Lý giải nguyên nhân tỷ giá USD tăng trong những ngày qua

Các chuyên gia cho rằng tỷ giá quy đổi USD tăng mạnh chủ yếu do ảnh hưởng từ giá loại tiền tệ này trên thế giới, trong khi đó, thanh khoản USD trong nước vẫn ổn định.
Lý giải nguyên nhân tỷ giá USD tăng trong những ngày qua ảnh 1Ảnh minh họa. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Mặc dù trong tuần qua Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã giảm lãi suất xuống gần bằng 0% nhưng USD vẫn được xem là đồng tiền có giá trị nhất. Đặc biệt, khi dịch bệnh COVID-19 đang bùng phát dữ dội bên ngoài Trung Quốc thì USD được xem là đồng tiền "tránh bão"...

Tăng do khách quan

Tính đến 15 giờ 30 phút ngày 23/3, tỷ giá quy đổi VND/USD qua các ngân hàng thương mại đã tăng lên trên 23.700 đồng, tăng từ 140-170 đồng so với chốt phiên trước, so với cùng kỳ tuần trước đồng bạc xanh đã tăng tới 400 đồng/USD.

Hiện BIDV giao dịch quanh mức 23.530 đồng/USD (mua) và 23.690 đồng/USD (bán), tăng 150 đồng so với chốt phiên trước, đây là mức tăng cao nhất tại 4 ngân hàng thương mại Nhà nước.

Tương tự, tỷ giá tại Vietcombank giao dịch quanh mức 23.480 đồng/USD (mua) và 23.670 đồng/USD (bán), tăng 140 đồng so với chốt phiên trước; VietinBank cũng tăng 140 đồng niêm yết quanh mức 23.550 đồng/USD (mua) và 23.710 đồng/USD (bán); Agribank tăng nhẹ hơn ở ức 100 đồng, hiện ngân hàng này đang mua vào bán ra ở mức 23.410-23.520 đồng/USD.

Tại các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân cũng có mức tăng tương tự. Hiện VIB, HDBank và Techcombank mua vào ở mức 23.500-23.700 đồng, tăng 150 đồng/USD; ngân hàng ACB bán ra ở mức 23.680 đồng, MB bán giá 23.675 đồng/USD trong khi giá bán tại Sacombank bán ra ở mức thấp nhất 23.638 đồng/USD.

[Giảm lãi suất: Sẵn sàng đưa nguồn vốn chi phí thấp hỗ trợ doanh nghiệp]

Nếu so với chính tỷ giá quy đổi tại các ngân hàng này một tuần trước, giá bán đồng bạc xanh tại hầu hết nhà băng đều đã tăng trên dưới 400 đồng/tuần.

Lý giải hiện tượng này, các chuyên gia cho rằng tỷ giá quy đổi USD tăng mạnh chủ yếu do ảnh hưởng từ giá loại tiền tệ này trên thế giới, trong khi đó, thanh khoản USD trong nước vẫn ổn định.

Phân tích kỹ hơn, chuyên gia kinh tế Bùi Quang Tín cho rằng nguyên nhân của tỷ giá tăng mạnh tác động chính là đà tăng của chỉ số USD Index trên thế giới. Đây là chỉ số đo sức mạnh đồng USD với 6 đồng ngoại tệ mạnh khác gồm euro, bảng Anh, yên Nhật, dollar Canada, SEK (Thụy Điển) và Franc (Thụy Sỹ). Tính từ ngày 9/3 đến nay, chỉ số USD Index đã tăng trên 7% từ 95,07 điểm lên 102 điểm.

Cũng theo ông Tín, một loạt mặt hàng như chứng khoán, bất động sản, vàng, dầu mỏ... trên thế giới đều giảm giá. Điều này cho thấy người dân và nhà đầu tư đang có tâm lý lo ngại trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

"Thời điểm này nhà đầu tư cũng không xem trái phiếu Chính phủ Mỹ, đồng yên Nhật hay vàng là nơi trú ẩn an toàn nữa mà đổ xô đi mua USD. Đó là lý do tỷ giá USD thế giới tăng mạnh chỉ trong 1 tuần vừa qua," ông Tín nhấn mạnh.

Mặc dù vậy, ông Tín vẫn lạc quan cho rằng đây là tín hiệu ngắn hạn vì thực tế khi dịch bệnh đi xuống, nền kinh tế trở lại bình thường thì niềm tin của nhà đầu tư sẽ trở lại. Khi đó, các thị trường hàng hóa sẽ tăng lên như giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán, bất động sản... nhà đầu tư rút tiền khỏi các kênh trú ẩn để đổ vào các tài sản rủi ro và đồng USD không còn là nơi trú ẩn nữa, tỷ giá sẽ ổn định trở lại.

Đối với trong nước, ông Tín cho rằng tác động không nhiều là vì dù người dân lo lắng dịch bệnh nhưng vẫn tin tưởng vào khả năng kiểm soát dịch của Chính phủ. Khi họ tin vào chính sách Nhà nước thì sẽ không đổ xô đi mua vàng, mua USD làm kênh trú ẩn an toàn như thời điểm khủng hoảng 2007-2008. Trong những năm gần đây người dân đã không tìm đến đầu tư vàng, USD mà giữ VND để gửi tiết kiệm nên tuy tỷ giá có biến động so với năm trước nhưng trong tầm kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước.

Trong khi đó, chuyên gia tài chính Cấn Văn Lực cũng nhận định, tỷ giá năm nay sẽ khá phức tạp vì dấu hiệu về suy thoái kinh tế trên thế giới cũng đã bắt đầu bộc lộ ngày càng rõ.

"Cung cầu ngoại tệ trong nước hiện tại vẫn ổn, nhưng Ngân hàng Nhà nước cũng cần cẩn trọng hơn. Tỷ giá năm nay có thể tăng trong biên độ 1-2% là mức chấp nhận được," ông Lực nói.

Như vậy, so với hồi đầu năm, hiện tỷ giá USD/VND đã tăng khoảng 1,3%. Trong khi đó, trên thế giới, sức mạnh đồng bạc xanh so với 6 đồng tiền chủ chốt đã lên mức cao nhât 3 năm

Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng can thiệp

Bên cạnh những yếu tố khách quan trên, ông Hiếu cho rằng động thái hạ lãi suất mới đây của Ngân hàng nhà nước Việt Nam cũng phần nào tác động lên tỷ giá vì hạ lãi suất được xem là một động thái nới lỏng tiền tệ và như vậy sẽ tác động lên giá trị của tiền đồng so với ngoại tệ. Trong khi đó đồng USD trên thị trường thế giới lại đang lên giá, vì vậy đã ảnh hưởng đến tỷ giá và khiến đồng bạc xanh này bị đẩy lên.

Mặc dù vậy, theo ông Hiếu, tỷ giá USD có bất lợi cho nhập khẩu nhưng thuận lợi cho xuất khẩu vì giá bán hàng hóa của Việt Nam trên các thị trường nước ngoài tính trên tiền USD và các ngoại tệ khác sẽ giảm đi, dẫn đến tăng tính cạnh tranh cho xuất khẩu.

Dù tỷ giá tăng, nhưng các chuyên gia vẫn cho rằng, đây là biến động bình thường. So với tỷ giá này, Việt Nam vẫn tăng thấp hơn nhiều 6 đồng ngoại tệ mạnh của thế giới. Có thể nói mức tỷ giá biến động này nằm trong mức dự kiến của Ngân hàng Nhà nước trong năm 2020 vì Việt Nam có thế mạnh dự trữ ngoại hối, cung cầu thanh khoản USD vẫn ở trạng thái bình thường.

Về phía Ngân hàng Nhà nước, ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ chính sách tiền tệ nhấn mạnh, qua theo dõi, cân đối cung cầu ngoại tệ đến nay về cơ bản không có biến động lớn. Cán cân thương mại hàng hóa đạt thặng dư 1,82 tỷ USD trong 2 tháng đầu năm 2020 và tiếp tục thặng dư 880 triệu USD trong tháng Ba. Trạng thái ngoại tệ vẫn tiếp tục duy trì ở mức dương. Các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của khách hàng đều được tổ chức tín dụng đáp ứng đầy đủ.

Cũng theo ông Hà, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường trong và ngoài nước, dự phòng các kịch bản có thể xảy ra, điều hành tỷ giá trung tâm linh hoạt, phù hợp, tiếp tục sử dụng đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thị trường ngoại tệ.

"Trong năm 2019 và những tháng đầu năm 2020, Ngân hàng Nhà nước đã liên tục mua được lượng lớn ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối Nhà nước, góp phần củng cố an ninh tài chính tiền tệ quốc gia và tăng khả năng can thiệp thị trường ngoại tệ khi cần thiết. Với tiềm lực ngoại tệ sẵn có, Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng can thiệp thị trường khi cần thiết với mức tỷ giá bán can thiệp thấp hơn tỷ giá niêm yết hiện nay để bình ổn thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục