LHQ kêu gọi giải pháp hòa bình cho xung đột Armenia và Azerbaijan

LHQ kêu gọi các bên trở lại bàn đàm phán, thực hiện các bước đi cần thiết để ký kết một hiệp ước hòa bình lâu dài, HĐBA nên đưa ra thông điệp thống nhất để các bên tập trung vào giải pháp ngoại giao.
LHQ kêu gọi giải pháp hòa bình cho xung đột Armenia và Azerbaijan ảnh 1Một ngôi nhà bị phá hủy trong cuộc đụng độ giữa các lực lượng Armenia và Azerbaijan, tại Sotk, Armenia, ngày 14/9/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 15/9, Liên hợp quốc kêu gọi tìm kiếm giải pháp hòa bình để tháo gỡ căng thẳng giữa Armenia và Azerbaijan sau 2 ngày xung đột bùng phát khiến hơn 170 binh sỹ của hai bên thiệt mạng.

Trình bày trong cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, trợ lý Tổng Thư ký Liên hợp quốc phụ trách các khu vực châu Âu, Trung Á và châu Mỹ, ông Miroslav Jenca, cho rằng cộng đồng quốc tế phải duy trì cam kết đầy đủ về việc tìm kiếm một giải pháp hòa bình giữa Armenia và Azerbaijan, không ngừng nỗ lực để xoa dịu căng thẳng hiện tại, đưa các bên quay trở lại bàn đàm phán và giúp họ đạt được hòa bình và ổn định trong khu vực.

Ông Jenca nhấn mạnh ở thời điểm hiện tại, các bên phải tuân thủ nghĩa vụ triển khai đầy đủ lệnh ngừng bắn đạt được hồi tháng 11/2020.

Liên hợp quốc kêu gọi các bên trở lại bàn đàm phán và thực hiện các bước đi cần thiết để ký kết một hiệp ước hòa bình lâu dài, Hội đồng Bảo an nên đưa ra thông điệp thống nhất để các bên tập trung vào giải pháp ngoại giao.

[Armenia công bố thỏa thuận ngừng bắn với Azerbaijan]

Trong khi đó, hai bên vẫn cáo buộc lẫn nhau vi phạm lệnh ngừng bắn tháng 11/2020. Tuy nhiên, Liên hợp quốc chưa thể xác thực những thông tin cáo buộc từ cả hai phía.

Một số đại diện khác tham gia cuộc họp đã hoan nghênh việc 2 bên đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn sau 2 ngày xung đột và kêu gọi đối thoại.

Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Richard Mills cho rằng cần chấm dứt các hoạt động quân sự để nhường chỗ cho các hoạt động đàm phán hòa bình.

Trong khi đó Đại sứ Trung Quốc Cảnh Sảng kêu gọi các bên kiên trì giải quyết vấn đề và khúc mắc thông qua đối thoại chính trị, sử dụng các biện pháp tránh tiếp tục leo thang căng thẳng, tuân thủ lệnh ngừng bắn mới đạt được để xoa dịu tình hình.

Các quan chức an ninh Armenia ngày 14/9 công bố một lệnh ngừng bắn với Azerbaijan sau 2 ngày pháo kích gần khu vực tranh chấp Nagorny-Karabakh khiến ít nhất 50 binh sỹ Azerbaijan và 49 binh sỹ Armenia thiệt mạng.

Lần gần nhất giao tranh bùng phát nghiêm trọng tại khu vực này là vào cuối năm 2020, kéo dài 44 ngày trước khi các bên đạt được thỏa thuận ngừng bắn do Nga làm trung gian vào tháng 11 cùng năm.

Nagorny-Karabakh nằm sâu trong lãnh thổ phía Tây Nam của Azerbaijan, song có đa số dân cư là người gốc Armenia nên muốn ly khai để sáp nhập khu vực này vào Armenia.

Điều này đã gây ra tranh chấp chủ quyền giữa hai nước láng giềng mà đỉnh điểm là cuộc chiến tranh kéo dài từ tháng 2/1988 đến tháng 5/1994.

Bất chấp thỏa thuận ngừng bắn đạt được năm 1994 và nhiều cuộc đàm phán hòa bình sau đó, xung đột vẫn xảy ra./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục