mà yêu cầu các nhà đầu tư nước ngoài phải gửi tiền qua tài khoản chứng khoán trước thì vẫn chưa khắc phục được cho nên họ vẫn cho đây là trở ngại nhất định đối với họ. Thêm yếu tố thứ ba là room ở những công ty mà họ muốn mua vào đã hết. Cơ bản Việt Nam là thị trường có độ mở đủ, chỉ còn vài việc cần hoàn thiện.

Đến nay, một số cổ phiếu được nhà đầu tư nước ngoài rót vốn lớn như STB của Ngân hàng thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín.

Ngoài ra, VHM của Công ty Cổ phần Vinhomes, MWG của Công ty Cổ phần Đầu tư Thế giới Di động… cũng là những mã đang được mua ròng mạnh nhất./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục