Lãnh đạo Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ lần đầu điện đàm sau nhiều tháng căng thẳng

Trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Erdogan, Tổng thống Pháp Macron đã kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ kiềm chế mọi hành động đơn phương có thể kích động căng thẳng.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. (Nguồn: AP)
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. (Nguồn: AP)

Theo phóng viên TTXVN tại Paris, ngày 22/9, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã điện đàm lần đầu tiên sau nhiều tháng quan hệ song phương căng thẳng vì những mâu thuẫn tại Đông Địa Trung Hải.

Theo điện Elysee, trong cuộc điện đàm với ông Erdogan, Tổng thống Macron đã kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ kiềm chế mọi hành động đơn phương có thể kích động căng thẳng và tích cực tham gia các nỗ lực xây dựng một khu vực hòa bình và hợp tác ở Địa Trung Hải.

Thông báo của Bộ Ngoại giao Pháp đưa ra sau cuộc điện đàm kéo dài hơn 1 giờ đồng hồ giữa hai nhà lãnh đạo nêu rõ Paris hy vọng hai bên sẽ tiếp tục duy trì đối thoại.

Ông Macron kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ tôn trọng đầy đủ chủ quyền của các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) cũng như luật pháp quốc tế. Hai nhà lãnh đạo nhất trí sẽ giữ liên lạc trong thời gian tới.

[Đàm phán về gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ lâm vào bế tắc]

Trong khi đó, Phủ Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cùng ngày cho hay Tổng thống Erdogan đã nhấn mạnh cần tận dụng các cơ hội ngoại giao để giảm căng thẳng và tiến tới những cuộc đàm phán bền vững.

Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cũng mong muốn Pháp thể hiện “thái độ mang tính xây dựng và đồng thuận” trong giải quyết tranh chấp giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp ở Đông Địa Trung Hải.

Trước đó, trong bài phát biểu gửi tới Kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 75, ông Erdogan kêu gọi "đối thoại chân thành" để giải quyết tranh chấp.

Quan hệ giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ thời gian qua ngày càng căng thẳng vì nhiều vấn đề, trong đó có việc Ankara triển khai tàu Oruc Reis tới thăm dò dầu khí và tiếp đó là các tàu chiến tới khu vực Đông Địa Trung Hải, nơi nước này đang tranh chấp chủ quyền với hai quốc gia thành viên của EU là Hy Lạp và Cộng hòa Cyprus.

Căng thẳng bị đẩy lên cao độ khi các bên tổ chức tập trận ở phía Đông Địa Trung Hải, trong đó Thổ Nhĩ Kỳ tập trận cùng Mỹ, còn Hy Lạp tập trận chung với Pháp, Italy và Cộng hòa Cyprus, khiến mâu thuẫn có nguy cơ leo thang thành đối đầu quân sự.

Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp đã tiến hành các cuộc đàm phán về tranh chấp tại khu vực, và cuộc đàm phán gần đây nhất diễn ra năm 2016. Sau cuộc họp trực tuyến với các lãnh đạo EU ngày 22/9, Tổng thống Erdogan cho biết Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp đã nhất trí sẵn sàng nối lại các cuộc đàm phán nhằm giải quyết các tranh chấp song phương tại khu vực./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục