Minh bạch ngân sách Nhà nước tại Việt Nam theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh vẫn chỉ là “những con số chung chung.” Và điều này dẫn tới nhiều câu chuyện được ông cho là phi lý khi tỉnh nghèo nhưng trụ sở thì hoành tráng hay việc các địa phương “cù cưa” tỷ lệ ngân sách được giữ lại.
“Có hỏi cũng bị từ chối”
Nêu lên những câu chuyện này trong hội thảo: “Xây dựng sáng kiến thúc đẩy công khai minh bạch Ngân sách Nhà nước” tổ chức chiều 10/2, ông Lê Đăng Doanh cho rằng, riêng về ngân sách Nhà nước, ông không hề thấy cơ quan chức năng công bố cũng con số cụ thể. “Có hỏi cũng bị từ chối,” ông lên tiếng.
Trong khi ấy, ở nhiều nước, ông Doanh cho rằng, từng khoản thu, chi của các cá nhân, tổ chức đều được công khai. Ông lấy ví dụ cụ thể về Thụy Điển, nơi theo ông người dân có thể được biết Thủ tướng đi công tác ở khách sạn bao nhiêu tiền, tặng quà cho khách hết từng nào.
“Tôi đề nghị ta phải bổ sung luật cụ thể về minh bạch ngân sách. Minh bạch ngân sách phải cụ thể, giới hạn, rõ ràng,” vị chuyên gia kinh tế lên tiếng.
Cũng nói về minh bạch ngân sách, bà Ngô Thị Minh Hương, Giám đốc Trung tâm Hội nhập và phát triển (CDI) nhắc lại số điểm 18/100 điểm về của Việt Nam trong cuộc khảo sát năm 2015 do Tổ chức Hợp tác Ngân sách Quốc tế (IBP) thực hiện tại 102 quốc gia.
Điểm số này theo bà đồng nghĩa Việt Nam vẫn cung cấp ít thông tin về ngân sách cho công chúng. Một trong những vấn đề theo bà đã đánh tụt điểm của Việt Nam là chưa công bố dự thảo dự toán ngân sách.
Việc công khai tài liệu này theo bà hiện tại đã được đưa vào luật và sẽ áp dụng cho năm ngân sách 2017. Tuy nhiên, điều bà quan tâm hơn là, ngoài việc cung cấp thông tin, người dân phải hiểu được những thông tin đó.
Đây là vấn đề theo bà là một thách thức bởi nếu bản báo cáo quá phức tạp, người dân không hiểu, không tham gia bình luận tham vấn thì việc công bố cũng không thực sự mang nhiều ý nghĩa.
Mặt khác, bà đặt ra vấn đề, việc tham vấn của người dân sẽ ở mức độ nào. “Người dân có được quyết việc ưu tiên đầu tư trường học, bệnh viện hay trụ sở không?” vị chuyện gia đặt ra câu hỏi.
Tỉnh nghèo, sao xây trụ sở to?
Nói thêm về câu chuyện quản lý ngân sách tại Việt Nam, hơn một lần ông Lê Đăng Doanh phải cảm thán kêu lên “phi lý.”
Câu chuyện phi lý đầu tiên ông kể là việc lấy của tỉnh giàu chia cho tỉnh nghèo. Vấn đề thoạt nghe không có gì lạ nhưng ông chỉ ra là thu ngân sách bình quân đầu người giữa các địa phương có sự chênh lệch đáng kể trong khi chi ngân sách bình quân đầu người thì lại “sàn sàn” nhau.
Đồng ý việc phải điều tiết để đảm bảo nhu cầu nhiều mặt của các tỉnh nghèo nhưng ông lấy ví dụ về việc tỷ lệ ngân sách giữ lại của Thành phố Hồ Chí Minh chỉ là 18% trong khi đóng góp cho tổng thu tới hơn 20%. Với một địa phương đầu tàu như Thành phố Hồ Chí Minh, ông đặt câu hỏi, nếu không có tiền đầu tư kết cấu, hạ tầng, đô thị thì về lâu, về dài, liệu có đảm bảo nguồn thu như hiện tại không.
Ở phía ngược lại, với những tỉnh có số thu thấp, vị chuyên gia kinh tế không ngại chỉ ra thực tế “tỉnh nghèo nhưng trụ sở rất sang, chi tiêu sang, mời khách sang.”
“Tôi biết một tỉnh hầu như không có nhà máy công nghiệp nhưng vẫn có một sở quản lý về công nghiệp to đùng. Điều đó là phi lý,” ông Doanh lên tiếng.
Những thực tế ấy theo ông Doanh dẫn tới chuyện các địa phương “cù cưa” tỷ lệ ngân sách giữ lại và cả ngân sách phân bổ về tỉnh mình.
Bởi vậy, về lâu dài, ông Doanh cho rằng, cần chuyển nguyên tắc phân cấp ngân sách như hiện tại. Các địa phương theo ông phải tự chủ nhiều hơn về thu chi ngân sách. Trên nguyên tắc đó, các tỉnh sẽ phải tự phát huy sáng kiến, tự chủ, ít ỉ lại, trông chờ vào điều tiết ngân sách.
Đây là cách quản lý được ông cho là đã áp dụng ở nhiều nước. Các địa phương sẽ phải cạnh tranh nhau về hiệu quả thu, chi ngân sách, chế độ phúc lợi, người dân sẽ có quyền quyết định ở nơi dịch vụ công cao hơn./.