Liệu ông Joe Biden có thể kết thúc 'cơn ác mộng' Syria?

NLiệu ông Biden có thể tương tác trở lại với tiến trình chính trị do Liên hợp quốc bảo trợ và tìm ra cách tiếp cận trong vấn đề Syria với người đồng cấp Nga hay không?
Liệu ông Joe Biden có thể kết thúc 'cơn ác mộng' Syria? ảnh 1Khói bốc lên sau một cuộc không kích xuống phía Đông khu vực Ghouta, ngoại ô thủ đô Damascus, Syria. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama từng thừa nhận trong một cuộc phỏng vấn mới đây rằng ông vẫn còn day dứt về thảm kịch ở Syria.

Trong suốt hai nhiệm kỳ tổng thống của ông Obama, không có cuộc xung đột nào chứng kiến nhiều sự tàn phá và thiệt hại về người như cuộc xung đột tại Syria, trong khi những tác động tích cực từ phía Mỹ là quá ít ỏi.

Nếu cuộc xung đột tại Syria “ám ảnh” ông Obama, câu hỏi được đặt ra là liệu Tổng thống đắc cử Joe Biden, người từng giữ cương vị Phó Tổng thống Mỹ và cũng là trụ cột quan trọng trong việc định hình chính sách Syria dưới thời chính quyền Obama, có thể kết thúc “cơn ác mộng” tại quốc gia Trung Đông này hay không?

Theo bài phân tích mới đây trên mạng tin Arab News, các chính sách dưới thời Obama đối với Syria là một nhiệm vụ tốn kém trong ảo tưởng.

Nếu không triển khai lực lượng quân sự một cách nghiêm túc cùng với các đồng minh, tại sao ông Obama lại bắt đầu chiến dịch thay đổi chế độ tại Syria và làm dấy lên những ảo tưởng rằng Mỹ sẽ dẫn đầu cuộc tấn công chế độ Bashar al-Assad, điều mà ngay từ đầu Obama đã không có ý định thực hiện.

[Chính sách của Mỹ đối với Syria khi ông Biden lên cầm quyền]

Trong cuốn hồi ký được xuất bản gần đây, ông Obama đã nói về tình hình năm 2011 liên quan đến vấn đề Syria rằng “các lựa chọn của chúng tôi cực kỳ hạn chế."

Nếu vậy, vì sao ông Obama (cùng với lãnh đạo Anh, Pháp và Đức) lại kêu gọi Tổng thống Bashar Assad từ chức? Tại sao Obama lại cho phép những “lằn ranh đỏ” bị vượt qua, theo sau quyết định không phản ứng với vụ tấn công bằng vũ khí hóa học của chính quyền Assad hồi năm 2013.

Vì sao “lằn ranh đỏ” đó chỉ được xác định bằng vũ khí hóa học, trong khi các loại vũ khí thông thường đã giết chết hàng trăm nghìn người Syria?

Tất cả những điều này đều có ý nghĩa bởi lẽ rất nhiều thành viên trong đội ngũ của ông Biden từng là những “cốt cán” của chính quyền Obama.

Liệu họ có còn theo đuổi ý tưởng thay đổi chế độ hay không? Ông Antony Blinken, một đồng minh quan trọng và là người được ông Biden đề cử giữ cương vị Ngoại trưởng Mỹ, từng viết: “Chính quyền cuối cùng phải thừa nhận thất bại. Chúng tôi đã không thể ngăn chặn thảm họa, đã thất bại trong việc chặn đứng tình trạng người di cư ồ ạt. Và đó là điều mà tôi sẽ không thể nào quên trong suốt cuộc đời."

Philip H. Gordon, cựu Điều phối viên Nhà Trắng về vấn đề Trung Đông, cũng nhận xét tương tự: “Những gì chúng tôi đã làm là ủng hộ phe đối lập, cuối cùng chỉ khiến tình hình leo thang và kéo dài cuộc nội chiến tàn khốc khủng khiếp, gây ra hậu quả nhân đạo to lớn, dòng người tị nạn, tác động lan tỏa tới các nước láng giềng, chủ nghĩa khủng bố gia tăng, song không đủ để thực sự làm thay đổi chế độ tại Syria.”

Người ta đặt câu hỏi là chính quyền ông Biden sẽ can dự đến mức độ nào với tàn dư của phe đối lập chính trị Syria, lực lượng đã tỏ ra chia rẽ và bất lực hơn bất kỳ thời điểm nào trong thập kỷ qua.

Khi được hỏi về khả năng bình thường hóa của Washington với chế độ Assad, ông Blinken nói: “Tôi hầu như không thể tưởng tượng được điều đó." Không loại trừ khả năng này, song kịch bản đó khó có thể xảy ra trong 4 năm tới.

Một câu hỏi thích hợp hơn là liệu ông Biden sẽ duy trì hoặc thậm chí tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với Syria hay không. Chúng sẽ không được dỡ bỏ, nhưng có lẽ các mục tiêu có thể được thay đổi, như đưa ra một số cải cách quan trọng hoặc sự trở lại tự nguyện an toàn của người tị nạn Syria.

Ông Biden sẽ phải can dự vào chính sách ngoại giao, tiếp cận các đồng minh để bù đắp cho việc Tổng thống Donald Trump không quan tâm đến vấn đề Syria.

Với những thỏa thuận quyền lực trên thực tế, mối quan hệ của ông Biden với Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ là “chìa khóa” quan trọng.

Liệu ông Biden có thể tương tác trở lại với tiến trình chính trị do Liên hợp quốc bảo trợ và tìm ra cách tiếp cận trong vấn đề Syria với người đồng cấp Nga hay không.

Vấn đề sau đó là Thổ Nhĩ Kỳ. Trong một cuộc nói chuyện tại Trường Kennedy vào năm 2014, ông Biden đã nói với sinh viên rằng: "Các đồng minh trong khu vực chính là vấn đề lớn nhất của Mỹ ở Syria."

Ông cũng từng chọc giận Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyep Erdogan khi khẳng định rằng Mỹ không nên từ bỏ các đối tác người Kurd tại Syria.

Do đó, ông Biden sẽ phải xử lý quan hệ với nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ một cách tế nhị nhằm giải quyết rất nhiều bất đồng hiện tại giữa Washington và Ankara, đặc biệt là liên quan tới việc Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống tên lửa S-400 của Nga.

Thổ Nhĩ Kỳ luôn coi những đồng minh người Kurd của Mỹ tại Syria là phần tử khủng bố. Sự ủng hộ của ông Biden đối với các nhóm người Kurd này là một lý do tại sao ông sẽ không rút lực lượng Mỹ khỏi Syria.

Thượng nghị sỹ Chris Coons, một đồng minh thân cận khác của ông Biden, tiết lộ rằng ông Biden sẽ ủng hộ sự hiện diện liên tục của quân đội Mỹ ở Syria và Afghanistan để duy trì năng lực, ngăn chặn các nhóm khủng bố như al-Qaeda và Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng xây dựng căn cứ nhằm phát động các cuộc tấn công chống Mỹ.

Bản thân ông Biden cũng đưa ra nhận xét tương tự: “Những cuộc chiến bất tận này phải kết thúc. Tôi ủng hộ việc rút quân, song chúng ta vẫn chưa hết lo ngại về chủ nghĩa khủng bố và IS.”

Một lý do khác là dầu mỏ. Các cố vấn chủ chốt của Tổng thống Trump đã thuyết phục ông duy trì trở lại sự hiện diện của Mỹ một phần vì dầu mỏ ở Syria.

Trên thực tế, chưa rõ đội ngũ của ông Biden có coi dầu mỏ là thứ mà Mỹ sẽ nắm giữ hay không, trái ngược với lập trường của chính quyền Tổng thống Trump.

Ông Blinken coi dầu mỏ là “một đòn bẩy vì chính phủ Syria rất muốn có quyền thống trị các nguồn tài nguyên này và Mỹ không nên từ bỏ điều đó một cách miễn phí.”

Nhìn chung, ông Biden sẽ có những ưu tiên khác, và cũng như ông Trump, trọng tâm ở Trung Đông sẽ là Iran, mặc dù với mục đích đảm bảo một thỏa thuận với Tehran.

Chế độ Assad sẽ hy vọng điều đó có thể khiến các biện pháp trừng phạt đối với Syria được nới lỏng, điều mà người dân Syria chắc chắn rất cần trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế hiện nay.

Ông Biden sẽ muốn giảm bớt sự hiện diện của Iran ở Syria, và gần như chắc chắn sẽ không can thiệp để ngăn chặn các cuộc tấn công của Israel vào các mục tiêu của Iran ở nước này.

Kịch bản lạc quan nhất là sức mạnh ngoại giao của Mỹ sẽ chuyển hướng tới mục tiêu đảm bảo tiến trình chính trị Syria do Liên hợp quốc bảo trợ, bao gồm kế hoạch thành lập ủy ban hiến pháp. Đây có thể là cách duy nhất mà ông Biden tìm thấy chút hy vọng thành công để giúp người dân Syria thoát khỏi tấn bi kịch./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục