Kinh tế Trung Quốc có thể tăng trưởng trên 6,5% trong 5 năm tới

Với điều kiện phát triển tốt, các nền tảng cho tăng trưởng vững chắc và các công cụ chính sách đa dạng, kinh tế Trung Quốc được cho là sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức trên 6,5% trong 5 năm tới.
Kinh tế Trung Quốc có thể tăng trưởng trên 6,5% trong 5 năm tới ảnh 1Bốc dỡ hàng hóa tại cảng Uy Hải, tỉnh Sơn Đông, miền Đông Trung Quốc ngày 19/12/2015. (Nguồn: THX/TTXVN)

Với điều kiện phát triển tốt, các nền tảng cho tăng trưởng vững chắc và các công cụ chính sách đa dạng, kinh tế Trung Quốc được cho là sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức trên 6,5% trong 5 năm tới.

Trung Quốc đã và vẫn sẽ là quốc gia đang phát triển trong một thời gian nữa, nhưng khoảng cách phát triển với các nước Phương Tây sẽ dần được thu hẹp, một quá trình sẽ tiếp tục tạo ra nhu cầu và nguồn cung mới.

Chẳng hạn, tỷ lệ người có xe hơi ở Trung Quốc là 106/1.000 người năm 2014, so với con số 800 ở Mỹ, 620 ở Đức và 340 ở Hàn Quốc.

Những "tín đồ" mua sắm có điều kiện người Trung Quốc mạnh tay chi cho các sản phẩm đắt tiền trong những chuyến du lịch nước ngoài, một thực tế cho thấy các doanh nghiệp trong nước có thể nắm bắt cơ hội đáp ứng những nhu cầu như vậy.

Tỷ lệ đô thị hóa xét về số cư dân thành thị là dưới 40%, so với mức trung bình 70% của các nước phát triển và 60% của các nước đang phát triển với thu nhập bình quân đầu người tương đương.

Quá trình đô thị hóa nhanh chóng sẽ diễn ra trong nhiều năm và có thể đưa đến nhiều cơ hội đầu tư từ nhà ở đến đường ống ngầm, đường sắt và đường sá.

Trong khi loại dần các nhà máy tiêu tốn năng lượng và không có khả năng cạnh tranh, Trung Quốc đang thúc đẩy sự phát triển của các lĩnh vực mới như sản xuất thiết bị tiên tiến, vật liệu mới, năng lượng mới, công nghệ thông tin và công nghệ sinh học.

Những lĩnh vực mới này sẽ không ngừng tạo ra các sản phẩm và dịch vụ mới, mang đến những nhu cầu mới. Những người Trung Quốc ngày càng giàu có sẵn sàng và có khả năng tài chính cho việc mua chúng.

Theo một nghiên cứu của Alibaba Group và Boston Consulting Group, những người sinh sau năm 1980 chi tiêu nhiều hơn 40% so với các thế hệ trước.

Thương mại điện tử và các dịch vụ giao hàng thuận tiện nở rộ kết nối gần như mọi nơi ở Trung Quốc, có nghĩa có tiềm năng lớn cho tiêu thụ.

Mặc dù nhu cầu toàn cầu thấp đã ảnh hưởng đáng kể đến xuất khẩu của Trung Quốc, việc thúc đẩy các sản phẩm tiên tiến và hợp tác với các nước nằm trong dự án "Một vành đai, một con đường" sẽ mở ra một mặt trận mới cho tăng trưởng nhờ động lực từ bên ngoài.

Mỗi năm, Trung Quốc có trên 7 triệu người tốt nghiệp đại học gia nhập lực lượng lao động và có thể có sự giảm sút về số lượng trong xã hội Trung Quốc đang già hóa nhưng chất lượng có thể tăng.

Mặc dù người trẻ sẵn sàng chi tiêu hơn, người Trung Quốc có xu hướng tiết kiệm hơn nhiều so với người Phương Tây, điều này đảm bảo nguồn vốn dồi dào trong hệ thống ngân hàng để dùng vào việc thúc đẩy nền kinh tế.

Lãi suất tại Trung Quốc hiện vẫn ở mức tương đối cao so với các mức lãi suất gần 0% ở nhiều nước phát triển. Trong 5 năm tới, các nhà hoạch định chính sách nước này có thể hạ lãi suất hơn nữa và giảm tỷ lệ dự trữ của các ngân hàng để thúc đẩy tiêu dùng và đầu tư.

Mặc dù gần đây giảm, song kho dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc vẫn là lớn nhất thế giới (3.230 tỷ USD tính đến cuối tháng 1/2016) và là vũ khí hữu hiệu và được sử dụng để phòng trước biến động tài chính.

Chính phủ Trung Quốc cũng có thể tiếp tục nới lỏng kiểm soát thị trường và mở cửa nhiều lĩnh vực hơn cho nhà đầu tư tư nhân.

Để thực hiện mục tiêu xây dựng một xã hội tương đối khá giả về mọi mặt, Trung Quốc cần duy trì động lực tăng trưởng và có khả năng để làm điều đó./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục