Mạng lưới đổi mới sáng tạo cần có sự dẫn dắt của các doanh nghiệp lớn

Các chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ cho rằng Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia sẽ là nơi thu hút các tập đoàn lớn tham gia, mang tính chất dẫn dắt kể cả trong nước và quốc tế.
Tọa đàm “Vai trò Trung tâm Đổi mới sáng tạo trong nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế.” (Ảnh: Vietnam+)
Tọa đàm “Vai trò Trung tâm Đổi mới sáng tạo trong nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế.” (Ảnh: Vietnam+)

“Trước nhu cầu ngày càng cao về phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, câu hỏi là làm thế nào để kích thích đổi mới sáng tạo và đâu sẽ là nơi quy tụ, kết nối và lan tỏa tinh thần đó? Kinh nghiệm quốc tế cho thấy đổi mới sáng tạo có thể được tập trung quy tụ, phát triển nhanh, mạnh mẽ thông qua trung tâm đổi mới sáng tạo và sự dẫn dắt của các doanh nghiệp khoa học, công nghệ đầu tàu trong nền kinh tế."

Nội dung trên được Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư-Trần Duy Đông đưa ra trong buổi Tọa đàm “Vai trò Trung tâm Đổi mới sáng tạo trong nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế,” trong khuôn khổ Triển lãm quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2021 và khởi công Dự án Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức.

Kết nối các ý tưởng đầu tư kinh doanh

Ông Vũ Quốc Huy, Phó giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia cho biết trung tâm này sẽ là nơi kết nối các ý tưởng đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp với các quỹ đầu tư, môi trường nuôi dưỡng các ý tưởng và phát triển thành các giải pháp, các mô hình kinh doanh có hiệu quả phục vụ cho doanh nghiệp.

“Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia là cơ quan đầu mối để thúc đẩy các hoạt động đổi mới sáng tạo, cầu nối giữa các doanh nghiệp với nhau và các chủ thể khác trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Qua đó nhằm thúc đẩy sự phát triển về đổi mới sáng tạo quốc gia góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế-xã hội của Việt Nam,” ông Huy nói.

Đánh giá cao việc ra đời của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, Thiếu tướng Lê Đăng Dũng, quyền Chủ tịch Tập đoàn Viettel cho rằng để trung tâm trở thành một mô hình hiệu quả thì cần tập trung vào một số ưu tiên chính về một số ngành nghề đang theo xu hướng (như chuyển đổi số, xây dựng xã hội số), sau đó mở rộng ra các lĩnh vực khác.

“Từ trọng tâm đó chọn ra các doanh nghiệp tạo nên mạng lưới đổi mới sáng tạo của cả đất nước. Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia chỉ là khu vực có vai trò kết nối và việc xây dựng cả một mạng lưới đổi mới sáng tạo của Việt Nam mới là quan trọng,” ông Dũng nhấn mạnh.

Theo ông Dũng, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia cần hỗ trợ các doanh nghiệp tại các lĩnh vực mà các doanh nghiệp cần, như thủ tục hành chính, đào tạo nhân lực, tiếp cận thị trường, tiếp cận nguồn vốn và đặc biệt là phải có chính sách sách hỗ trợ về chi phí, thuế... Vai trò của trung tâm là thúc đẩy hoàn thiện thể chế, khuôn khổ pháp lý, mà cụ thể là vấn đề cấp phép cho các sản phẩm mới.

Mạng lưới đổi mới sáng tạo cần có sự dẫn dắt của các doanh nghiệp lớn ảnh 1Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông phát biểu. (Ảnh: Vietnam+)

Về cơ bản, các diễn giả tham gia tọa đàm có chung quan điểm: Trung tâm đổi mới sáng tạo cần thúc đẩy các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn tham gia vào vào mạng lưới đổi mới sáng tạo. Điều quan trọng là cố gắng thành lập các quỹ đầu tư mạo hiểm tại trung tâm và trong các doanh nghiệp.

Trở lại với Việt Nam, các diễn giả cho rằng không nên tiếp tục hô hào các bạn trẻ, sinh viên mới tốt nghiệp hoặc còn đang ngồi trên ghế nhà trường lao vào con đường khởi nghiệp, nhất là làm về đổi mới sáng tạo bởi điều đó là rất mạo hiểm. Thêm vào đó, Việt Nam cần ban hành một cơ chế về khởi nghiệp, để các ý tưởng điên rồ... khởi động, từ đó tạo ra một sân chơi, một môi trường thử nghiệm trong lĩnh vực công nghệ, đổi mới, sáng tạo.

“Nghiên cứu là phải ra tiền”

Cũng tại tọa đàm, ông Bùi Hải Hưng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trí tuệ nhân tạo (VinAI Research) nhấn mạnh hoạt động nghiên cứu là phải ra tiền chứ không phải nghiên cứu rồi cất vào "ngăn tủ."

Việc nghiên cứu hàn lâm phải kết nối được với thực tế, cụ thể phải xác định mục tiêu muốn làm, từ đó kết hợp giữa nghiên cứu và sản phẩm ứng dụng. Những ngành nghề liên quan đến công nghệ cao, khoa học dữ liệu, hiện khoảng cách khoa học cơ bản và phát triển ứng dụng đang tiến gần với nhau. Việc của trung tâm đổi mới sáng tạo là hỗ trợ tích cực cho những nghiên cứu cơ bản được ở triển khai ra cộng đồng (những nơi có uy tín trong giới học giả) và các sản phẩm ứng dụng hướng tới mục tiêu càng nhiều người sử dụng càng tốt.

“Sự đổi mới và sáng tạo là rất quan trọng đối với sự phát triển của các tập đoàn lớn. Nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh, các tập đoàn luôn khuyến khích nhân viên có sự đổi mới sáng tạo, như Google có chính sách cho nhân viên dành 20% thời gian làm việc đóng góp vào những dự án đổi mới sáng tạo (ngoài công việc và các dự án của họ đang theo theo đuổi).

Về điều này, ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Hỗ trợ chiến lược, Tổ hợp Samsung Việt Nam cũng đồng tình đánh giá trên.

“Đổi mới sáng tạo là nhiệm vụ quan trọng của tất cả các công ty trên toàn cầu. Đối với Tập đoàn lớn như Samsung, đổi mới sáng tạo là duy trì việc sáng tạo ra những giá trị đổi mới cho khách hàng. Trên cơ sở đó, doanh nghiệp sẽ tiếp cận dưới nhiều hình thức khác nhau, như có thể mua lại hoặc sáp nhập các công ty start-up (có ý tưởng và giải pháp được thương mại hóa có giá trị và đã được áp dụng).

“Tại Samsung, các nhân viên được khuyến khích, đề cao việc nói lên ý tưởng và phát triển ý tưởng. Theo đó sẽ có một cộng đồng đánh giá các ý tưởng này và công ty sẵn sàng hỗ trợ vốn cho các nhân viên thực hiện hóa các ý tưởng của mình. Chúng tôi có thể chấp nhận rủi ro trên đến 90% và tại thời điểm này, công ty đã có 300 dự án được hỗ trợ và trong đó có 47 công ty đã khởi nghiệp thành công,” ông Tuấn nói.

Đối với lĩnh vực đào tạo, ông Huỳnh Quốc Thắng, Hiệu trưởng Trường đại học Bách khoa Hà Nội khẳng định nhà trường trên thực tế là một doanh nghiệp khoa học công nghệ mang tính đặc thù. Trong bối cảnh đó, đổi mới sáng tạo là bắt buộc.

Theo ông Thắng, nhà trường phải đổi mới sáng tạo đối với cả thầy và trò, đặc biệt là trong bối cảnh công nghệ thay đổi nhanh chóng như hiện nay.

“Từ năm 2021, chuyển đổi số trên thế giới sẽ phát triển rất nhanh và ảnh hưởng đến lĩnh vực giáo dục, đào tạo trên toàn thế giới. Ở Việt Nam, sự đổi mới sáng tạo sẽ tác động mạnh mẽ các trường đại học và sự thay đổi mô hình là bắt buộc. Việc thay đổi khoa học công nghệ phát triển nhanh chóng, các ngành nghề trong xã hội cũng thay đổi, do đó các trường đào tạo cũng phải thay đổi rất nhanh, có những ngành nghề đã phải xóa bỏ và thay vào đó là những ngành nghề mới. Có nghĩa là các chương trình đào tạo phải thay đổi theo hướng khoa học công nghệ,” ông Thắng nói.

Dưới góc độ chuyên gia quốc tế, Marcin Miller Phó Giám đốc hợp danh Mckinsey Việt Nam kiến nghị Việt Nam cần xây dựng một môi trường, trong đó các chủ thể, các bên liên quan phải phối hợp được với nhau.

“Ở Singapore, tại trung tâm số hóa và các công viên đổi mới sáng tạo, các chủ thể kinh tế, các doanh nghiệp và các viện nghiên cứu,… đều có tiếng nói của mình và sự tham gia cũng như có vai trò như nhau. Dựa trên kinh nghiệm quốc tế, Việt Nam cần thúc đẩy cơ chế chia sẻ giữa các đơn vị, doanh nghiệp nội địa tham gia vào đổi mới sáng tạo thông qua các giải pháp công nghệ,” ông nói./.

Marcin Miller Phó Giám đốc hợp danh Mckinsey Việt Nam phát biểu:

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục