Lượng khí đốt Nga chảy vào châu Âu qua Ukraine tăng nhẹ

Mặc dù, lượng khí đốt qua trạm Sudzha tăng nhẹ song không đủ để bù đắp lượng khí bị thiếu, vốn được dự kiến bơm qua Nord Stream 1 trong ngày 3/9.
Lượng khí đốt Nga chảy vào châu Âu qua Ukraine tăng nhẹ ảnh 1Hệ thống đường ống dẫn khí của dự án Dòng chảy phương Bắc của Nga. (Ảnh: Reuters/TTXVN)

Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga cho biết lượng cung khí đốt tự nhiên cho châu Âu qua Ukraine qua trạm chung chuyển Sudzha là 42,7 triệu m3 trong ngày 3/9, tăng nhẹ so với mức 41,6 triệu m3 ngày trước đó.

Gazprom đưa ra thông báo trên vài giờ sau khi tập đoàn này cho biết đường ống "Dòng chảy phương Bắc 1" (Nord Stream 1) dẫn khí đốt tới Đức, vốn dự kiến vận hành trở lại vào cuối tuần này, sẽ tiếp tục bị khóa cho tới khi một tuabin được sửa chữa, qua đó đình chỉ vô thời hạn hoạt động của tuyến đường cung cấp khí đốt then chốt tới châu Âu.

Mặc dù, lượng khí đốt qua trạm Sudzha tăng nhẹ, song không đủ để bù đắp lượng khí bị thiếu, vốn được dự kiến bơm qua Nord Stream 1 trong ngày 3/9.

[Gazprom nối lại cung cấp khí đốt qua đường ống Dòng chảy phương Bắc 1]

Kể từ tháng 7, đường ống Nord Stream 1 giảm công suất do một số tuabin ngừng hoạt động. Một số tuabin được gửi đến Canada để sửa chữa và kẹt lại ở đó do các lệnh trừng phạt của Canada đối với Nga.

Theo yêu cầu của Đức, Canada thông báo miễn trừ lệnh trừng phạt cho các tuabin nhưng Gazprom từ chối nhận lại vì cho rằng thủ tục có những bất thường. Trong khi đó, đường ống Nord Stream 2 mới được xây dựng không hoạt động.

Trong bối cảnh nguồn cung sụt giảm và đề phòng đường ống dẫn khí đốt ngừng hoạt động, Liên minh châu Âu (EU) bắt đầu tích cực dự trữ khí đốt. Tới ngày 30/8, khối này đã đạt được mục tiêu dự trữ khí đốt trước thời hạn 2 tháng.

Các quốc gia thành viên EU quyết định lấp đầy các cơ sở dự trữ khí đốt dưới lòng đất ở mức 80% vào ngày 1/11, nhưng đến ngày 28/8, mức lấp đầy đã đạt 79,94%.

Giá khí đốt bán buôn tăng vọt đang làm ảnh hưởng đến ngành công nghiệp và các hộ gia đình châu Âu khi nhu cầu phục hồi kinh tế hậu đại dịch COVID-19 gia tăng và cuộc xung đột ở Ukraine kéo dài./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục