Lý giải về tác động của cuộc khủng hoảng chính trị ở Italy

Cho dù Thủ tướng Italy Mario Draghi ở lại hay ra đi trong tuần này, có thể còn phải mất nhiều tháng nữa nền chính trị Italy mới đưa ra một chính phủ hoạt động hiệu quả trở lại
Lý giải về tác động của cuộc khủng hoảng chính trị ở Italy ảnh 1Thủ tướng Italy Mario Draghi. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo Reuters/Trang mạng politico.eu, Thủ tướng Italy Mario Draghi sẽ có phát biểu trước quốc hội trong ngày 20/7 để làm rõ quan điểm của ông sau khi Tổng thống Sergio Mattarella bác bỏ đơn từ chức của vị thủ tướng này hồi tuần trước.

Không rõ liệu Draghi có thay đổi ý định và ở lại hay không, liệu Tổng thống Sergio Mattarella sẽ tìm cách bổ nhiệm một thủ tướng mới hay liệu Italy sẽ tiến hành một cuộc bầu cử quốc gia vào đầu tháng 10/2022. Dưới đây là những phân tích về tác động của cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay đối với Rome và bên ngoài.

Điều gì đang xảy ra?

Căng thẳng trong nội bộ chính phủ của Thủ tướng Draghi, vốn đã tích tụ trong nhiều tháng qua, đã bùng lên vào hôm 14/7 khi Phong trào 5Star, một phần của liên minh lớn của ông, tẩy chay một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm. Draghi sau đó ngay lập tức đến phủ tổng thống để đệ đơn từ chức.

Tuy nhiên, Tổng thống Mattarella đã tạm thời từ chối lời đề nghị từ chức của Draghi, với hy vọng có thể tìm ra giải pháp để duy trì chính phủ. Các cuộc đàm phán đang diễn ra giữa các bên và Draghi sẽ trở lại Quốc hội trong ngày 20/7 để đưa ra kết luận của mình.

Ông có thể lặp lại lời từ chức hoặc kêu gọi một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm để tìm cách tái khẳng định sự ủng hộ cho liên minh của mình.

Tại sao điều này quan trọng?

Hiện đã có nhiều tiếng nói ở trong và ngoài nước kêu gọi Draghi tiếp tục đảm nhiệm cương vị. Họ cho rằng việc loại bỏ một chính phủ đang hoạt động tốt sẽ làm suy yếu tiến độ cải cách kinh tế và trì hoãn việc thông qua ngân sách 2023 cho đến năm sau.

Sự ra đi của ông Draghi cũng có thể gây rủi ro cho việc Italy nhận được tài trợ từ quỹ phục hồi COVID-19 của Liên minh châu Âu (EU) vào thời điểm nền kinh tế đang chịu nhiều áp lực và đất nước đang đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng chưa từng có.

[Tổng thống Italy chấp nhận đơn từ chức của Thủ tướng Mario Draghi]

Draghi đã đến thăm Algeria hôm 18/7 để hoàn tất một thỏa thuận khí đốt nhằm giúp Italy giảm sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga.

Cùng với việc gây bất ổn cho nền kinh tế lớn thứ ba của EU, sự ra đi của Draghi sẽ khiến EU mất đi một trong những nhà lãnh đạo khôn ngoan và giàu kinh nghiệm nhất của khối vào thời điểm họ đang đối mặt với thách thức chưa từng có từ lạm phát và chiến tranh. Lia Quartapelle, một nhà lập pháp và phát ngôn viên đối ngoại của Đảng Dân chủ trung tả, nói với “POLITICO” rằng châu Âu đang “lo lắng và bàng hoàng về lý do tại sao Italy lại từ bỏ một người như Draghi.”

Liệu Draghi có thay đổi quyết định?

Thế tiến thoái lưỡng nan của Draghi là ông không nhận thấy lợi ích của việc phục vụ cho một chính phủ không còn hiệu quả. Ông không tin rằng chính phủ có thể hoạt động hiệu quả khi các đối tác liên minh tìm cách khẳng định bản sắc của riêng họ.

Nhiều người ở Italy hy vọng ông sẽ thay đổi quyết định của mình. Hơn 1.000 thị trưởng đã ký một bức thư ngỏ gửi Draghi vào cuối tuần qua đề nghị ông ở lại. Beppe Sala, thị trưởng Milan, cho biết những người dân bình thường không hiểu lý do của cuộc khủng hoảng và rằng Italy có nguy cơ làm bẽ mặt mình trước toàn thế giới. Ông viết trên Facebook: “Liệu ai có thể thay thế Draghi một cách xứng đáng trong các vấn đề quốc gia và quốc tế không?”

Cựu Thủ tướng Matteo Renzi, lãnh đạo Đảng Italia Viva theo quan điểm trung dung, đã đệ trình một bản kiến nghị yêu cầu Draghi ở lại, và đã thu thập được 90.000 chữ ký trong ngày 18/7. Renzi viết trên Twitter: “Chúng tôi phải cố gắng và tin tưởng cho đến cùng… Nó sẽ không dễ dàng nhưng nó nằm trong tay của Draghi.”

Điều gì xảy ra nếu chính phủ sụp đổ?

Rủi ro trước mắt là Italy sẽ không thông qua luật ngân sách để giúp những người nghèo nhất trong cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt và hoàn thiện các cải cách cần thiết để “mở khóa” quỹ phục hồi đại dịch của EU.

Quartapelle nói: “Không rõ điều này có thể được thực hiện như thế nào nếu Quốc hội bị giải tán và một chiến dịch bầu cử đang diễn ra”. Châu Âu cũng phải đối mặt với nhiều rủi ro nếu Italy tổ chức một cuộc bầu cử ngay bây giờ.

Bà Quartapelle nói: “Các đảng cánh hữu dự kiến sẽ giành chiến thắng với tư cách là một liên minh nếu một cuộc bầu cử được kêu gọi tổ chức. Italy nên là một quốc gia dẫn đầu hội nhập EU, nhưng thay vào đó, với một chính phủ cánh hữu hoài nghi châu Âu lên nắm quyền, nó có thể trở thành một trong những trở ngại.”

Các đồng minh của Italy ở nước ngoài, chẳng hạn như Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của Draghi trong việc ổn định châu Âu và giúp đảm bảo sự đoàn kết của phương Tây trong việc hỗ trợ Ukraine chống lại Nga.

Phó Thủ tướng Ukraine Iryna Vereshchuk đã gọi Draghi là một nhà lãnh đạo phi đảng phái với trái tim lớn. Ông nói: “Với Draghi trong chính phủ, chúng tôi sẽ thắng trong cuộc chiến.”

Còn Francesco Clementi, giáo sư chính trị học tại Đại học Perugia, nhận định: “Sự sụp đổ của Draghi ảnh hưởng đến Italy và toàn bộ cộng đồng quốc tế. Hiện sẽ có rất nhiều áp lực đối với chính phủ và họ khó có thể nói ‘không’ trước các áp lực từ cộng đồng dân chủ quốc tế. Chúng tôi không thể chấp nhận một Boris Johnson khác.”

Điều gì xảy ra tiếp theo?

Sau khi Draghi phát biểu trước thượng viện vào ngày 20/7, ông có thể trực tiếp đến gặp tổng thống và xác nhận việc từ chức của mình. Hoặc, nếu rõ ràng Draghi vẫn nhận được sự ủng hộ của toàn bộ liên minh của mình, ông có thể thay đổi ý định và quyết định tiếp tục xử lý cuộc khủng hoảng năng lượng và chi phí sinh hoạt và thông qua luật ngân sách cho đến cuộc bầu cử vào năm tới.

Về lý thuyết, ông cũng có thể tại vị nếu ông có được thế đa số khác, dù trường hợp này ít có khả năng xảy ra bởi ông có nhiệm vụ thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc.

Ngay cả khi ông vẫn còn tại vị, những khó khăn của Draghi có thể chỉ mới bắt đầu. Hiện có nguy cơ xảy ra các cuộc tranh giành quyền lực khi các đối tác liên minh tìm cách khẳng định bản sắc của họ trước thềm các cuộc bầu cử hiện được lên kế hoạch vào năm 2023. Draghi có thể phải vật lộn để thúc đẩy các cải cách lớn mà ông từng hứa. Nếu Draghi từ chức, tổng thống có thể tổ chức các cuộc tham vấn với các đảng phái chính trị để xem liệu có thể tìm được đa số thay thế hay không.

Các cuộc bầu cử có thể diễn ra?

Tổng thống Mattarella có nhiều khả năng giải tán Quốc hội và kêu gọi một cuộc bầu cử hơn là cố gắng tìm một chính quyền thay thế. Cuộc bỏ phiếu này có thể sẽ diễn ra vào đầu tháng 10/2022.
Toàn bộ quá trình sẽ mất thời gian và đó không phải là điều mà Italy có thể dễ dàng thực hiện.

Sau khi bầu cử được tổ chức, Tổng thống sau đó phải tổ chức tham vấn với các đảng phái để thành lập chính phủ mới. Việc kết hợp các cơ quan hành chính lại với nhau trong hệ thống đại diện của Italy sẽ mất nhiều tháng. Chính phủ gần đây nhất phải mất tới hơn 100 ngày để có thể được thành lập. Trong khi đó, chính phủ của Draghi vẫn giữ vai trò giám sát nhưng quyền hạn bị giảm đi đáng kể.

Cho dù Draghi ở lại hay ra đi trong tuần này, có thể còn phải mất nhiều tháng nữa nền chính trị Italy mới đưa ra một chính phủ hoạt động hiệu quả trở lại./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục